Công nghệ làm phim vốn xa lạ với hầu hết mọi người. Tiếp cận với công việc sáng tạo một tác phẩm điện ảnh, ngoài những nhà làm phim chuyên nghiệp thì chỉ có sinh viên được đào tạo chuyên ngành Điện ảnh. Thế nhưng từ năm 2010, với hàng loạt liên hoan phim mini dành cho sinh viên, học sinh cùng hàng trăm phim ngắn, điện ảnh dường như đã được xã hội hóa sâu rộng hơn.
![]() |
Một cảnh quay ngoại cảnh của CLB Ý Tưởng Mới.
|
Hầu hết các liên hoan phim đều chấp nhận một phim ngắn có thời lượng dưới 30 phút. Phim có đầy đủ bối cảnh, nhân vật, tình huống. Bối cảnh của phim ngắn thường là những sự kiện quen thuộc, lễ nghi hay những chuyến đi nhiều cảm xúc, mang tính nhân văn. Nhân vật hạn chế, thường một phim ngắn xoay quanh nhân vật chính với những mong muốn, nhu cầu và bổn phận để giải quyết tình huống nhân vật trải qua. Đoạn thắt nút thể hiện cao trào của bộ phim là điều quan trọng nhất trong phim. Các phim ngắn thành công thường chỉ tập trung vào một khoảnh khắc hay sự kiện nhất định trong cuộc sống của một nhân vật.
Trần Thị Mỹ Dung, thành viên Câu lạc bộ Ý Tưởng Mới (Trường cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2 TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Câu lạc bộ Ý Tưởng Mới ra đời cách đây một năm, có 15 thành viên đều là sinh viên trong trường tham gia làm phim ngắn vì đam mê điện ảnh. Câu lạc bộ làm được 2 phim là Radio và Nó. Bộ phim Nó đã vào vòng chung kết Liên hoan Phim không chuyên lần thứ II với chủ đề Trái tim có điều kỳ diệu do Đoàn trường Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện ARENA tổ chức. Các bạn có thể xem phim Nó trên trang mạng www.youtube.vn. Chúng tôi tự góp vốn để làm phim. Khi làm phim Nó, chi phí tối thiểu để thực hiện là 1 triệu đồng cộng với nhiều nỗ lực xin giúp đỡ. Có thể nói chi phí để làm phim là vấn đề khó khăn nhất. Nhưng khi một tác phẩm được hoàn thành và được nhìn nhận, chúng tôi cảm thấy rất tự hào về thành quả mà mình đạt được. Tôi đang tham gia vào Dự án Làm phim 48 giờ tại TP Hồ Chí Minh, hy vọng tôi sẽ học hỏi được nhiều từ những dự án làm phim này để đến gần hơn với ước mơ trở thành một nhà biên kịch”.
Những bộ phim ngắn nổi bật trong các liên hoan phim ngắn được công chúng chấp nhận như A Good Day To Die (nhóm Young Media, thể loại cổ điển), The Phenomenon (nhóm Time Emit, thể loại Mockumentary). Hai bộ phim ngắn Phía sau cánh cửa gỗ và Phía sau cái chết của Tạ Nguyên Hiệp đã đưa anh đến với danh hiệu Đạo diễn trẻ có triển vọng.
Từ năm 2010, nhiều liên hoan phim ngắn dành cho học sinh, sinh viên được giới làm phim chuyên nghiệp tổ chức, nhằm cổ vũ phong trào sinh viên làm phim. Liên hoan phim ngắn trực tuyến YxineFF diễn ra tại địa chỉ www.yxineff.com. Liên hoan phim ngắn sinh viên - giải Ong Vàng do Khoa Nghệ thuật Điện ảnh (Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) tổ chức. Dự án Chúng ta làm phim (TPD) của Trung tâm Hỗ trợ tài năng điện ảnh thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khởi xướng. Còn Dự án Làm phim 48giờ do Mark Ruppert và Liz Langston sáng lập từ năm 2001 và là cuộc thi dành riêng cho các nhà làm phim trẻ độc lập đã đã khởi động tại Việt Nam vào tháng 10/2010.
Với sự phát triển của các dự án làm phim ngắn, nhiều nghệ sĩ có tâm huyết muốn giúp đỡ những người đam mê phim ảnh bước vào lĩnh vực nghệ thuật này. Diễn viên Hồng Ánh, Giám đốc Dự án phim 89.600km+... về chủ đề giao thông chia sẻ với báo giới, rằng phim ngắn trong dự án được trình chiếu miễn phí cho gần 5.000 sinh viên tại 10 trường đại học, cao đẳng ở TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ từ giữa tháng 10. Chị cho rằng phim ngắn phù hợp và đúng với nhu cầu của xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Đây cũng là một môi trường tìm kiếm tài năng cho ngành điện ảnh.
Sự nở rộ của các dự án làm phim ngắn sẽ giúp xã hội hóa môn nghệ thuật thứ bảy. Tuy nhiên, điện ảnh không phải là một môn nghệ thuật dễ dãi nếu như không có tâm huyết và đầu tư kỹ lưỡng.
TUYẾT DIỆU