Nhân gian vẫn hay ví cuộc đời người nghệ sĩ như một kiếp tằm nhả tơ làm đẹp cho đời. Thế nhưng, khi ánh đèn sân khấu tắt và rồi bức màn nhung khép lại, những kiếp tằm nặng nợ ấy về đâu? May mắn, có người được “tổ” đãi khi thỉnh thoảng một vài lần xuất hiện trước công chúng, nhưng cũng có người phải… tự bơi trong bể đời!
![]() |
Nghệ sĩ Vũ Minh Vương trong phòng trọ mà vật dụng hầu hết là do khán giả yêu mến gởi tặng - Ảnh: T.DÂN
|
“ĐƯỢC DIỄN, NHƯNG TỦI THÂN”
Trong số hơn hai mươi nghệ sĩ hiện sống tại Trung tâm Dưỡng lão nghệ sĩ (TP Hồ Chí Minh), người vẫn được xem là “ngôi sao” duy nhất chỉ có nghệ sĩ Đoàn Thiên Kim. Ở tuổi 77, bà vẫn đều đặn góp mặt trong nhiều bộ phim như Quý ông thời đại, Cạm bẫy, Tuyết nhiệt đới, Bỗng dưng muốn khóc… Ngoài ra, nghệ sĩ Thiên Kim còn được mời lồng tiếng và diễn minh họa trong các video clip ca nhạc. Bà cho biết: “Ở tuổi này mà tôi còn được tổ nghiệp ưu ái thì đó là điều may mắn. Nhưng cũng ở tuổi này mà phải sống xa con cháu, vẫn gồng mình kiếm tiền khiến nhiều lúc nằm nghĩ thấy sao trơ trọi, tủi thân vô chừng!”. Đến nay, nghệ sĩ Thiên Kim đã “tá túc” tại trung tâm được mười năm tròn. Bà giải thích, là vì năm người con của mình nghèo quá, không lo được cho mẹ nên đành phải xin vào sống tại trung tâm. Vả lại, bà cho biết: “Mình không lo cho con cháu thì thôi chứ không nỡ làm gánh nặng cho chúng. Có ai lại không muốn quây quần bên gia đình ở tuổi này đâu”.
Nhìn những vai diễn cao sang, quý phái của Thiên Kim, ít ai ngờ rằng cuộc sống sau sân khấu của bà là cả một cõi lòng nặng gánh ưu tư. Năm 3 tuổi, gia đình tan đàn xẻ nghé, bà theo cha về sống với người mẹ kế và lớn lên trong sự hà khắt tột cùng. Đến lúc lập gia đình, sinh được đứa con đầu lòng thì chồng mất, bà đi bước nữa nhưng phải chịu cảnh sống khắc nghiệt, chì chiết của mẹ chồng. Có thêm bốn người con, tức nước vỡ bờ, bà một thân dắt díu 5 người con về sống với mẹ ruột. Hai chị gái của bà vì hoàn cảnh khó khăn đành gửi lại năm đứa con cho em gái chăm sóc. Từ đó, một thân nghệ sĩ Thiên Kim gồng gánh lo toan áo cơm cho tổng cộng mười hai người. Kể về quãng đời một gánh hai vai - gia đình và nghệ thuật - Thiên Kim cho biết: “Nghệ sĩ hồi xưa thường thuộc biên chế của một đoàn hát nào đó. Tôi chọn con đường “tự do”, chẳng thuộc về ai để chạy sô giữa diễn kịch, lồng tiếng và đóng phim mới mong đủ cơm ngày hai bữa cho cả gia đình”. Bây giờ, gần 80 tuổi, tiền cát sê nhận được, nghệ sĩ Thiên Kim vẫn phải trích một phần lo cho con cháu, còn lại dành dụm cho vài chuyện xấu nhất xảy ra. “Những lúc ốm đau tôi cũng giấu nhẹm chứ cho con biết cũng có giúp được gì đâu. Nên con có đến thăm, thấy tôi tươi tắn nói cười, hình như chúng cũng yên tâm là tôi… ổn khi sống nơi này. Nghĩ vậy mà nhiều lúc tủi quá, tôi đóng cửa một mình nằm khóc, đối diện trọn vẹn với khổ tâm lòng mình”, bà bộc bạch. Những ngày không đi diễn, Thiên Kim cũng giống như bao nghệ sĩ còn lại ở trung tâm, thấy ngày bỗng như dài vô tận khi cuộc sống là nỗi nhớ về một thời quá quãng và mơ ước xa xôi về một mái ấm sum vầy với người thân…
NẶNG NỢ VỚI KHÁN GIẢ
Căn trọ nhỏ nằm trong con hẻm cuối đường Hoàng Duy Phương (quận 10, TP Hồ Chí Minh) là nơi trú ngụ gần chục năm qua của vợ chồng nghệ sĩ Vũ Minh Vương. Trước khi vào gặp chủ nhân, tôi phải chui qua khoảng sân chung giăng
đầy quần áo của người thuê trọ. Thoạt nhìn, căn phòng tầm 15m2 có vẻ… khang trang khi có nhiều vật dụng như máy tập thể dục, tủ lạnh, hai cái tivi, đầu đĩa… song, theo lời nghệ sĩ Vũ Minh Vương thì: “Hơn 90% tài sản ấy là của khán giả vì yêu mến tôi mà gửi tặng”.
