Hàng chục năm đã trôi qua nhưng mỗi khi những giai điệu rộn ràng của Xuân chiến khu, hào sảng của Tiếng chày trên sóc Bom Bo, lãng mạn của Mùa xuân bên cửa sổ, phấn chấn của Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh cất lên, người yêu nhạc cả nước như được sống lại những ký ức khó phai của đất nước một thời gian khổ mà hào hùng. Người nhạc sĩ đã viết nên những ca khúc đi cùng năm tháng ấy là Xuân Hồng - người con ưu tú của Nam Bộ, một trong những nghệ sĩ tiền bối tài danh của cách mạng Việt
Ảnh: VNN
Sinh năm 1928 tại Châu Thành, Tây Ninh trong một gia đình nông dân yêu thích nhạc tài tử, từ nhỏ Xuân Hồng đã được cha kèm cặp học đàn. Xuân Hồng sáng dạ, năm tuổi đã thuộc lòng và có thể đàn được hàng chục bài nhạc cổ loại ngắn, lúc bắt đầu đi học đã hòa tấu được cùng cha. Năm mười ba tuổi, cha mất, Xuân Hồng lở dở việc học đàn. Mãi đến kháng chiến chống Pháp, Xuân Hồng mới thực sự tham gia hoạt động văn nghệ. Thời kỳ này ông có ca khúc Bài ca may áo, ca khúc đạt Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1965, đánh dấu một bước chuyển vượt bậc trong hành trình sáng tác của ông, được đông đảo chiến sĩ và đồng bào ta thời đó rất yêu thích. Cũng thời kỳ này, ông đã đổi cái tên “con gái” Nguyễn Hồng Xuân thành Xuân Hồng, một bút danh được ông lý giải rất chân thành là “Xuân Hồng cũng chẳng cứng cáp gì hơn Hồng Xuân. Tuy nhiên, có điều làm tôi thú vị, bởi lẽ, qua văn học nghệ thuật, nói cụ thể là qua chữ nghĩa, nhất là qua tác phẩm, làm cho sự tưởng tượng của con người đẹp thêm lên. Đó chính là điều kỳ diệu của nghệ thuật”. Cũng giống như nhiều nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Xuân Hồng không được đào tạo qua một trường lớp âm nhạc chính quy nào, nhưng bù lại, thực tiễn đấu tranh cách mạng đã nuôi dưỡng, bồi đắp và phát triển tài năng âm nhạc vốn được ươm mầm từ lâu trong ông. Niềm đam mê âm nhạc cùng năng khiếu bẩm sinh đã khiến ông có thể có những giây phút thăng hoa cùng nghệ thuật trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Giây phút thăng hoa ấy nở rộ vào năm 1963 khi ông được giao nhiệm vụ thành lập đoàn văn công của Quân giải phóng miền Nam Việt
Như một mối duyên, nhạc sĩ có bút danh Xuân Hồng rất yêu mến mùa xuân và đã có nhiều ca khúc về mùa xuân đặc sắc, trong số đó phải kể đến Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt là Mùa xuân bên cửa sổ - “bản tình ca đương đại của người lính”, khúc hát dịu dàng, đằm thắm, tràn đầy tình yêu và ước vọng của tuổi trẻ. Trong lời giới thiệu tập Tuyển chọn ca khúc Xuân Hồng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nhận xét: “Trong ca khúc Xuân Hồng, thật khó biết chỗ nào tác giả đã xây dựng câu nhạc dựa theo cốt cách lời ca là văn vần, và chỗ nào đã phổ lời ca theo nhạc điệu, vì nhạc và lời gắn bó mật thiết với nhau, mang lại khoái cảm thẩm mỹ hồn nhiên cho công chúng; dù hát bằng miệng hay nghe bằng tai, lời ca và nhạc điệu thấm ngọt vào tận ruột gan”. Xuân Hồng ra đi vào cõi vĩnh hằng cuối năm 1995, nhưng những ca khúc của ông vẫn sống cùng thời gian như một phần thưởng xứng đáng dành cho một người nghệ sĩ lao động bền bỉ. Năm 2000, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Xuân chiến khu, Bài ca may áo, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Người mẹ của tôi. Đặc biệt, ngày 30/4/2004, ông được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Độc lập.
VÕ HÀ