Với nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, ngôn ngữ Chăm, nhiều tập thơ - trường ca như Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em, Lễ tẩy trần tháng tư... cùng một số tiểu thuyết, Inrasara - người con của làng Chăm Ninh Thuận - dường như đã làm được điều mà ông mong muốn: kể chuyện của dân tộc Chăm cho thế giới bên ngoài.
Nhà thơ Inrasara - nguồn: internet |
* Theo ông, có sự khác biệt nào đáng kể giữa người Chăm H’roi đang sinh sống tại Phú Yên với người Chăm ở Ninh Thuận - quê hương ông?
- Người Chăm ở Ninh Thuận còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, họ có chữ viết, có sử thi. Sử thi Chăm là sử thi văn bản hóa. Đó là nét đặc sắc của văn chương Chăm.
* Ông là nhà nghiên cứu, nhà thơ, sau này chuyển sang viết tiểu thuyết. Trong những công việc đó, ông nhận thấy mình “tinh” nhất ở công việc nào?
- Chuyện đó hãy để đồng nghiệp và bạn đọc đánh giá. Tôi được biết đến như một nhà nghiên cứu là chính. Mãi năm 40 tuổi tôi mới in tập thơ đầu tiên và được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Công trình nghiên cứu đầu tiên của tôi cũng có giải thưởng. Lúc này thì tôi say mê tiểu thuyết. Tôi đã in 2 cuốn, sắp tới sẽ in cuốn thứ ba.
Dân tộc Chăm có nhiều chuyện kể, và mình phải kể cho thế giới nghe.
* Từ một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, ông chuyển sang làm thơ và xuất bản khá nhiều tập thơ, trong đó tập thơ - trường ca Lễ tẩy trần tháng tư đoạt giải thưởng Văn học Đông Nam Á. Ông đã tìm thấy điều gì ở thơ?
- Thơ có thể nói được tình cảm, suy tư, nói được những điều xảy ra hàng ngày trong xã hội. Tùy vào cảm hứng và cá tính sáng tạo mà mỗi nhà thơ có thể mang đến cho độc giả những vần thơ có thể cảm thông được, có thể suy tư được và nói lên những điều cần nói.
* Vậy còn điều gì đã làm cho một cây bút được biết đến với những vần thơ giàu suy tưởng, giàu tính ẩn dụ chuyển sang viết tiểu thuyết?
- Có nhiều điều thơ không thể nói hết được mà phải chuyển tải bằng văn xuôi, trong đó tiểu thuyết có thể bao quát được các vấn đề xã hội. Và tôi dấn thân vào lĩnh vực này để có thể nói được những gì mà thơ chưa nói được. Sau đó tôi cũng viết phê bình, đi vào những tác phẩm thơ, văn xuôi mới nhất trong dòng văn học đương đại Việt Nam, từ trong nước đến hải ngoại, từ miền Nam đến miền Bắc, thơ đăng trong sách, trên mạng… Những gì liên quan đến văn chương Việt Nam đương đại, bài viết phê bình của tôi đều đụng chạm đến và những gì mà trong xã hội Chăm có thì tiểu thuyết của tôi cũng đụng chạm đến, cố gắng lật mở những gì chưa được lật mở của dân tộc Chăm. Người Chăm có rất nhiều chuyện kể khác nhau nhưng đến bây giờ vẫn chưa có một nhà văn nào chuyển tải những chuyện kể đó cho thế giới bên ngoài. Và tôi tự nhận trách nhiệm đó.
* Là người luôn cổ súy cho cái mới trong thơ, ông có nhận xét gì về tác phẩm của các cây bút trẻ hiện nay?
- Có thể nói, tôi nghiên cứu rất nhiều về thơ trẻ đương đại, từ năm 1986 đến nay, nghiên cứu cả những nhà thơ mới nhất đến những nhà thơ lứa tuổi U40. Tôi nhận thấy có rất nhiều trào lưu khác nhau và tôi phân loại thành bốn trào lưu: trào lưu cổ điển, trào lưu sáng tác nữ quyền luận, trào lưu tân hình thức và trào lưu hậu hiện đại. Các sáng tác hậu hiện đại thường bị cho là khó hiểu. Nhưng theo tôi, nếu chúng ta trang bị tri thức về hệ mỹ học hậu hiện đại và nếu hệ mỹ học này được bàn nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng thì tôi nghĩ thơ hậu hiện đại không có gì là khó hiểu cả đối với độc giả, ngay cả với độc giả bình dân nhất. Vì thơ hậu hiện đại chủ trương xóa nhòa ranh giới giữa khó hiểu và dễ hiểu, giữa “cao cấp” và “thấp cấp”. Và thơ hậu hiện đại đang là một trào lưu sáng tác mới.
* Xin cảm ơn nhà thơ Inrasara!
Nhà thơ Inrasara tên thật là Phú Trạm, sinh năm 1957 tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Không chỉ được biết đến với những công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa Chăm, những bài viết phê bình, tiểu luận, Inrasara còn nổi tiếng với những bài thơ giàu suy tưởng. Các tác phẩm của ông đã xuất bản: Tháp nắng (thơ và trường ca), Sinh nhật cây xương rồng (thơ song ngữ Việt - Chăm), Hành hương em (thơ), Lễ tẩy trần tháng tư (thơ và trường ca), Inrasara (thơ), The Purification Festival in April (thơ song ngữ Anh - Việt), Chân dung cát (tiểu thuyết), Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức (thơ), Hàng mã ký ức (tiểu thuyết). Inrasara được trao giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2005, giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh năm 2009. |
NAM PHƯƠNG (thực hiện)