Thứ Bảy, 05/10/2024 12:27 CH
Đặng Minh Phương - đâu chỉ tiếng cười
Chủ Nhật, 20/09/2009 07:35 SA

Tôi nhận cuốn Không có vùng cấm* anh Đặng Minh Phương gửi cho cả tháng rồi, nay mới đọc. Bà xã nhà tôi giữ miết, để thỉnh thoảng lấy ra coi vài trang và tủm tỉm cười. Tôi chẳng mấy băn khoăn, bởi hầu hết các bài thơ trào phúng và câu đối của anh tôi đã đọc, và không chỉ một lần.

 

Đọc khi tác phẩm vừa in lên báo hoặc qua những bản anh phôtô cho. Đặng Minh Phương có cái đáng mến là những bài thơ, bài báo anh đã in hoặc có khi vừa gửi tòa soạn, anh sao chụp luôn mấy bản cho vào túi. Gặp bạn thân chuyện trò chán chê, trước khi chia tay chìa ra: “Ông có cái này của mình chưa nhỉ? Cầm xem cho vui”. Có khi sáng báo vừa phát hành, chiều tác giả đã mang bản chụp tới: “Ông xem, bài mình viết sáu câu, các cậu cắt hai câu cuối. Chắc là ngại động chạm. Còn câu này, mình dùng chữ…, sửa thành…, ông nghĩ có tức không? Các cậu sợ vạ lây”.

 

“Các cậu” là biên tập viên tòa soạn hay nhà xuất bản, có người là bạn tâm giao của “Ông Đặng Phò” - tên thật của anh. Cho nên tức thì cứ tức, vui vẫn vui. Anh chỉ bực bội ra mặt khi kể về những câu chuyện, những cái cớ đã gợi ý cho anh viết nên bài thơ độc vận, có vần hay nói lái chơi chữ, để người đọc cười mà quặn thắt trong lòng, cười rơi nước mắt. - “Ông xem, họ làm ăn thế đó”, giọng anh trở nên gay gắt.

 

Họ là những ai? Mọi người dễ dàng nhận diện.

 

Anh Đặng Minh Phương với tôi là bạn đồng tuế, đồng nghiệp, đồng chí và nhiều năm đồng… cơ quan. Hai gia đình có thời sống cùng khu tập thể. Thời đạn bom, các cháu sơ tán cùng nơi. Tôi biết rẫt rõ, với 60 năm thâm niên nghề nghiệp, Đặng Minh Phương từng tung hoành trên nhiều lĩnh vực. Hai lần xông pha bom đạn tại chiến trường Liên khu 5, ở đó tiếng cười của Đặng Minh Phương dòn dã hơn bất cứ thời nào. Đất nước thống nhất, anh nhiều năm trấn thủ lưu đồn vẫn tại chiến trường xưa với tư cách Trưởng cơ quan báo Đảng tại miền Trung. Anh là một cây bút năng nổ của báo Nhân dân về kinh tế công nghiệp, giao thông vận tải, phân phối lưu thông… Anh có không ít phóng sự, bút ký, điều tra… gây chấn động một ngành hoặc xôn xao một địa phương. Ngày nay, mặc cho cái mốc cổ lai hy lùi tít mãi sau lưng, Đặng Minh Phương mải mê viết những bài bút chiến với tư liệu dồi dào, lập luận vững chắc, nêu chính kiến về một số vấn đề hoặc nhân vật lịch sử đang có sự nhìn nhận bất đồng trong giới học thuật. Nhiều độc giả trong Nam ngoài Bắc thú vị các bài viết của anh. Người không đồng tình chẳng dễ gì phản bác Đặng Minh Phương. Tiếng cười là mặt nổi trội, dễ nhận thấy, dễ lan truyền nhất trong toàn bộ cuộc đời chữ nghĩa dài lâu.

 

Dang-Minh-Phuong.jpg

Nhà báo Đặng Minh Phương thời trẻ

 

Tôi khâm phục Đặng Minh Phương ở nền hiểu biết dày dặn do anh chuyên cần tích lũy từ sử sách, báo chí và nhất là từ thực tiễn. Cộng thêm trí nhớ chuẩn xác tuyệt vời. Quá tuổi bát tuần, sức khỏe vẫn tốt, đầu óc vẫn như ngày xưa, vóc người vẫn cao ráo thanh mảnh, bước chân còn nhanh nhẹn hơn nhiều bạn tuổi trạc cháu, con mà sớm mắc tật nhảy tót lên xe khi cần chuyển dịch dù có dăm trăm mét. Nhiều lần, không ngại đêm hôm, anh gọi điện cho tôi, góp ý về lỗi trong bài anh đang đọc: “Này, chức vụ của cụ Phạm Khắc Hòe trước 1945 là Tổng lý Ngự tiền Văn phòng chứ không phải Đổng lý đâu nhé”, hoặc “Cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Văn Bổng viết thời cải cách ruộng đất là Bếp đỏ lửa, không phải Bếp lửa đỏ…”, vv. Những hạt sạn mà người viết không nhớ do mình sơ suất hay tại người đánh máy, sửa bài, dù thế nào đọc lại bài, tôi chưa kịp phát hiện thì đã được “Ông” bạn độc giả nhặt ra và ném cho tác giả.

 

Không ít mẩu chuyện do Đặng Minh Phương ngẫu hứng hay là chuyện về tài ứng đối của anh đã trở thành giai thoại. Tôi không dám miên man, sợ lạc quá xa chủ đề “đọc sách”.

 

Nhiều nhà báo, nhà văn đã có bài viết sâu về mảng thơ văn trào phúng Đặng Minh Phương. Tôi chỉ có thể tâm đắc và không ngại lặp lại ý kiến họ. Tập sách mới in này, bìa đề là thơ trào phúng - câu đối, mà đâu chỉ gồm hai thể loại? Không ít bài “thơ một vần” anh viết về bè bạn đã đành đậm giọng trào lộng mà vẫn có thể gọi không sai là thơ chân dung, thơ trữ tình, thơ thù tạc... Tất cả cùng toát lên cái nhìn độc đáo, giọng điệu khó trộn lẫn với ai, và trên hết, tấm lòng trung hậu. Chỉ cần nghe ai đó đọc lên vài câu, bạn bè đủ biết ấy là tác phẩm “Ông Đặng Phò”. Chẳng có nhiều lắm đâu trên văn đàn ngày nay những đôi “câu đối - chân dung” ngắn gọn mà khái quát cô đúc cả một đời người, một sự nghiệp văn chương với đầy đủ đặc trưng của nó, như câu đối Đặng Minh Phương.

 

Trong bài đề tựa tập sách của anh, giáo sư Vũ Ngọc Khánh nhận xét: “Để trở thành một cây bút trào phúng hẳn hoi... trước nhất phải có cái tài. Cái tài này do trời cho... Nếu cái tài ấy chưa thật là của trời sinh, thì phải có cái nhạy bén, cái thông minh, cái thủ thuật, nhiều biện pháp sinh động”. Về trường hợp Đặng Minh Phương tôi xin góp thêm ý nhỏ: Những điều anh viết ra không đơn thuần là nói trạng, là gây cười hời hợt, để sau khi tan hội chia tay chẳng còn ai buồn nhớ. Càng không phải sản phẩm của tài vặt. Tác phẩm của anh nảy sinh từ vốn hiểu biết sâu, có chính kiến rõ ràng. Mấy ai dám cả gan khái quát thân thế và sự nghiệp một tác giả trong vài ba chục từ nếu không nắm thật chắc? Đặng Minh Phương có cái tài trời cho. Cái tài ấy, cái năng khiếu bẩm sinh ấy được vun xới trên nền đất tốt, thường xuyên bồi đắp bởi phù sa cuộc đời.

 

Tôi nghĩ, thời nào cũng vậy, muốn thơ văn trào phúng có sức sống bền lâu và nhất là giành được sự đồng cảm của số đông, tác giả phải có khí tiết. Ít nhất cũng không sợ làm “họ” giận hay va chạm với “họ”. Có thể rồi sẽ bị phản ứng, ít nhất bị người ta gờm mặt. May mà họ đều có thừa thông minh để ít khi làm to chuyện. Phải có khí tiết của sĩ phu như cụ Tam Nguyên Yên Đỗ hay ông Tú Vị Xuyên mới dám diễu cợt những chuyện chướng tai gai mắt chốn quan trường, cái nhố nhăng nơi tôn nghiêm như trường tiến thân của sĩ tử, hay là những thói tật của người đời đã phổ cập tới mức trở thành giá trị được xã hội công nhận, như tục chúc nhau ngày Tết chẳng hạn... Tôi không có ý so sánh bạn mình với các bậc tiền bối tôn kính, mà chỉ nhân đây lấy ra một nét trong cách hành xử của nhà báo, nhà thơ họ Đặng. Anh dám nói toẹt những điều biết chắc sẽ làm mích lòng ông quan nào đó. Anh không ngại làm những việc có thể bị chê là người lập dị. Anh không lo gặp nạn, cho dù có lạ gì xưa nay chữ tài vẫn liền vần với chữ tai.

 

Nhiều người cùng chung nhận xét, đằng sau những tiếng cười hể hả hoặc đắng cay, đau đáu tấm lòng của tác giả vì điều ngay lẽ phải, là nỗi bất bình của anh trước những tệ nạn xã hội và suy thoái phẩm chất con người, bao gồm không ít người anh quen biết. Không có cái tâm trong sáng, không thể viết nên những câu thơ để đời về những mảng đen tối của nhân quần mà anh luôn tự coi là một thành viên gắn bó. Anh sẵn sàng mang cái vui chốc lát đến cho mọi người, nhưng anh không cười cợt cho sướng miệng. Tiếng cười anh không phủ định. Tiếng cười anh không chỉ nhằm chống mà còn và chủ yếu là xây. Anh đả kích không tiếc lời những mảng đen cái xã hội  trong đó có anh, mà anh dốc lòng phục vụ. Tôi nhớ có lần trêu hai người bạn đều là cây trào phúng trưởng thành dưới bóng Cây đa Hàng Trống: Thợ Rèn (nay đã quá cố) và Đặng Minh Phương. Thợ Rèn tâm sự: “Vì yêu thương, phải có lời nhỏ to”. Còn Đặng Minh Phương, tôi nhại: “Vì yêu thương, cất tiếng cười rõ to”.

 

Tôi muốn nhấn mạnh một nét nữa trong nếp sống Đặng Minh Phương: cái tình thủy chung với bè bạn. Trong lứa tuổi chúng tôi, có lẽ anh là người thuộc địa chỉ nhà riêng nhiều bạn nhất, bởi anh năng chịu khó thăm hỏi anh em. Anh tìm thăm chỉ để tếu táo đôi chuyện, thông tin vài điều, cười sảng khoái với nhau chốc lát rồi giã từ: “Mình còn phải đi...”. Mỗi lần có người bạn nào đó ốm đau, tôi nhận được điện thoại Đặng Minh Phương sớm nhất: “Ông X., bà Y. lại nhập viện. PQ biết chưa? Nằm nhà B, tầng C, số buồng...”. Một đồng nghiệp vừa “ra đi”, thế nào trên mặt báo ra đúng ngày tiễn đưa cũng có bài Đặng Minh Phương. Có lần thấy vắng, tôi ngạc nhiên: “Sao ông không có bài vĩnh biệt anh X.?” - Anh cười:

 

“Có chứ. Mình đã định không viết, vì tuần trước vừa có bài về bà Y. Các cậu ấy nài nỉ, cần bài để kịp in số báo ra hôm sau mà chưa biết nhờ ai. Thì viết vậy. Nhưng không ký tên thật. Sợ người đọc cười: Cái ông này sao mà có lắm bạn bè chết đến thế?”.

 

Mỗi lần có cuốn sách vừa in, tôi bấm điện thoại xem anh có nhà không để nhờ người mang tới biếu. Đặng Minh Phương nhanh nhẩu: “Ông để đấy. Tôi đến”. Nội trong ngày, anh có mặt. Dĩ nhiên không chỉ vì cuốn sách. Anh nhiệt tình với bạn tới mức bị cả tôi lợi dụng. Có lần tôi dám nhờ anh tiện thể cầm cuốn sách tặng một người bạn chung, thân thiết với nhau từ thời trẻ. Chị là nghệ sĩ tiếng tăm lừng lẫy cả nước, mà ở sâu trong ngách phố hẹp, muốn tới nơi phải quẹo phải quẹo trái nhiều lần, người không quen đường thế nào cũng lạc vào mê hồn trận. Nội trong ngày, đã nghe tiếng Đặng Minh Phương sang sảng: “Nhiệm vụ ông giao, tôi đã hoàn thành”. Để cung cấp thêm thông tin qua điện thoại: “Sức khỏe X. (tên người bạn) dạo này khá”.

 

Sực nhớ một lần anh có tặng tôi trang giấy in toàn những câu dài dằng dặc, chữ nào cũng bắt đầu từ một phụ âm, đọc cười vỡ bụng. Chẳng hạn: thẳng thắng thật thà thường thiệt thòi... đọc xong Không có vùng cấm tôi học đòi, gửi trả anh bốn chữ t: tài - tiết - tâm - tình. Biết chắc thế nào rồi cũng bị ông bạn Đặng Minh Phương tìm cách nói lái, đảo ngược hay là cố tình “xuyên tạc” theo cung cách của anh.

 

 

PHAN QUANG

* Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2009

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek