Lần đầu tiên, những tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc, nhạc múa của Đức Trịnh cùng xuất hiện trong một chương trình nghệ thuật. Con đường âm nhạc tháng 4 mang tên Miền xa thẳm diễn ra vào tối 4/4 là câu chuyện về hành trình sáng tạo không ngừng của người nhạc sĩ mặc áo lính.
Nhạc sĩ Đức Trịnh – Ảnh: M.NGUYỆT
Nhạc sĩ, đại tá Đức Trịnh có một “gia tài” khá lớn, trong đó nhiều nhất là thanh nhạc. Nhắc đến ông, người ta nghĩ ngay đến Ngược dòng Hương giang, Mưa xuân, Miền xa thẳm…; mỗi ca khúc mang một phong cách, “hơi thở” khác nhau song đều rất trữ tình. Ngược dòng Hương giang mang âm hưởng dân ca, giai điệu và ca từ mỗi khi cất lên lại làm người nghe có cảm giác đang bồng bềnh trên dòng sông Hương lờ lững, man mác nỗi buồn trước những mảnh đời phiêu dạt. Mưa xuân tươi trẻ với điệp khúc đầy khao khát “Đi bên em chiều mưa nhớ/Khi xuân sang trao nụ hôn/Cơn mưa xuân tình yêu bao đắm say/Trong mênh mông rừng hoa trắng/Mắt em xanh say lòng anh…”. Còn Miền xa thẳm, câu chuyện bi hùng song cũng vô cùng lãng mạn của những người lính Trường Sơn năm xưa, đã vượt khỏi khuôn khổ của một vở kịch cùng tên để chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng những người yêu dòng nhạc mang phong cách thính phòng. Trong đêm Miền xa thẳm, các ca khúc trên được gởi đến người yêu nhạc qua giọng hát của Vân Khánh, Lưu Thiên Hương - Lưu Hương Giang, Hồ Quỳnh Hương. Bên cạnh đó, một số tác phẩm khác của ông như Hoa dại, Chiều chia xa, Tình yêu của lính, Chiều cao nguyên... cũng đã được các ca sĩ Thanh Thúy, Nguyễn Ngọc Anh, Phương Anh, Mỹ Lệ, Kasim Hoàng Vũ thể hiện.
Đức Trịnh sáng tác rất nhiều, song số ca khúc đến với công chúng chưa nhiều. Có lẽ vì các tác phẩm thanh nhạc của ông thường được viết với quãng rộng, nghe thì có thể rất thích, nhưng rất khó thể hiện. Cựu thành viên ban nhạc Hoa Sữa nhìn nhận: “Đây là nhược điểm của tôi”. Có lần, nhạc sĩ nói vui mà thật rằng, người ta chọn hát ca khúc của ông thường là để… đi thi.
Ở mảng khí nhạc, Đức Trịnh để lại dấu ấn trong các tác phẩm giao hưởng Tượng đài vô danh, Tứ tấu đàn dây, sonate cho piano… Đặc biệt, với Tượng đài vô danh không theo một khuôn khổ nào, nhạc sĩ mặc áo lính tốt nghiệp cao học với kết quả ấn tượng 10/10.
Thành công với thanh nhạc và khí nhạc, Đức Trịnh còn viết nhạc múa. Nhạc sĩ từng thổ lộ: “Tôi yêu múa và là người gián tiếp, cùng biên đạo múa, làm nên một tác phẩm. Vì như người ta nói, nhạc là linh hồn của múa. Tôi yêu điều đó và đã viết nhiều nhạc múa”. Trong đêm Miền xa thẳm, khán giả thưởng thức các tác phẩm múa do Đức Trịnh viết nhạc: Lửa tình cao nguyên. Nếu như Lửa tình cao nguyên sôi nổi, mạnh mẽ thì Gạo mới là những thanh âm của cuộc sống nơi thôn dã với rộn ràng, giục giã tiếng chày giã gạo, tiếng gà gáy, tiếng ru văng vẳng…
Cũng phải nói thêm rằng qua các bản nhạc múa, nhạc sĩ Đức Trịnh đã trở nên gần gũi với những người yêu nghệ thuật múa ở Phú Yên. Là người thầy thân thiết với Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Từ, nhạc sĩ Đức Trịnh đã viết nhiều nhạc múa cho biên đạo trẻ này và nhiều tác phẩm đoạt giải cao, như Đường lên chiến dịch (huy chương vàng hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc), Lửa tình cao nguyên (huy chương vàng Liên hoan nghệ thuật các nước Đông Nam Á)…, gần đây là Lập trình (giải A Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam năm 2009, huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009).
Tham dự chương trình Con đường âm nhạc mang tên Miền xa thẳm tôn vinh nhạc sĩ Đức Trịnh có người thầy của ông, giáo sư - nhạc sĩ Chu Minh, và bạn bè đồng nghiệp. Giáo sư - nhạc sĩ Chu Minh nói: “Anh Đức Trịnh là người học trò mà tôi rất tâm đắc, anh ấy phấn đấu không mệt mỏi trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Thuộc thế hệ nhạc sĩ thứ tư, anh Đức Trịnh là người nắm được nhiều thể loại âm nhạc. Điều đó rất quan trọng vì nó mở ra nhiều chân trời. “Chất” của Đức Trịnh là chất trữ tình song cũng rất sôi nổi”.
Nhạc sĩ Đức Trịnh sinh năm 1957 tại Bắc Giang, từng chiến đấu ở miền Tây Nam Bộ và chiến trường Campuchia. Ông học khoa Sáng tác Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, sau đó học Nhạc viện Hà Nội. Từ năm 1991 đến nay, ông giảng dạy và hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.
LÂM VY