Thứ Bảy, 08/02/2025 18:01 CH
Hoàng Cầm đã về với dòng sông Đuống
Chủ Nhật, 09/05/2010 11:00 SA

Có con cò trắng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu

(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

 

Một đời thân cò lặn lội trên cánh đồng văn chương chữ nghĩa, nhà thơ Hoàng Cầm vừa một đi không trở lại, mãi mãi về bên kia sông Đuống vào ngày 6/5/2010, thượng thọ 89 tuổi, để lại cho đời những viên ngọc văn chương lấp lánh: Hận ngày xanh (Truyện lược dịch – NXB Tân Dân, 1940), Kiều Loan (kịch thơ – NXB Hoa Lư, 1942), Hận Nam quan (kịch thơ – NXB Người bốn phương, 1944), Lên đường (kịch thơ – NXB Tân Dân, 1950), Mưa Thuận Thành (tập thơ – NXB Văn hóa 1991), Về Kinh Bắc (tập thơ – NXB Văn hóa 1994), Men đá vàng (truyện thơ – NXB Văn học 1995), 99 tình khúc (tập thơ - NXB Văn học, 1996). Riêng trong lĩnh vực thơ ca, các tuyệt tác “Bên kia sông Đuống”, “Tiếng hát sông Lô”, “Lá Diêu Bông”, “Cây Tam Cúc”, “Em có về không?”, “Đêm Thổ”, “Đêm Kim”, “Đêm Mộc”, “Đêm Thủy”, “Đêm Hỏa”... sống mãi cùng năm tháng trong lòng bạn đọc yêu thơ nhiều thế hệ.

 

hc100508.jpg

Hoàng Cầm và “Bên kia sông Đuống”

 

Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt sinh năm 1922 ở thôn Lạc Thổ, xã Long Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cụ thân sinh là Bùi Văn Nguyên – một nhà nho nghèo quê huyện Thanh Oai, Hà Đông làm nghề dạy học và thầy thuốc; thân mẫu là bà Nguyễn Thị Duật buôn bán hàng xén. Hai cụ sinh ra nhà thơ ở thôn Phúc Tằng, huyện Việt Yên nên đặt tên cho con là Bùi Tằng Việt.

 

Vùng quê Kinh Bắc đọng lại dấu ấn đậm nét trong sáng tác của Hoàng Cầm như một khúc tự tình dân tộc sâu lắng. Bút danh Hoàng Cầm có nhiều ý nghĩa, trong đông y là vị thuốc bắc rất đắng, Hoàng Cầm còn có nghĩa là con chim vàng, cây đàn vàng, cây đàn của hoàng tử theo nghĩa mộng mơ ảnh hưởng văn học lãng mạn Pháp (La Lyre du prince, la guitare de la Muse...).

 

Hoàng Cầm sáng tác truyện ngắn và làm thơ từ năm 1940, mưu sinh bằng công việc dịch truyện cho Nhà xuất bản Tân Dân, 93 phố Hàng Bông, Hà Nội. Năm 1944, ông tham gia Mặt trận Việt Minh và được bầu làm bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, hoạt động văn nghệ kháng chiến, là Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

 

Sau năm 1954, Hoàng Cầm về Hà Nội, chuyển ngành sang Hội Văn nghệ, sau đó là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Văn nghệ (sau đổi tên là NXB Văn học). Sau đó công tác tại Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) cho đến khi nghỉ hưu. Ông được tặng giải thưởng Nhà nước năm 2007 vì các tác phẩm: “Có giá trị cao về văn học nghệ thuật, ca ngợi đất nước, nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Bài thơ “Bên kia sông Đuống” làm đắm say nhiều thế hệ, được tuyển chọn vào sách giáo khoa lớp 12 như một giá trị tiêu biểu nhất của thơ ca cách mạng Việt Nam.

 

Bên kia sông Đuống là một hồn thơ cách tân, đầy ắp chất trữ tình, giàu sắc thái dân gian, thấm sâu hồn xưa đất nước.

 

Trên Báo Văn nghệ số 27 (năm 1992) trong bài viết “Tôi viết Bên kia sông Đuống” Hoàng Cầm thổ lộ: bài thơ được bắt đầu với “ba dòng vang vọng như từ trên xa xanh rót xuống ấy”:

 

Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lì

 

Quả thật “Ngày xưa cát trắng phẳng lì” đã làm vơi đi cảm giác ai oán, rưng rưng trước một quê hương điêu tàn đang bầm tím bởi gót giày đinh của quân xâm lược.

 

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng bên kháng chiến trường kỳ

 

Một bức tranh thủy mặc đậm chất phương đông về dòng sông quê hương như bừng sáng dưới góc nhìn điện ảnh, giàu sắc màu và nhạc điệu, đẹp đến nao lòng, xoáy sâu vào lòng người về tình yêu quê hương đất nước đầy tâm trạng và ước vọng một thời chiến tranh khói lửa. Sông Đuống canh cánh trôi giữa lòng cuộc kháng chiến, vượt không gian và thời gian, mãi mãi nghiêng nghiêng lấp lánh trong lòng tác giả, trong lòng người yêu thơ.

 

Không chỉ với mạch cảm xúc trữ tình, trong “Đêm liên hoan”, Hoàng Cầm đã có những vần thơ hào sảng về những tráng sĩ vệ quốc quân vượt sông Đuống còn khí khái và nghĩa cả vượt xa Kinh Kha nhập Tần.

 

Người sau kẻ trước lao vào giặc

Giữ vững nghìn thu một giống nòi

 

Hai cuộc chiến tranh, bao nhiêu thân phận phải ly tan. Nhà thơ nhất mực tài hoa Hoàng Cầm cũng không ngoại lệ. Năm 20 tuổi (1942) ông thầm yêu một người con gái của một vị tham tá ở Kinh Bắc là Phạm Thị Loan. Phát xít Nhật vào Đông Dương, có hai viên sĩ quan Nhật mê đắm bóng hồng của nhà thơ. E ngại hai tên này ghen tuông nổ súng ẩu làm mất “thể diện” quân đội Thiên Hoàng, tên chỉ huy quân Nhật ở Kinh Bắc rắp tâm hãm hại “bóng hồng” của nhà thơ bằng một thủ đoạn hạ đẳng. Nhân người đẹp Phạm Thị Loan bị bệnh cảm sốt bọn Nhật đến xem mạch và chích một mũi thuốc “giảm sốt” đưa người đẹp vào giấc ngủ ngàn thu.

 

Đau đớn xé lòng, Hoàng Cầm dốc tâm huyết viết vở kịch “Kiều Loan” để gởi lòng mình.

Vở kịch “Kiều Loan” được công diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Người thủ vai Kiều Loan là nghệ sĩ tài sắc Tuyết Khanh, sau đó trở thành vợ của nhà thơ. Họ đặt tên cho con gái đầu lòng là Kiều Loan. Chiến tranh xô đẩy, cả Tuyết Khanh và Kiều Loan trôi giạt đến Mỹ, họ tiếp tục chia ly như câu thơ xé lòng tê tái trong “Men đá vàng”:

 

Ta sinh đôi trái tim

Từ hai dòng tóc óng

Đêm đợi hoa quỳnh

Mà duyên kiếp vô nhân

Xé nửa vầng trăng lạnh lẽo

Đắp lên nửa gối nửa chăn

Nhọc nhằn ly thân

Dầm mưa thủa lùa cửa ngõ

Đúng là ngọn gió thuở xa xưa...

 

Tập thơ cuối cùng “99 tình khúc” (1996), nhà thơ còn mong gặp lại người xưa dù không gian hội ngộ mờ ảo như sương khói:

 

Em đi liền bên anh

Vào chiều nay sương xuống

Vào chiều mai nắng hanh

Vào xa sau trầm tưởng

Là em từ góc bể

Bỗng gặp anh chân trời

Lồng chăn ấm, trăng soi

Đắp bằng kín cõi đau vô tận

Vằng vặc ly thương hai kiếp người.

 

Và nhà thơ vẫn chập chờn dáng người xưa trong cõi phù sinh, “lá diêu bông” như thực như mơ ẩn hiện cùng nhà thơ đến cuối cuộc đời.

 

Ví chăng em cứ bơ vơ nhớ

Nắng lượn cồn mây lá hiện hình

Thì thương cuốc lả hồn Chiêu Thánh

Mõ giục chuông rền... lệ chép kinh.

 

Giờ thì nhà thơ đã khép lại sau lưng để vùi vào cõi cô miên “Bên kia sông Đuống”.

 

“Bao giờ về bên kia sông Đuống”, bây giờ ông đã về, mãi mãi:

Ta lại tìm em

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân sang.

 

7/5/2010

 

BA ĐÀ RẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Rạn nứt
Chủ Nhật, 09/05/2010 11:00 SA
Ngày của mẹ
Chủ Nhật, 09/05/2010 09:30 SA
Tái hiện những chặng đường lịch sử
Chủ Nhật, 09/05/2010 07:00 SA
Cuộc sống là một điều tuyệt vời
Thứ Bảy, 08/05/2010 08:00 SA
Nhà thơ Hoàng Cầm qua đời
Thứ Sáu, 07/05/2010 13:30 CH
“Phiêu” nhất là lúc vẽ tranh
Thứ Năm, 06/05/2010 17:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek