Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức năm du lịch quốc gia 2011 tại tỉnh Phú Yên nhân sự kiện kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển.
![]() |
Tháp Nhạn – Ảnh: D.T.XUÂN
|
Mở đầu “Non nước Phú Yên” (1964) nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư hạ bút: “Phú Yên là vùng đất khả ái của duyên hải miền Trung”. Phú Yên là hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ, có biển, hải đảo, bán đảo, đầm, vũng, vịnh, gành,... có đồng bằng được mệnh danh là vựa lúa miền Trung, có trung du, có cao nguyên Vân Hòa, có núi cao như Vọng Phu, La Hiên. 4/5 diện tích là núi rừng, núi choài ra biển ghi dấu ấn những ngọn đèo nổi tiếng.
Con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung không thể không tính đến Phú Yên – một vùng đất sơn thủy hữu tình có đầy đủ các yếu tố của nước Việt Nam thu nhỏ – nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, ngày càng tỏa sáng qua bề dày thời gian và chiều sâu cội nguồn. Một Phú Yên mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của Chúa Nguyễn Hoàng với sự ra đời phủ Phú Yên năm 1611 và lịch sử phát triển gần 400 năm, đã để lại một di sản văn hóa đa dân tộc phong phú phả hồn vào những sự kiện nhiều chiều tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo của một vùng đất. Di sản văn hóa ấy với 17 di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia đang tiếp sức cho hiện tại và hướng về tương lai.
Di sản văn hóa độc đáo của Phú Yên là sự đan xen, giao thoa của nhiều nền văn hóa của các tộc người đã chung tay xây dựng vùng đất này theo chiều dài lịch sử. Lịch sử Phú Yên không chỉ là lịch sử của tộc người chiếm đa số mà là lịch sử của các dân tộc anh em bản địa trên địa bàn, các giá trị văn hóa giao thoa tạo nét đặc trưng Nam Á.
Theo dòng lịch sử, vùng đất Phú Yên thuộc Vương quốc Chăm-pa xưa trải dài từ đèo Ngang đến Bình Thuận có nhiều bộ tộc, trong đó có hai bộ tộc lớn nhất là bộ tộc Dừa và bộ tộc Cau. Hán sử (Trung Quốc) và sách “Đại Nam nhất thống chí” Triều Nguyễn đều nêu rõ rằng: Năm thứ ba trước Công nguyên, Nhà Hán xâm lược và cai trị nước Âu Lạc, đặt thành ba quận cai trị là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Ranh giới phía nam quận Nhật
Các bộ lạc ở quận Nhật
Bộ tộc Dừa (bia ký chữ phạn là Narikela Vams’a) phân bổ từ bắc đèo Cù Mông trở ra. Bộ tộc Cau (bia ký chữ phạn là Kramuka Vams’a) từ Phú Yên trở vào.
Tiểu quốc bộ lạc Cau (Nam Chăm) có tên là Panduranga gồm hai xứ Panran và Kauthara. Chính sử Trung Quốc đã gọi tiểu quốc này vào các niên đại khác nhau là Làm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành.
Tại Phú Yên, tấm bia ghi bằng chữ Chăm cổ có niên đại khoảng giữa thế kỷ IV được phát hiện tại làng Nhạn Tháp (nay là phường I – thành phố Tuy Hòa) được nhà khảo cổ học người Pháp L.Finot sắp xếp trong công trình nghiên cứu về hệ thống các bia Chăm xuất bản tại Hà Nội năm 1916 nêu rõ tấm bia này và nó được mang tên “Bia chợ Dinh”).
Đất Phú Yên ngày nay, thời xa xưa nằm trong địa bàn của bộ lạc Cau thuộc tiểu quốc Mundu (Môn Độc quốc) hay Aryaru. Trải qua nhiều biến động lịch sử, năm 1470 vua Chăm-pa Trà Toàn đem quân quấy nhiễu Hóa Châu. Vua Lê Thánh Tôn thân chinh soái lãnh 26 vạn quân đánh giặc, hạ thành Đỗ Bàn (Quy Nhơn) và lấy núi Đá Bia làm ranh giới hai nước Việt - Chiêm năm 1471.
