Thứ Năm, 03/10/2024 20:22 CH
Bút trẻ và chặng đường gập ghềnh phía trước
Thứ Năm, 06/07/2006 08:19 SA

Nổi lên trong những năm gần đây, dù tuổi đời còn trẻ và tuổi nghề càng trẻ, song họ đã đưa những làn gió mới vào cánh đồng văn chương tỉnh nhà. Họ cần mẫn trên từng trang viết, dù những trang viết ấy không thể đem lại những điều đảm bảo thiết yếu cho cuộc sống gia đình. Đó là điều đáng khâm phục!

 

Còn nhớ tại hội nghị Những người viết văn trẻ tổ chức ở Hà Nội vào năm 1998, một cây bút trẻ con một nhà văn lớn đã lên diễn đàn nói “Điều cần trước hết cho một cây bút mới vào nghề là hãy kiếm ra tiền, sau đó anh mới viết”. Nghĩa là anh không còn bận bịu với việc vợ réo, con hỏi tiền đóng học phí thì mới yên tâm đi đây đó thâm nhập thực tế, yên tâm sáng tác. Người ta không còn quan niệm nhà văn phải nghèo thì mới viết hay, phải đi qua cuộc chiến thì mới viết về đề tài chiến tranh. Các cuộc thi sáng tác văn học trên những tạp chí có uy tín đều hướng sự tìm kiếm vào những cây bút mới có tính đột phá.

 

060706-sach.jpg

Một số đầu sách của các cây bút trẻ - Ảnh: K.DUY

 

Trên cánh đồng văn chương, tài năng đâu xuất hiện trong một sớm một chiều. Chỉ cần một vài hạt mầm vươn lên là đã tạo niềm phấn chấn. Phan Thị Hà Tuyên là một minh chứng. Viết văn và làm thơ, các sáng tác của cô học trò này về mái trường, ông bà, cha mẹ, bạn bè…, dễ dàng thuyết phục người đọc vì câu chữ nhẹ nhàng tình cảm. Lớp lớn hơn, gần đây đã có một Mạnh Hoài Nam viết văn với nhiều hoài niệm quê hương, một Đào Tấn Trực trải nỗi lòng trên những trang thơ, một cây bút khuyết tật Lê Đình Hòa làm thơ mang nhiều trăn trở nhưng mỗi khi đọc lại thấy yêu thêm cuộc sống, thấy còn nhiều việc phải làm trong cuộc đời ngắn ngủi này. Và đáng kể hơn là Phạm Ngọc Hiền, cây bút nghiên cứu lý luận còn trẻ, đang sung sức. Các cây bút này sẽ tiếp nối lực lượng viết trẻ những năm 90 của tỉnh nhà như Đào Đức Tuấn, Phương Trà, Huỳnh Văn Quốc, Y Nguyên, Diệu Hằng… tạo nên mảng văn  học trẻ sung sức trong từng giai đoạn để hòa vào dòng chảy văn học chung. Và cái đáng bàn nhất là họ có yêu nghề không, có vượt qua những gian nan trong nghiệp viết vốn dĩ khổ ải, mà sự thành công lại rất hiếm hoi, để đi tới đích. Hay là những lúc trà dư tửu hậu, chúng ta ngồi nhớ lại những người có một giai đoạn lóe sáng trên văn đàn nhưng lại bỏ bút để đi theo công việc khác dễ dàng hơn, đảm bảo cuộc sống hơn. Nhưng tôi vẫn tin rằng, các cây bút trẻ của tỉnh nhà mới xuất hiện những năm gần đây sẽ sống hết mình với nghiệp viết, vì văn chương của họ đã có khoảng cách khá xa với thời của chúng tôi.

 

Trong văn chương cần có sự định hình hơn là tự mình lăng-xê ầm ĩ, chia bè kéo nhóm. Bởi vì lao động văn chương rất nhọc nhằn. Tỉnh ta chưa có một cây bút như Nguyễn Ngọc Tư của Cà Mau, Đỗ Bích Thúy của Hà Nội, Nguyễn Vĩnh Nguyên của thành phố Hồ Chí Minh hay đột phá như Đỗ Hoàng Diệu. Con đường phía trước của các cây bút trẻ tỉnh nhà vẫn còn dài, điều quan trọng là họ có xem văn chương là máu thịt, lẽ sống để đi tới đích hay không.

 

HUỲNH THẠCH THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek