Không phải ai sau mấy mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng, khi bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy vẫn giữ được nguyên vẹn tình yêu với thơ ca như nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Tường Thuật. Với ông, miền đất Phú luôn mang nặng ân tình, vì thế, những vần thơ viết cho nơi đây cũng thấm đượm ân nghĩa. Tập thơ Mời em đến thăm quê anh vừa được NXB Văn học phát hành chính là món quà đầu xuân tác giả muốn gửi tặng quê hương và cũng là lời mời chân tình của ông dành cho mọi người.
Bìa tập thơ Mời em đến thăm quê anh - Ảnh: H.MY
Tập thơ Mời em đến thăm quê anh dày gần 150 trang với 67 bài thơ được làm theo thể loại tự do xoay quanh những hồi tưởng về tuổi thơ; kỷ niệm trong những năm tháng chiến đấu; niềm vui trước khung cảnh quê hương đổi thay, vào xuân tươi đẹp và những trải nghiệm trong đời, được ông sáng tác từ năm 1967 đến nay. Là người có nhiều cống hiến và nặng lòng với mảnh đất Phú Yên, tác giả Nguyễn Tường Thuật luôn trăn trở trước sự phát triển của quê hương. Nỗi niềm ấy được ông cấy trong từng ý thơ, gieo trên từng con chữ. Mỗi bài thơ trong Mời em đến thăm quê anh thường khá dài và tràn đầy xúc cảm.
Mở đầu tập thơ, tác giả mời người đọc về thăm quê ông để bắt gặp cái hiên ngang, hùng vĩ của đỉnh La Hiêng chạm trời xanh, để lạc vào khoảng không gian mênh mang, trù phú của sông Cái, sông Ba bốn mùa đầy nước, đậm phù sa. Phú Yên được ông ví như con rồng đang bừng tỉnh sau giấc ngủ dài:
Đến quê anh, em có thấy không?
Phú Yên như thể một con rồng
Sau giấc ngủ dài, nay bừng tỉnh
Vươn mình ra Nam, Bắc, Tây, Đông
Không chỉ dành những nét vẽ phóng khoáng để khắc họa quê hương, tác giả còn dùng những lời thơ nhẹ nhàng, tình cảm để nhắn nhủ, mời mọc mọi người đến đây:
Rồi em lại đến thăm quê anh
Nơi miền quê sơn thủy hữu tình
Nhớ cảnh, nhớ người thương yêu lắm
Bãi Môn, Mũi Điện đón bình minh
(Mời em đến thăm quê anh)
Trong số 67 tác phẩm của tập thơ, có hơn 20 bài tác giả thể hiện cảm xúc, ý vị trước thềm xuân mới. Có một Mùa xuân Kỹ Mão, tác giả không giấu nổi những niềm vui mừng hòa bình hữu nghị, vì hạnh phúc, an khang, thịnh vượng hay mùa xuân Quý Mùi, ông lại tự dặn dò mình:
Tết đến, sang xuân thêm một tuổi
Chỉ vài xuân nữa bảy mươi thôi
Suy ngẫm suốt chặng đường rong ruổi
Hết cả cuộc đời, vẫn sắt son
(Cảm xúc xuân Quý Mùi)
Trong con mắt đa tình của tác giả, bức tranh Tuy Hòa vào xuân thật lộng lẫy sắc màu trong bình yên với chợ hoa xuân, làng hoa nhộn nhịp, còn Đoàn tàu mùa xuân thì đang tỏa ra bốn hướng/đến với bạn bè năm châu, bốn biển/mối thịnh tình muôn dặm quan san. Trong Đường xuân trải rộng… ta về Phú Yên, tác giả đã mở ra cho người đọc một con đường về với cội nguồn 400 năm lịch sử:
Đường xuân trải rộng, gọi ta về Phú Yên
Về với cội nguồn bốn trăm năm lịch sử
Kính chào tiền nhân: Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, Bá Sự
Và Săm BRăm, Võ Trứ, Phan Lưu Thanh…
Nghe biển reo vui, sóng vỗ đầu gành
Nhịp điệu thơ nhanh, giọng thơ khỏe, mỗi câu thơ tươi vui như một lời mời gọi. Mời gọi người hôm nay về thăm lại quá khứ, mời gọi cả quá khứ và hôm nay cùng xây đắp tương lai…
Hầu hết các tác phẩm trong tập thơ thứ ba của tác giả Nguyễn Tường Thuật đều viết bằng giọng thơ hào sảng, pha trong nét trữ tình là chất thép của một người lính bộ đội Cụ Hồ. Mặc dù, nếu soi kỹ, một số bài thơ còn hơi “lên gân” nhưng ánh lên trong cả tập thơ là sự lạc quan, tình yêu quê hương của tác giả, niềm tin vào cuộc sống và vào ngày mai tươi sáng của tỉnh nhà. Gấp trang thơ Mời em đến thăm quê anh, người đọc sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của một tâm hồn luôn nặng nợ với thơ ca và một tấm lòng tha thiết với quê nhà.
HÀ MY