Sau tám tháng khởi quay, bộ phim truyện nhựa Mùi cỏ cháy kể về cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị đã hoàn tất những cảnh quay cuối cùng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) và làm hậu kỳ để kịp tham gia tranh giải Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XVII được tổ chức tại Phú Yên.
![]() |
Cảnh trong phim “Mùi cỏ cháy”.
|
Đoàn làm phim Mùi cỏ cháy đã đi qua nhiều địa điểm: Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị... Bối cảnh Thành cổ được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với những đại cảnh hoành tráng như bộ đội vượt sông Thạch Hãn, pháo binh ngụy đánh chiếm Thành cổ...
Mùi cỏ cháy (kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười và Vũ Đình Thân) là câu chuyện về bốn sinh viên đại học Hoàng, Thành, Thăng, Long đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, rời giảng đường ra mặt trận. Họ nhập ngũ trong một ngày, sống và chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị vào thời kỳ khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với 81 ngày đêm rực lửa trong mùa hè năm 1972. Trải qua nhiều cuộc chiến đấu, cuối cùng chỉ có Hoàng là người duy nhất trở về.
Bộ phim là sự xen kẽ giữa cuộc sống hiện tại của Hoàng với quá khứ chiến tranh, là thái độ của lớp trẻ hôm nay với những người đã ngã xuống. Chất yêu văn chương, giỏi toán của Nguyễn Văn Thạc, nét tài hoa của Hoàng Thượng Lân hay sự hy sinh quên mình của Hoàng Kim Giao... được hiển hiện qua từng chân dung nhân vật, làm cho người xem xúc động sâu sắc về sự hy sinh lớn lao của một lớp người trẻ tuổi tài hoa cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Mùi cỏ cháy đã thực sự vượt lên ý tưởng ban đầu là chuyển thể cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cho biết: “Ê-kíp làm phim Mùi cỏ cháy làm mọi cách để bộ phim xứng đáng với dòng chữ cuối cùng khi phim kết thúc: Bộ phim này để tri ân và tưởng niệm những người lính, đã ngã xuống trên các chiến trường và mặt trận Quảng Trị năm 1972”. Và Mùi cỏ cháy cũng là hồi ức của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. Ngày 6/9/1971, ông cùng hơn 3.000 sinh viên Trường đại học Tổng hợp (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, xếp bút nghiên lên đường ra trận. Những hồi ức về một thời khói lửa ấy đã khơi dòng cảm xúc, thôi thúc ông xây dựng kịch bản bộ phim này. Bởi vậy với Hoàng Nhuận Cầm, mỗi trang kịch bản mà ông đặt bút đều thấm đẫm nước mắt.
Bốn nhân vật được lựa chọn vào vai chính trong bộ phim lần này đều là những gương mặt trẻ, có người lần đầu đứng trước ống kính máy quay. Song, hai đạo diễn Nguyễn Hữu Mười và Vũ Đình Thân cho biết, chính sự chân thực, hồn nhiên của những diễn viên chưa chuyên đó là điều mà cả đoàn ròng rã tìm kiếm suốt mấy tháng trời. Và trong cảnh quay đầu tiên, bốn diễn viên trẻ đã khiến những người có mặt ở hiện trường không khỏi ngạc nhiên bởi đã hóa thân vào vai diễn.
Mùi cỏ cháy - bộ phim được xây dựng từ câu chuyện về các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Thượng Lân - đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng ngay từ khi chưa khởi quay. Hy vọng rằng Mùi cỏ cháy không chỉ “cháy” lên trên màn ảnh mà sẽ còn lưu lại những ấn tượng đẹp trong trái tim khán giả.
VÂN ANH (tổng hợp)