Sau khi thu phục vùng đất mới năm 1471, Vua Lê Thánh Tôn phong cho tướng Chăm Bô Trì Trì làm Chiêm Thành Vương (vùng Phiên Lung, tức Phan Rang ngày nay) đồng thời lập tiểu quốc Hoa Anh (Phú Yên) và Nam Bàn (sau này gọi là Thủy Xá, Hỏa Xá).
Các công trình nghiên cứu gần đây của giáo sư Nguyễn Quốc Lộc, giáo sư Trần Quốc Vượng và tiến sĩ Nguyễn Văn Huy đều thống nhất, Hoa Anh là tên Việt hóa của tiểu quốc Mundu hay Aryaru, tức vùng đất Phú Yên ngày nay.
Truyền thống văn hóa Chăm, để hình thành một tiểu quốc phải hội đủ ba yếu tố cơ bản: Tháp thiêng, núi thiêng và dòng sông thiêng. Đồng bằng Tuy Hòa hội đủ ba yếu tố đó: Tháp thiêng (tháp Nhạn), núi thiêng (Đá Bia), dòng sông thiêng (sông Ba – Đà Rằng). Phế tích các ngôi tháp cổ ở phường Phú Lâm, Hòn Bà, Dinh Ông và đặc biệt là Thành Hồ (Hòa Định) cho thấy một hệ thống thành quách đền đài hoàn chỉnh đối xứng nhau qua dòng sông thiêng (sông Ba) là dấu tích cơ bản thủ phủ một tiểu quốc.
Người Chăm gọi sông Ba là sông Rarang, châu thổ sông Ba – đồng bằng Tuy Hòa – là vùng Rarang. Rarang là dòng sông lớn; Ra được biến âm Việt hóa là Đà có nghĩa là lớn. Rang là con sông. Rarang hay Đà Rằng là con sông lớn. Quả thật vậy, Đà Rằng là con sông lớn nhất của vương quốc Chămpa cổ và cũng là con sông lớn nhất miền Trung.
Rarang (Đà Rằng) là dòng sông nối biển xanh với thượng nguồn, là gạch nối giữa đồng bằng và châu Thượng Nguyên của vương quốc Chămpa xưa.
Do giao thoa văn hóa Việt – Chăm, Việt – Ê Đê, sông Ba có hai tên gọi, từ đập Đồng Cam, nơi hợp lưu với dòng sông Hinh gần vị trí Thành Hồ (thành quân sự lớn nhất người Chăm ở Nam Trung bộ) – cửa ngõ châu Thượng Nguyên – trở về thượng nguồn được gọi là sông Ba (Krôngpa); từ đập Đồng Cam đến cửa biển được gọi là Đà Rằng (Rarang). Hai địa danh sông Ba và sông Đà Rằng cùng song song tồn tại như Mê Kông và Cửu Long ở Nam Bộ.
Sông Ba đi vào lịch sử mở nước và giữ nước với dấu ấn con đường Tây tiến của dân tộc (thế kỷ XVII) ở Nam Trung bộ, chiến thắng Sông Ba – Trường Lạc bảo vệ vùng tự do Phú Yên trong chống Pháp và là dòng sông chứng kiến sự tháo chạy tán loạn của kẻ thù trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975.
Từ tiểu quốc Hoa Anh xưa đến Phú Yên nay, mùa xuân này thành phố trẻ Tuy Hòa trải rộng đôi bờ sông Ba đang thay da đổi thịt hàng ngày với những dự án lớn của phía bờ nam đã và đang khởi động, là kết tinh những giá trị kỳ vĩ của dòng sông trong chiều sâu cội nguồn.
BA ĐÀ RẰNG