Cuộc chuyện trò âm nhạc Hát về những người con trung hiếu kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh liệt sĩ là lời tri ân sâu sắc những người đã xả thân vì độc lập, tự do. Buổi giao lưu ca nhạc đặc sắc này được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào tối 30/7.
![]() |
Hát về người lính - Ảnh: M.NGUYỆT
|
Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được biểu hiện rõ trong nền ca khúc cách mạng Việt Nam với lượng bài hát đáng kể nói về các anh hùng, liệt sĩ - những người con trung hiếu của Tổ quốc. Bài hát ra đời sớm nhất để ghi công đức những chiến sĩ đã quên thân mình, hy sinh vì dân vì nước là Hồn tử sĩ của Lưu Hữu Phước. Bằng giai điệu trầm lắng, tiết tấu chậm rãi, bài hát như một khúc mặc niệm của những người còn sống trước vong linh những người đã ngã xuống. Với tính khái quát cao của lời ca và hình tượng âm nhạc, ca khúc này đã trở thành “bài ca mặc niệm” của mọi người tại các buổi lễ sau khi chào cờ, bằng phần diễn tấu nhạc không lời của dàn quân nhạc.
Mỗi trang vàng của lịch sử cách mạng Việt
Năm 1965, hành động dũng cảm của người thợ điện trẻ quê ở Quảng Nam Nguyễn Văn Trỗi đã làm chấn động nhiều người và tạo cảm hứng cho bao nhạc sĩ. Những phút ở pháp trường trước khi ngã xuống của anh khiến nhà thơ Tố Hữu viết: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có những người như chân lý sinh ra…”. Ngay sau đó, hàng loạt bài hát xúc động đã ra đời: Lời anh vọng mãi ngàn năm (Vũ Thanh), Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi (Hiền An), Nguyễn Văn Trỗi - anh còn sống mãi (Nguyễn Đức Toàn). Cái chết kiêu hùng của người công nhân điện TP Sài Gòn đã có tác dụng mạnh mẽ, làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng vốn đang sục sôi khắp miền Nam trước sự dày xéo của đế quốc Mỹ: “Noi gương anh còn có triệu người/ Cả miền Nam đang sôi tim gan/ cuồn cuộn dâng lên như phong ba/ dìm đầu quân cướp Mỹ xâm lăng” (Lời anh vọng mãi ngàn năm - Vũ Thanh).
Tất cả những bài hát nói về các anh hùng, liệt sĩ đều có giai điệu thâm trầm lắng đọng nhưng không não nề mà luôn hào sảng. Dễ hiểu bởi cái chết của họ là sự hy sinh vì nghĩa lớn, vì sự sống còn của Tổ quốc, vì vận mạng của dân tộc. Lý tưởng cao đẹp ấy đã thổi vào âm nhạc không khí vừa bi tráng vừa lạc quan. Cũng có những người con trung hiếu trở về sau các cuộc chiến, gửi lại chiến trường một phần xương thịt. Họ sống giữa quê hương, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Và đó chính là nội dung được biểu hiện trong rất nhiều bài hát được công chúng yêu thích: Người thầy giáo thương binh, Anh thương binh về làng (Nguyễn Đức Toàn), Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến), Cỏ non thành cổ (Tân Huyền)…
Hát về những người con trung hiếu của dân tộc sẽ là một mạch nguồn cảm hứng vô tận trong tâm hồn mỗi người dân Việt
VÂN ANH (tổng hợp)