Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân vừa xuất bản tập ký sự “Người mẹ Anh hùng làng Phú Hội” của nhà văn Tô Phương như một lời tri ân với những bà mẹ anh hùng trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc.
![]() |
13 ký sự trong tập sách là 13 câu chuyện xúc động và đầy tự hào về những người con trung hiếu của đất nước với những biến động dữ dội về thân phận trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh vẫn giữ trọn tấm lòng kiên trung, tin tưởng vào thế tất thắng của chính nghĩa.
Mở đầu tập sách là ký sự “Người mẹ anh hùng làng Phú Hội” viết về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Luận ở làng Phú Hội xã An Ninh, huyện Tuy An. Cuộc đời Mẹ Luận vằng vặc một tấm lòng son trong bão táp chiến tranh giải phóng. Bản thân Mẹ cũng là một chiến sĩ cách mạng kiên trung vào tù ra tội. Đi hết cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mẹ Luận 6 lần đội lên đầu vành khăn tang, cạn khô nước mắt vì sự hy sinh của người chồng kính yêu và bao lần “tre già khóc măng non” trước sự hy sinh cao cả của những người con liệt sĩ. Đó là một người Mẹ anh hùng tiêu biểu được Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân ân cần đến thăm đầu năm Bính Tý 1996 để tỏ lòng tri ân của đất nước đối với một người Mẹ của một gia đình có quá nhiều những hy sinh mất mát trong chiến tranh để có cuộc sống hôm nay.
Ký sự “Nước mắt của mẹ” ghi lại câu chuyện đầy xúc động của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mưa ở quê hương tác giả - thôn Tân Lập, xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân. Liên tiếp những cái tang chồng, con trong cuộc chiến ập đến cùng một lúc, người nữ chiến sĩ cách mạng đau xé từng khúc ruột vẫn gượng dậy hoàn thành cho tròn nhiệm vụ ngay trong lòng địch. Hình ảnh một người Mẹ phơ phơ đầu bạc tuổi 90 lăn dài nước mắt trước nghĩa trang liệt sĩ xã trước mùa xuân mới càng thấm thía chiều sâu hy sinh của cả một dân tộc và vết thương lòng của những người Mẹ vẫn còn hằn sâu theo năm tháng dù cuộc chiến đã lùi xa hơn 1/3 thế kỷ. “Người mẹ may cờ cách mạng năm xưa” là câu chuyện đầy tự hào về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đẹp ở thôn 2 (Bến Đá) xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Sống trong lòng địch, Mẹ Đẹp vẫn dũng cảm mưu trí may hơn 500 lá cờ giải phóng. Tấm lòng của Mẹ ngày đêm hướng về chiến khu - nơi có hai người con bà dứt ruột sinh ra nhưng vì nghĩa lớn phải từ biệt Mẹ tham gia kháng chiến. Cuối cuộc chiến tranh, cả hai con Mẹ đều gởi lại tuổi xuân ở chiến trường.
“Người Mẹ ở huyện Đất Đỏ” là câu chuyện sâu lắng về Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ngọc (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Cả nhà hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đau xé tâm can, Mẹ thấm nỗi đau tột cùng của cái giá phải trả cho độc lập, tự do của một dân tộc như Mẹ hằng tâm sự: “Không có sự hy sinh to lớn như thế thì không thể có ngày hôm nay. Tui chỉ là một trong hàng vạn Bà mẹ Việt Nam anh hùng của đất nước Việt Nam mình”.
“Đất nước còn giặc, các con hãy đi đánh giặc” là hào khí thời đại Hồ Chí Minh của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Đãy ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Cũng như Mẹ Ngọc ở Đất Đỏ, Vũng Tàu, Mẹ Đãy - người Mẹ anh hùng của đất Phú Yên bước qua tuổi đại thọ 90 càng cảm nhận sự hy sinh vô bờ của cả nước: “Gia đình tui hy sinh bốn người con nhưng thấm vào đâu so với gia đình Mẹ Rành ở Củ Chi hay Mẹ Thứ ở Đà Nẵng...”.
“Cây tùng trên đất thép” là câu chuyện đầy cảm động về má Tám Rành (Nguyễn Thị Rành) ở đất thép Củ Chi, có 8 người con và hai cháu nội, ngoại hy sinh trong cuộc chiến. Má Rành sinh năm 1902, nếu còn sống năm nay đã tròn 110 tuổi. Sinh thời “mẹ như cổ thụ cành khô quắt. Đến mỗi mùa xuân lại nẩy mầm”. Mẹ là một trong những tượng đài tiêu biểu của Bà Má miền Nam, thành đồng trong hai cuộc kháng chiến. Bên cạnh mạch cảm xúc chủ đạo về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà nhà văn Tô Phương dành nhiều tâm huyết để khắc họa chân dung, trong tập ký này, nhà văn cũng khắc họa nhiều chứng nhân lịch sử như pho sử sống của từng vùng đất. “Người anh cả” là ký sự về cụ Chín Cao (Nguyễn Duy Luân), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ và trong thời bình. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, cụ Chín Cao gắn chặt với chiến trường quê hương, gắn với rất nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của Phú Yên trong hai cuộc chiến tranh mà tiêu biểu là trận “Bạch Đằng Giang trên cạn” làm tan rã Quân đoàn 2, Quân khu 2, quân đội Sài Gòn trong mùa xuân 1975, đẩy địch từ “cuộc rút lui chiến lược” thành “cuộc tháo chạy tán loạn”, góp phần quan trọng làm rệu rã tinh thần của quân ngụy trong mùa xuân đại thắng. “Cha con người lính đảo” là câu chuyện về hai cha con - hai thế hệ người lính đang chắc tay giữ chắc quần đảo Trường Sa - hòn đảo thiêng giữa trùng khơi của cực đông Tổ quốc. Tác giả cũng dành những ký sự đậm chất văn học và báo chí về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam những năm 1978-1980 với những câu chuyện chân thật, xúc động, bi hùng như “Hai chiến sĩ trẻ quê ở Củ Chi”, “Không thể nào quên”, “Lòng dân phum Kô-sa”... Nội dung các ký sự toát lên tình đoàn kết gắn bó hai dân tộc Việt - Campuchia trong kháng chiến chống Mỹ và chung tay sát cánh chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã gieo rắc đau thương khủng khiếp cho cả hai dân tộc. Những ngôi mộ tập thể giữa đồng không mông quạnh khắc sâu tội ác của bọn đồ tể Pôn Pốt ra tay thảm sát dân tộc mình và trở mặt điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam.
Dù đã nghỉ hưu từ năm 1998, trong vòng 10 năm, nhà văn Tô Phương với sức làm việc cần mẫn hiếm có đã xuất bản hàng chục tập truyện ngắn, ký sự về đề tài bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh và thời bình. Các giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và giải thưởng văn học tỉnh Phú Yên đã tôn vinh xứng đáng sự cống hiến của ông. Nhiều bạn đọc trẻ luôn tâm đắc tự bạch của ông về thiên chức của nhà văn và sở trường của từng người cầm bút: “Trách nhiệm của mỗi nhà văn chúng ta là rất lớn trong việc viết càng nhiều càng tốt các tác phẩm về đề tài chiến tranh. Ai có sức lớn thì viết tác phẩm lớn; ai có sức ít thì viết tác phẩm vừa và nhỏ. Nhiều tác phẩm nhỏ cũng có giá trị lớn. Theo tôi, viết về đề tài chiến tranh là nhiệm vụ rất bức thiết hiện nay đối với các nhà văn của chúng ta”.
PHAN THANH