Đến Nha Trang vào một buổi chiều. Phố phường thênh thang như dang tay đón chào du khách. Có lẽ vì yêu cái nắng nhẹ cùng tiếng sóng vỗ rì rào và đường cong mềm mại, nên thơ như những vành trăng non của phố biển này mà bao du khách đổ dồn về nơi đây. Một người bạn cũ đưa tôi đi dạo trên đường Trần Phú. Đêm. Lắng lòng mình nghe lời biển hát, bỗng dưng vọng về tận trong sâu thẳm “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về…”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sống trong lòng hàng triệu người hâm mộ ông
Vậy đấy! Những giai điệu, lời ca có thể bắt đầu từ hoài niệm hay từ một khoảnh khắc nào đó trong đời mà được nhớ đến bao đời. Cũng có thể chỉ từ một bến bờ, dòng sông, bãi bồi mênh mang nào đó mà thức dậy biết bao nỗi nhớ về cánh buồm, dòng sông… trong tâm thức của biết bao người. Biển nhớ của Trịnh Công Sơn là một nhạc phẩm như thế. Bài hát ra đời tại phố biển Quy Nhơn, từ kỷ niệm đẹp của anh với một người con gái Nha Trang. Sau khi ra đời, ca khúc ấy không còn thuộc về riêng anh nữa mà đã gắn với mọi người yêu nhau, mọi biển bờ quê hương trên đất nước này…
Thoắt đó mà đã tròn 11 năm. Trịnh đã giã từ “cõi tạm” này để đi về một thế giới khác, một thế giới có lẽ không huyên náo mà tĩnh lặng, tĩnh lặng đến mức “không một ai quấy rầy đến sự nghỉ ngơi. Không có gì làm xao động cái không gian đã được đóng kín lại cho một cõi riêng tư” (Trịnh Công Sơn - Huyên náo và tĩnh lặng). Suốt 11 năm qua, dù cuộc đời không còn anh, mọi người không nhìn thấy anh nhưng đời vẫn gọi tên anh biết bao lần, người ta vẫn có nhiều cách để “phục sinh” anh trong tâm thức của chính mình. Dáng hình của anh vẫn còn đấy. Người ta vẫn nghe anh hát, anh cười, vẫn lắng lòng nghe anh trải lòng, bộc bạch, tâm sự qua những tình khúc bất hủ của anh như Diễm xưa, Hạ trắng, Ướt mi, Sóng về đâu, Một cõi đi về, Gọi tên bốn mùa, Người về bỗng nhớ… Cảm thức về thân phận lạc loài “bên đời hiu quạnh”, thấy mình cô đơn nên “ru ta ngậm ngùi”, nỗi mất mát, thở than bởi “tình xa” - “tình nhớ” - “tình sầu” nhưng xin “tôi ơi đừng tuyệt vọng” mà hoan hỉ, an lạc như “hoa xuân ca”, “đóa hoa vô thường”… đã mặc nhiên trở thành chỗ dựa về tinh thần cho biết bao người.
“Biển nhớ” - một trong những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn
Ai đó đã nói, có những cái chết không hoàn toàn là chết hẳn, cũng có những cái sống không tồn tại vĩnh viễn với đời. Trịnh càng đúng khi nhủ rằng: “Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng như đã chết. Nhiều người đã chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người…”.
Có phải vì thế mà tự ngàn xưa cho đến ngàn sau, người đời vẫn không thôi nhắc nhớ về những điều chẳng bao giờ phôi pha?
LÊ TẤN THÍCH