Bộ phim ban đầu có tên Hành trình qua Ba Bể và mới được đổi thành Vượt qua bến Thượng Hải kể về những hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào năm 1934, khi Người vừa thoát khỏi vụ án ở Hồng Kông.
![]() |
Một cảnh trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”
|
Nhờ sự giúp đỡ của luật sư Frank Loseby, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu cuộc hành trình từ Hồng Kông tới Thượng Hải, rồi từ đây tìm đường sang Liên Xô. Đó là cuộc hành trình đầy nguy hiểm, gian khổ, Người luôn phải đối mặt với mật thám Pháp và Quốc dân đảng Trung Quốc ráo riết săn lùng.
Với sự giúp đỡ của Việt kiều, người dân trong xóm An Nam (cơ sở do Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu xây dựng), văn phòng bà Tống Khánh Linh, những nhà hoạt động quốc tế nổi tiếng như Vayang Cuturie (lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp)…, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua hiểm nguy, tiếp tục con đường cách mạng. Bên cạnh việc bám sát vào những sự kiện, chi tiết có thật trong lịch sử, Vượt qua bến Thượng Hải còn có nhiều nhân vật, tình tiết hư cấu để tăng thêm tính hấp dẫn. Trong phim, nữ y tá Phương Thảo là người chăm sóc tận tình cho Nguyễn Ái Quốc khi Người bị thương. Nhà biên kịch Hà Phạm Phú cho biết: “Phương Thảo là hình tượng được xây dựng đại diện cho các tầng lớp người dân Việt Nam. Qua nhân vật này, chúng tôi muốn nói đến tình yêu, sự ủng hộ của quần chúng với cách mạng, với Nguyễn Ái Quốc”.
Hình tượng Nguyễn Ái Quốc trong phim được xây dựng như một nhân vật anh hùng thấu hiểu nhân tâm, mang sứ mệnh giải phóng dân tộc, biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Vượt qua bến Thượng Hải là bộ phim được nhà nước đặt hàng với 70% kinh phí. Bộ phim được quay tại trường quay Hoành Điếm và Thượng Hải, quay ngoại cảnh tại Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam. Bộ phim về đề tài chính trị, lịch sử nhưng lại khắc họa những nhân vật có tính hành động, nhịp điệu phim nhanh, tình tiết hấp dẫn.
Bộ phim Vượt qua bến Thượng Hải do Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam sản xuất; kịch bản: Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh (Việt Nam), Giả Phi (Trung Quốc); đạo diễn: Triệu Tuấn (Đài Truyền hình Việt Nam), Phạm Đông Vũ (Đài Truyền hình Trung Quốc). Vai diễn Nguyễn Ái Quốc không thuộc về các nghệ sĩ quen thuộc như Tiến Hợi hay Trần Lực mà do Minh Hải, một gương mặt mới, làm việc tại Nhà hát kịch Việt Nam đảm nhiệm. Đây là lần đầu tiên anh đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim nhựa, trước đó anh mới chỉ vào vai Bác trong một vở kịch nói. Phim còn có sự tham gia của các diễn viên Mỹ Duyên, Lê Thái Hòa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa trong vai nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Lương Bằng, Chương Diễm Mẫn (Trung Quốc)...
Việc xây dựng Vượt qua bến Thượng Hải công phu nhưng vẫn không tránh khỏi những hạt sạn đáng tiếc. Những cảnh quay ở Hội An, TP Hồ Chí Minh những năm 30... không gợi cho người xem cảm giác đó là Hội An hay TP Hồ Chí Minh mà chỉ là một góc phố đâu đó ở Thượng Hải, Hồng Kông. Các pha rượt đuổi, hành động được kỳ vọng tạo nên sự hấp dẫn đối với người xem lại quá “nhẹ”, một số pha thoát hiểm của Nguyễn Ái Quốc trước vòng vây của quân Tưởng và mật thám Pháp có vẻ vô lý. Một vài chi tiết của thời hiện đại còn “lạc” vào phim như chiếc thìa nhựa xới cơm, cánh cửa sắt kéo... Các khâu thắt nút, mở nút đôi khi khiến người xem hơi hẫng.
VÂN ANH (tổng hợp)