Thứ Năm, 28/11/2024 15:02 CH
Quỳnh Hoa - Ký ức không thời gian
Thứ Bảy, 25/11/2006 07:18 SA

Đấy là những năm tháng đầu thời kỳ Đổi mới. Một trong những ý niệm được gọi là đổi mới thì lại chính tôn vinh những giá trị cũ, trong đó có những tình khúc lãng mạn của thời tiền chiến và kháng chiến. Việc tôn vinh trở lại những giai điệu xa xưa này đã tạo ra nhiều ca sĩ riêng của dòng nhạc độc đáo đó. Một trong không nhiều ca sĩ có bản sắc ở dòng nhạc ấy là Quỳnh Hoa.

 

061126-hoa.jpg

Ảnh: N.T.KHA

Căn nhà nhỏ xinh bên cạnh NXB Thế Giới nằm trên đại lộ Trần Hưng Đạo (Hà Nội) với hai hàng sấu cổ thụ bốn mùa vươn lên trời là nơi trú ngụ của gia đình cô bé Quỳnh Hoa say mê ca hát từ ấu thơ. Nhờ say mê ấy nên mặc dù không học thanh nhạc ở Nhạc viện mà lại học khoa Văn hóa quần chúng tại Đại học Văn hóa, Quỳnh Hoa và Vi Hoa – hai cô bạn cùng lớp vẫn trở thành hai ca sĩ có hạng trong làng ca hát. Đang là một cặp song ca rất ăn ý với những ca khúc thời thượng, luồng gió đổi mới đã tách hai cô trở thành hai cây đơn ca của hai dòng nhạc khác nhau. Với Vi Hoa là những bài hát tràn đầy âm hưởng dân ca miền núi. Còn với Quỳnh Hoa là những tình khúc thuở xa xưa Tân nhạc. Tác động lớn nhất và trực tiếp khiến Quỳnh Hoa chọn dòng nhạc này làm sự nghiệp ca hát của mình là nhờ cô sớm được gặp gỡ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và tài tử Ngọc Bảo tại tư gia nhạc sĩ ở số 9 phố Cao Bá Quát – Hà Nội. Ở không gian cổ điển này, Quỳnh Hoa lần đầu tiên bị mê hoặc bởi những giai điệu mùa thu Hà Nội của Đoàn Chuẩn qua giọng hát đầy quyến rũ, không tuổi tác của Ngọc Bảo: “Mây bay về đây cuối trời/ Mưa rơi làm rung lá vàng…” hay giai điệu mùa xuân: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng…”. Và Quỳnh Hoa khát khao được thể hiện những giai điệu này, diễn tả lại hơi thở của tình yêu nồng nàn của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…” bằng những cảm xúc thiết tha, trong trẻo Quỳnh Hoa đã bắt đầu như thế.

 

Đến bây giờ, khi sàn diễn “khúc hát trữ tình” của nhạc sĩ Khắc Huề đã gần tròn tuổi đôi mươi, thì Quỳnh Hoa cũng đã có chừng ấy thời gian chìm đắm trong dòng nhạc này. Sau khi diễn tả lại hơi thở đã cũ đi một cách dễ chịu kia, Quỳnh Hoa tìm cách hát lại những giai điệu xa xưa bằng cảm xúc của lớp trẻ hôm nay. Chính điều ấy đã khiến cho Quỳnh Hoa luôn có mặt trong các chương trình “Ký ức thời gian” của Đài Truyền hình Việt Nam bằng một phong cách tươi sáng “không thời gian”. Nghe Quỳnh Hoa hát “Bóng chiều xưa” của Dương Thiệu Tước trong trang phục váy đen kiều diễm, với những bước quay trên nền nhạc Tango, ngỡ như đang lạc vào một giấc mơ của: “Một chiều ái ân/ Say lòng ta biết bao lần…”. Chiều cao khả dĩ và vóc dáng mảnh mai của Quỳnh Hoa đã khiến ta phải nghĩ rằng việc cô chọn lựa dòng nhạc này cho sự nghiệp ca hát của mình thực sự là một chọn lựa đúng đắn hợp tạng văn hóa của một “vẻ đẹp Tràng An” thanh lịch.

 

Một người bạn thơ của tôi ở Bảo Lộc – Lâm Đồng đã rất mê bài hát “Hà Nội - 49” của Trần Văn Nhơn qua giọng hát Khánh Ly xưa kia. Anh coi như đó là bài hát hay nhất về Hà Nội với những ám ảnh Khánh Ly. Khi nghe Quỳnh Hoa thể hiện “Hà Nội – 49” trong chương trình “Ký ức thời gian”, anh như thoát khỏi ám ảnh cũ và bắt gặp một Hà Nội khác từ một góc nhìn khác. Quỳnh Hoa đã mở ra cảm xúc này như thả vào giai điệu chút sương khói của mùa thu: “Bước men quanh hồ Hoàn Kiếm giữa thu chiều úa/ Tôi nhớ những ngày sống nơi Thủ Đô hồi qua…” khi vào đoạn ngợi ca kinh thành ngàn năm văn hiến, giọng hát Quỳnh Hoa như miết vào tâm tưởng ta những rung động chân thành và trang trọng của tác giả: “Hà Nội yêu quý! Là chốn tôi hằng mến yêu/ Là nơi khi trước, tôi tìm làm nơi gởi thân…” Cái khó nhất của tác phẩm thanh nhạc này là chỗ nó có một bước chuyển giai điệu từ trữ tình sang anh hùng ca rất mịn màng không thấy vết tích của điểm nối. Cái tài của người ca sĩ là phải tìm ra bước chuyển mịn màng đó mà thể hiện để thuyết phục người nghe bằng con tim đa cảm của mình, Quỳnh Hoa đã dày công luyện tập để tìm ra “mật mã” tâm hồn này. Ta nghe như trôi êm trong bước chuyển linh diệu đó: “Hồn tôi đã mang thầm kín sớm chiều/ Hà Nội yêu quý! Là chốn lịch sử ngàn năm/ Là trái tim của Việt Nam/ Là chính hồn Việt anh dũng/ Là nơi đẫm thắm máu xương biết bao anh hùng/ Chính nơi muôn đời ghi dấu/ Sử xanh thắm ghi chiến công…”

 

Để ghi nhớ hai thập niên ca hát của mình, Quỳnh Hoa đã thực hiện một CD gồm những tác phẩm tiêu biểu của dòng nhạc này mang tên “Về bến mơ”, dĩ nhiên trong đó, không thể thiếu “Hà Nội – 49” của Trần Văn Nhơn với những bản phối mới mẻ và ấn tượng như chính khoảnh khắc nở muộn của hoa quỳnh giữa khuya: “Và bông quỳnh đã nở giữa khuya/ Cứ chầm chậm dâng hương thơm trời đất/ Và ngọn lửa tình yêu trong giọng hát/ Mãi ấm trong quả tim nhỏ muôn người…”.

 

NGUYỄN THỤY KHA

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek