Các họa sĩ Phú Yên, dẫu sống cách xa các trung tâm văn hóa lớn của đất nước, nhưng vẫn không bị lạc hậu và vẫn kế thừa được những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của thế giới.
Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, không một chuyên ngành nào lại có nhiều trường phái (hay chủ nghĩa) gây nhiều tranh cãi như trong lĩnh vực hội họa. Chỉ cần liệt kê ra cũng đủ làm những người “ngoại đạo” ù tai hoa mắt. Nếu tính từ thời Phục hưng thì bắt đầu là trường phái hội họa Cổ điển (Classicism), đến Tân Cổ điển (Neo-Classicism) rồi tiếp đó là Hiện thực (Realism), Lãng mạn (Romantisme), Ấn tượng (Impressionism), Hậu Ấn tượng (Post-Impressionism), Tân Ấn tượng (Neo-Impressionism), Siêu thực (Surrealism), Trừu tượng (Abstractionism), Biểu hiện (Expressionism), Lập thể (Cubism), Vị lai (Futurism), Dã thú (Fauvism), Đại chúng (Pop Art), Hiện đại (Modernism), Đađa (dadaisme), Baroco, Rococo…
![]() |
Tranh sơn dầu “Tâm thức I” của họa sĩ PHAN THỊ LAN
|
![]() |
Trích đoạn tranh “Nữ sinh” của họa sĩ Hưng Dũng
|
Các họa sĩ Phú Yên sáng tác theo trường phái Hiện thực (hay ít nhiều gần gũi với trường phái này) gặt hái được những thành công nhất định phải kể đến họa sĩ Trần Quyết Thắng với phòng tranh Mười hai tháng vẽ theo phong cách hiện thực được triển lãm thành công ở Phú Yên và TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Huỳnh Ân có bức sơn dầu Đêm hội cồng chiêng về đồng bào miền núi, Nguyễn Ngọc Bửu với các bộ tranh màu nước trên giấy dó, Nguyễn Hưng Dũng được nhắc đến nhiều nhờ những bức sơn dầu về xe ngựa và thiếu nữ, Lê Đức Thắng thành công ở thể loại tranh khắc gỗ, Võ Tân Hoàng có Hạt gạo Tuy Hòa, Đinh Văn Tiên với những bức tĩnh vật hoa, Trần Trưởng có tranh hoa xương rồng, Phạm Thi với những bức tranh phong cảnh quê hương, Huỳnh Bông có các bức tượng thiếu nữ trang trí trong khuôn viên trụ sở Hội Văn học nghệ thuật…Tất cả những tác phẩm nói trên đều được sáng tác theo phong cách hiện thực, gần gũi với thị hiếu và trình độ thưởng ngoạn của công chúng.
![]() |
Tranh sơn dầu “Tình quê” của họa sĩ Trần Quyết Thắng
|
Trong số các họa sĩ sáng tác theo các trường phái hội họa Hiện đại, thường xuyên có tác phẩm triển lãm và được người xem chấp nhận (có nghĩa là người xem vẫn có thể hiểu và cảm nhận được nội dung của tác phẩm) phải kể đến Huy Bân, Huy Bình, Phan Thị Lan, Nguyễn Thị Phương Pháp, Nguyễn Lê Tường Thi, Trần Trưởng, Phạm Hồng Sinh…Nổi bật trong số này là bộ ba tác phẩm Tình quê của Huy Bân, SOS của Trần Trưởng, Tâm thức I của Phan Thị Lan, Hai chị em của Nguyễn Thị Phương Pháp…Điều đáng nói là dù sáng tác theo bất cứ trường phái hội họa Hiện đại nào nhưng tranh của họ vẫn gần gũi với đời sống tinh thần của quê hương xứ sở và không gây nên sự phản cảm đối với người xem.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, nhiều trường phái, xu hướng và thị hiếu văn học nghệ thuật của thế giới đang thâm nhập vào đời sống văn hóa tinh thần của nước ta. Hiện tượng giao thoa, tiếp thu, kế thừa những di sản và thành tựu văn hóa của thế giới là không tránh khỏi. Vấn đề là cần phải tiếp thu có chọn lọc sao cho phù hợp và hữu ích với nhu cầu thưởng thức của người dân Việt
ĐÀO MINH HIỆP