Chủ Nhật, 06/10/2024 05:40 SA
KPă Y Lăng - nhạc sĩ làm thơ
Chủ Nhật, 23/08/2009 07:18 SA

Có nhiều điều để nói về ông: nhạc sĩ, nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên (tự phát nhưng chuyên sâu rất nhiều năm, rất am hiểu công tác ở Viện Nghiên cứu VHNT TP Hồ Chí Minh, nghệ sĩ nhiếp ảnh (có ảnh nghệ thuật đoạt giải và được treo trong một vài triển lãm)... Bất ngờ hơn là ông làm thơ, từ lâu lắm, nhưng ít người biết.

 

anh-3090822.jpg

Từ trái sang: Nhạc sĩ KPă Y Lăng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Tân, nhà văn Y Điêng và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng

 

Khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, khi nhạc sĩ Lê Lôi công bố bài hát Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên rất thành công qua tiếng hát của ca sĩ Măng Thị Hội (người đã làm vang danh bài Bóng cây Kơnia của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ Ngọc Anh), những người làm nghệ thuật ở Đoàn ca múa Tây Nguyên chúng tôi đã thắc mắc với nhau, rằng nhạc sĩ Lê Lôi có đi chiến trường Tây Nguyên không, mà biết cả những địa danh “dòng suối A đam trong suốt, ngọn núi Cư Pông bất khuất...” nhỉ? Trên bản nhạc cũng không thấy có ghi thêm tên ai khác. Bài hát giai điệu lạ, khúc thức hoàn chỉnh, lời mang ý nghĩa sâu sắc, cứ vậy mà “xanh mãi với thời gian”. Cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, tại Đại hội III của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, trước mặt tôi, ông nửa đùa nửa thật bảo nhà thơ Lò Ngân Sủn, đương chức Tổng Thư ký Hội: “Xin trả lại tên tác giả thơ bài hát Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên cho tôi chứ”. Đến lúc đó chúng tôi mới biết rằng, bài thơ này ông làm từ thời tham gia chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, gửi ra Bắc, rồi không biết thất lạc ở đâu. Bỗng dưng một hôm nghe đài thấy cháu mình hát (NSƯT Măng Thị Hội là cháu gọi ông bằng cậu), đúng thơ mình!

 

Từ sau khi nghỉ hưu (2002), thơ ông xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin, tạp chí văn nghệ khắp nơi. Hình như chất sử thi Tây Nguyên cũng ngấm vào tâm hồn khá nhuyễn, nên cao nguyên trong thơ ông gần lại với những tiếng chim quen thuộc của núi rừng “Con chim kêu báo mùa rẫy tới/ Báo con suối tháng này chẳng chảy được xa/ Báo mùa rẫy mới tháng ba về mật ngọt”; với nhịp chiêng rạo rực đêm hội “Tay nắm tay vòng xoan, ngả nghiêng trời cao nguyên/ rung hồn bay hoa lá/ Lôi cuốn người xa lạ”... Không một chút cầu kỳ nào trong câu chữ, mà vẫn khiến người ta hình dung thấy Tây Nguyên “Gió ồn ào, hối hả/ Khi hiu hiu, khi vội vã đi qua/ Mưa tràn trề, nhẫn nại/ mưa nhỏ mưa to vào kho lòng đất/ nắng trải cao nguyên vàng úa lá khô/ Hoa tím rừng, hoa tím rẫy nương”...

 

Có nhiều nhạc sĩ chọn thơ của ông để phổ nhạc. Cứ như ông đếm khoe tôi thì khoảng chừng trên dưới 20 bài thơ đã được hát thành lời. Có những bài được giải thưởng của hội chuyên ngành như: Krông A Na hát - giải nhất của Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh (nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên phổ), Chiều Đăk Bla - giải khuyến khích của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ), Plei Ku gió - giải khuyến khích của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (nhạc sĩ Đức Hà phổ)... Riêng nhạc sĩ Quỳnh Hợp (Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh) rất yêu Tây Nguyên (chắc chắn cũng rất yêu quý tác giả thơ nữa) đã có hẳn hai CD toàn ca khúc phổ thơ ông, do hãng Phương Nam phim phát hành.

 

Người thực sự có tài năng thì có thể làm nhiều việc. Nhưng người Tây Nguyên theo con đường làm thơ sau khi về hưu, lại được nhiều nhạc sĩ chọn tác phẩm phổ nhạc đến thế, thì mới thấy có mình ông.

 

Tên thật của ông là La Mai Chửng, người dân tộc Ba Na Chăm, quê ở Phú Yên. Khi vào Nam tham gia chống Mỹ, ông đã lấy họ của người thầy đầu tiên dẫn dắt mình vào con đường âm nhạc là cố nhạc sĩ KPă Púi để làm nghệ danh. Ông chính là nhạc sĩ KPă Y Lăng. Hộ khẩu ở TP Hồ Chí Minh, nhưng bàn chân lang thang quanh năm đưa ông đi theo tiếng gọi của đại ngàn. Tôi thường đùa ông “như nước sôi trên lửa, ngồi không bao giờ nóng chỗ”, nghe khắp Trường Sơn - Tây Nguyên đâu có lễ hội dân gian là xách túi và máy ảnh đi. Rồi dẫn theo con trai, nghệ sĩ La Mai Y San, nhờ bạn bè truyền dạy cách sử dụng các nhạc cụ của người Ba Na “Để nó biết mình là ai. Biết tự hào thay mình mang tiếng rừng cao nguyên đi tới với bè bạn”... Nhạc sĩ Y San chơi đàn ting ning, đàn tr’ưng khá nổi ở Nhà hát nghệ thuật Bông Sen, TP Hồ Chí Minh, đã từng đem cây đàn dân tộc mình đi khắp thế giới. Y San còn viết nhạc múa chất liệu Tây Nguyên khá “đắt hàng”. Nhạc sĩ KPă Y Lăng rất tự hào về tình yêu Tây Nguyên của con trai mình.

 

Người Tây Nguyên chúng tôi quen tính tuổi theo mùa rẫy. Với KPă Y Lăng, đồng nghiệp ở Tây Nguyên xin gửi lời chúc mừng nhân mùa rẫy thứ 69. Mong ông mạnh chân, khỏe tay, sáng láng đầu óc mà làm thơ, viết nhạc, chụp ảnh. Và lại mải miết lang thang trên những nẻo đường về quê trong những mùa gió đỏ.

 

H’LINH NIÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek