Beatbox - nghệ thuật chơi âm thanh

Beatbox - nghệ thuật chơi âm thanh

Beatbox, nghệ thuật chơi âm thanh, vẫn còn khá mới mẻ ở Phú Yên. Một số bạn trẻ đang miệt mài luyện tập và bước đầu tạo được dấu ấn trong các chương trình văn nghệ học đường.

Beatbox, nghệ thuật chơi âm thanh, vẫn còn khá mới mẻ ở Phú Yên. Một số bạn trẻ đang miệt mài luyện tập và bước đầu tạo được dấu ấn trong các chương trình văn nghệ học đường.

bb111127.gif

Một màn biểu diễn beatbox của nhóm Toxic ở TP Tuy Hòa - Ảnh: T.DIỆU

NGHỆ THUẬT TẠO ÂM THANH BẰNG MIỆNG

Beatbox là môn nghệ thuật dùng miệng với sự kết hợp của răng, lưỡi, họng để tạo ra âm thanh. Người chơi môn nghệ thuật này gọi là beatboxer và tất cả các động tác nhằm tạo ra âm thanh gọi là beat. Beatboxer có thể beat bất cứ âm thanh nào có trong tự nhiên, nhưng họ hay beat theo trống điện tử với các âm bass, eco… thường sử dụng trong loại nhạc house, hay bộ gõ như trống con, trống cái, phách... Tiếng nhạc do DJ chỉnh âm cũng là một loại âm thanh được beatboxer thường beat.

Tiền thân của môn nghệ thuật beatbox là hiphop. Khi ra đời, beatbox trở thành một môn độc lập tách biệt khỏi hiphop và có đời sống cũng như khán giả riêng.

Minh Kiên được xem là người tiên phong đưa nghệ thuật beat­box vào Việt Nam. Anh đã truyền lửa đam mê beatbox cho các bạn trẻ với thông điệp chỉ cần có đam mê thì bạn sẽ thành công. Beat­box đã thu hút một số người đến với loại hình nghệ thuật này.

BEATBOX Ở PHÚ YÊN

Beatbox là nghệ thuật mô phỏng âm thanh, chính vì thế nếu muốn trở thành beatboxer, bạn phải là người nhạy cảm với âm thanh. Hiện nay ở Phú Yên, beat­box mới chỉ manh nha phát triển. “Có thể nói, beatbox vẫn còn khá mới mẻ với đa số khán giả Phú Yên” - Trần Anh Hào, thành viên nhóm Toxic (TP Tuy Hòa), nói.

Việc luyện tập vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì không có một giáo trình cụ thể, họ chủ yếu coi các đoạn beat trên internet và tập theo nên chưa thể gọi là sáng tạo. Phần lớn các đoạn beat là nhạc sàn theo âm thanh của DJ vì đó là những âm thanh cơ bản, bước đầu dành cho beatboxer. Mặc dù đang mò mẫn luyện tập nhưng họ vẫn luôn tìm cơ hội biểu diễn, qua đó hoàn thiện dần bài biểu diễn của mình.

Lê Hồng Phúc, sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, chia sẻ: “Sau những giờ học căng thẳng, tôi thường tập beat như một cách thư giãn. Beatbox là một môn nghệ thuật sôi động, góp phần làm cho người luyện tập vui vẻ, hòa đồng. Bạn có thể tạo ra cả một dàn nhạc mà việc luyện tập cũng không quá khó khăn. Chúng tôi muốn trở thành những “sinh viên nghệ sĩ” năng động và tự tin chứ không phải chỉ là những con mọt sách”.

Beatbox đã len lỏi vào đời sống của sinh viên Phú Yên như một tất yếu của quá trình giao lưu văn hóa với thế giới. Không nuôi tham vọng trở thành nghệ sĩ, họ từng ngày luyện tập để trở thành beatboxer trên những sân khấu không chuyên tại Phú Yên.

TUYẾT DIỆU

Từ khóa:

Ý kiến của bạn