Diễn ra từ 26 đến 28/3 tại Khu du lịch Biển Đông (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Festival Diều quốc tế lần II thu hút 69 nghệ nhân diều đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng 70 nghệ nhân diều trong nước. Họ đã có màn trình diễn diều hấp dẫn với hơn 300 con diều thuộc nhiều chủng loại, hình dáng, tạo bầu không khí sôi động, rực rỡ sắc màu trên suốt chiều dài gần 1 km bờ biển.
Những cánh diều rực rỡ trên bầu trời TP Vũng Tàu - Nguồn: VNN
Ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Festival Diều quốc tế Vũng Tàu lần II: “Tiếp nối thành công của Festival Diều quốc tế lần I/2009, festival diều lần này đã trở thành chiếc cầu nối văn hóa, thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu với thế giới. Festival diều năm nay diễn ra vào năm Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện lớn như kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, du lịch khác như: Liên hoan ẩm thực du lịch thế giới, Festival quà tặng Việt Nam…, sẽ góp phần giới thiệu hình ảnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến với bạn bè thế giới”.
Festival diều lần này quy tụ các đoàn nghệ nhân tham gia đông hơn Festival Diều quốc tế lần I/2009, trong đó có nhiều nghệ nhân chơi diều hàng đầu thế giới như nghệ nhân Lâm Hoắc đến từ Canada (nằm trong top 7 người chơi diều nổi tiếng nhất thế giới), nghệ nhân Peter Lynn, đoàn New Zealand với những con diều hiện đại có kích thước cực lớn, được làm theo nguyên tắc khí động học... Những nước có đội hình biểu diễn diều nghệ thuật xuất sắc nhất thế giới như đội diều của Brunei, Indonesia hay diều bay không cần gió của Malaysia, diều truyền thống của Nhật Bản cũng tham dự festival này. Đoàn diều Việt Nam gồm 4 đội, đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam và đội diều tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự Festival Diều quốc tế Vũng Tàu lần II. Các nghệ nhân trình diễn nhiều loại hình diều, bộ sưu tập diều sáo (miền Bắc), diều Huế truyền thống (miền Trung), diều hiện đại làm theo nguyên tắc khí động học (miền
Sau lễ khai mạc vào hôm 26/3, các đoàn đã thả diều khởi động festival và triển lãm diều. Ngày 27/3 là chương trình biểu diễn diều của từng quốc gia, biểu diễn diều nghệ thuật cá nhân và đồng đội. Một tiết mục độc đáo và hấp dẫn trong ngày 27/3 là phần thi diều chọi giữa các quốc gia. Đây được xem là tiết mục sôi động và kịch tính, bởi ngoài biểu diễn, dưới bàn tay điều khiển của nghệ nhân, những con diều này phải làm sao “cắt đứt” được dây của diều đối thủ. 20 giờ cùng ngày là chương trình thả diều nghệ thuật kết hợp ánh sáng và âm thanh.
Với chủ đề Huyền thoại - Ngàn năm, Festival Diều quốc tế Vũng Tàu lần II muốn tái hiện sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra 100 trứng, nở thành 100 người con. Đêm thả diều nghệ thuật được thể hiện bằng 5 chương: Huyền thoại mở nước, Đất lành hội nhập, Nhịp sống cùng cả nước, Gió ngàn năm và Trời
Tham vọng thả 100 con diều liên tục tạo thành một trận gió lớn nhằm hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã không thể thực hiện trong điều kiện triều cường lên nhanh thu hẹp không gian biểu diễn cùng với gió mạnh quá mức cho phép cho một cuộc chơi diều tốt. Tuy vậy, nỗ lực tại festival lần này được giới chơi diều thế giới công nhận Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới tổ chức được thả diều nghệ thuật kết hợp với âm thanh và ánh sáng trong thời tiết không mấy thuận lợi vào buổi đêm. Đây là điều chưa bao giờ xuất hiện tại các lễ hội diều.
Trong khuôn khổ Festival Diều quốc tế Vũng Tàu lần II còn có hoạt động triển lãm, bán diều tại khu vực trước sảnh, dọc đường nội bộ Trung tâm thương mại Imperial Plaza và Khu du lịch Biển Đông. Đây là nơi giao lưu giữa các nghệ nhân diều với người chơi diều và du khách, để tìm hiểu văn hóa, truyền thống của các nước.
Y.LAN (tổng hợp)