Thầy giáo dạy Toán viết nhạc

Thầy giáo dạy Toán viết nhạc

Tháng 9 vừa rồi, các giáo viên Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa) và nhiều người đã vô cùng bất ngờ khi ông Nguyễn Tước, giáo viên dạy Toán ở trường này, công bố hai tác phẩm âm nhạc đầu tay vừa được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Tháng 9 vừa rồi, các giáo viên Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa) và nhiều người đã vô cùng bất ngờ khi ông Nguyễn Tước, giáo viên dạy Toán ở trường này, công bố hai tác phẩm âm nhạc đầu tay vừa được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

t111127.gif

Thầy Nguyễn Tước (ngồi cầm đàn) tập hát cho học sinh - Ảnh: T.HỘI

Đó là hai tác phẩm Nụ hoa ấy Nỗi lòng người thôn nữ, được ông viết trên nền giai điệu valse và ballad trữ tình, được đưa lên trang web mp3.zing.vn.

Ở tuổi 47, thầy giáo Nguyễn Tước (quê ở xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa) đã có 25 năm làm “người đưa đò” dưới mái trường THPT Lê Trung Kiên. Nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp biết đến thầy là một người không chỉ vững về chuyên môn mà còn làm thơ hay, chơi đàn giỏi. Ông Tước tâm sự: “Từ thời trai trẻ, tôi rất đam mê ca hát nên đã tự học nhạc lý và chơi đàn guitar. Dường như giữa toán học và âm nhạc trong niềm đam mê của tôi có một sợi dây vô hình gắn kết hỗ trợ nhau nên tôi đam mê âm nhạc nhưng lại có sở trường về toán. Nhờ vậy, vào năm 1986, khi còn là sinh viên lớp Toán - Trường đại học Đà Lạt, tôi đã viết ca khúc Nỗi lòng người thôn nữ.

Theo ông Tước, nhạc phẩm này là kết tinh của cảm hứng sáng tạo chất chứa tình cảm đặc biệt về một người con gái. Sau khi ra đời, ca khúc đó được nhiều bạn bè của ông yêu thích và phổ biến trong giới sinh viên Đà Lạt lúc bấy giờ.

Thế rồi mãi 24 năm sau, vào tháng 4 năm ngoái, trong một lần cảm xúc thăng hoa bất chợt, ca khúc thứ hai mang tên Nụ hoa ấy ra đời. “Tác phẩm này được tôi phổ nhạc từ một bài thơ do tôi sáng tác. Phổ nhạc xong, tôi đưa bạn bè hát, nhiều người cũng thấy thích. Và cũng giống như bài hát trước, mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở đó”, ông Tước nói.

2111127.gif

Hai ca khúc “Nụ hoa ấy” và “Nỗi lòng người thôn nữ” của tác giả Nguyễn Tước - Ảnh: T.HỘI

Duyên may, vào tháng 9/2011, thầy giáo Nguyễn Tước được gặp nhạc sĩ Trọng Đài, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, khi nhạc sĩ đến Phú Yên dự chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ II năm 2011 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Yên tổ chức. Trong dịp gặp gỡ này, nhạc sĩ Trọng Đài đã hướng dẫn ông Tước gửi hai ca khúc Nụ hoa ấy Nỗi lòng người thôn nữ đến Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) để đăng ký bản quyền.

Trả lời câu hỏi tại sao chỉ có hai đứa con tinh thần này, thầy giáo Tước bộc bạch: “Làm thơ, viết nhạc là niềm đam mê của tôi, nhưng cũng chỉ mang tính nghiệp dư, nên phải đợi đến khi nào cảm xúc thăng hoa thì mới sáng tác được”.

Theo ông Tước, giữa toán và âm nhạc có một mối liên hệ đặc biệt, những người làm toán ngoài óc suy luận, logic ra còn rất cần đến sự sáng tạo và khả năng tưởng tượng. Giáo viên dạy Toán mà có tâm hồn nghệ sĩ cũng có lợi thế không ít trong việc giảng dạy. Ông nói: “Tôi thường hát cho học sinh nghe vào những tiết sinh hoạt hoặc những lúc trống giờ, xem như là cách giải tỏa căng thẳng cho học trò và chứng minh cho các em thấy rằng tâm hồn những giáo viên dạy Toán không khô khan, công thức như người ta vẫn nghĩ”.

Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Kiên Nguyễn Chí Công cho biết, ngoài thầy giáo Nguyễn Tước, trường này còn có một giáo viên dạy Toán khác biết sáng tác nhạc. Đó là thầy giáo Võ Quang Tải với nhạc phẩm Tiếp bước chân anh, được chọn làm bài “trường ca”.

Về thầy giáo Nguyễn Tước, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Kiên Nguyễn Chí Công nhận xét: “Với năng khiếu làm thơ, sáng tác nhạc, thầy Tước đã tham gia và đóng góp tích cực vào việc xây dựng phong trào văn nghệ và hoạt động xã hội của nhà trường, góp phần xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Với khả năng và tấm gương tự học, sáng tạo, thầy Tước được nhiều đồng nghiệp mến phục và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong nhiều thế hệ học trò”.

Thầy giáo Tước cho biết, sau khi được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền, ông bỏ tiền túi thu in hai nhạc phẩm này để tặng bạn bè. Để tạo thêm dấu ấn kỷ niệm, thầy Tước đã mời một giáo viên dạy môn Toán ở trường và hai học trò cũ thể hiện hai nhạc phẩm này.

THANH HỘI

Từ khóa:

Ý kiến của bạn