Cuộc đời của Vũ Minh Vương có lẽ chỉ tóm gọn được trong hai chữ “thăng trầm”. Sinh năm 1955, vì quá đam mê cải lương, cậu bé Nguyễn Văn Hoàng (tên thật của nghệ sĩ) xin đi theo phụ trách tiền đài cho đoàn cải lương Hoàng Ngọc Ẩn. Được một thời gian, Hoàng trở thành đệ tử của nghệ sĩ Bạch Long và có nghệ danh Vũ Minh Vương khi được nhiều người nhận ra chất giọng ngọt ngào trời phú. Xuất hiện trên nhiều băng rôn quảng cáo, Vũ Minh Vương trở thành cái tên “hot” lúc bấy giờ. Anh liên tục được mời diễn cho nhiều sân khấu lớn, hát chung với các nghệ sĩ tên tuổi khác như Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Nga và mỗi đêm bỏ túi không dưới 3 triệu đồng.
Cuộc đời chuyển sang trang khác khi vừa chia tay vợ, Vũ Minh Vương phải đối mặt với nợ nần chồng chất, anh và người vợ hiện tại phải bán nhà trả lương cho nghệ sĩ trong gánh hát Đại nhạc hội V.M.V do mình tạo lập, chuyển sang ở nhà thuê. Cải lương bão hòa và xuống dốc, để mưu sinh, Vũ Minh Vương chuyển sang… kinh doanh quán nhậu. Anh nói: “Có lúc tôi phải vừa hát vừa nhậu theo yêu cầu của khách mới mong… bán được bia”. Bước ngoặt khó khăn nhất trong đời của người nghệ sĩ một thời vang danh này là thời điểm năm 2005, lúc anh đổ bệnh phải nằm mấy tháng trong bệnh viện. Bấy giờ, hầu như vật dụng gì còn sót lại có thể bán được đều đội nón ra đi. “Lúc ấy, cả hai mắt đều bị cườm, mỗi ngày một mờ dần rồi mù hẳn, nếu không có khán giả mộ điệu gom góp giúp tôi đi qua cơn túng quẫn thì…”, Vũ Minh Vương ngậm ngùi. Ngày hồi phục trong tình trạng hơi khàn giọng đục, Vũ Minh Vương trở nên trắng tay, chẳng những nợ 3 tháng tiền nhà không xoay trả nổi mà đến nồi cơm điện anh cũng không có khả năng mua. Thu nhập cả gia đình lúc này hầu như dựa hoàn toàn vào khoản đóng góp của bạn bè và những khán giả yêu mến anh.
Khi bức màn nhung khép lại, có ai ngờ cuộc đời người nghệ sĩ lại rơi vào túng quẫn. Thế nhưng, vì còn nặng lòng với khán giả và còn mang nỗi nhớ khắc khoải về nghề, Vũ Minh Vương lao vào tập luyện. Hiện tại, ngoài tham gia chương trình Tiếng tre xanh hàng tháng tại Công viên Tao Đàn, do Nhà văn hóa Thanh Niên tổ chức, Vũ Minh Vương còn nhận chạy sô thêm ở nhiều đám tiệc mới mong đủ chi phí trang trải cho gia đình. Mới đây, Vũ Minh Vương vui mừng báo tin đã gom góp được kinh phí làm VCD ca cổ Em ở nơi đâu như một cách níu giữ, ghi lại những kỷ niệm của một thời lừng danh, vang bóng.
TUYẾT DÂN