Chủ Nhật, 06/10/2024 22:28 CH
Nhà văn Sương Nguyệt Minh:
Người đọc cần những trang viết trung thực, chân thành
Thứ Năm, 12/03/2009 19:29 CH

Nhà văn Sương Nguyệt Minh, người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia, hiện là biên tập viên văn xuôi tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Không chỉ có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng, ông còn có những tập truyện ngắn đi vào lòng người đọc, như Đi qua đồng chiều, Mười ba bến nước... Ông chia sẻ những suy tư về nghiệp viết, về một số vấn đề của văn học hiện nay.

suong-nguyet-minh.gif

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

 

* Theo ông, nhà văn Việt Nam hiện nay đã sống được bằng trang viết hay chưa?

 

- Chưa. Cũng có một người là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sống khỏe bằng nghề viết văn. Còn nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục viết nhiều thể loại, nhưng thu nhập lại từ kịch bản sân khấu và phim truyền hình. Tôi cùng cơ quan với nhà văn Chu Lai, tôi biết ông viết cũng khỏe, nhưng thu nhập chính lại từ lương đại tá quân đội.

 

Hầu hết nhà văn đang sống bằng nghề khác, trong đó phần đông sống bằng lương biên tập viên, phóng viên - những nghề gần gũi với văn chương. Bên cạnh đó, có những người sống bằng nghề chẳng “dây mơ rễ má” gì với với văn chương cả.

 

* Hiện nay, những nhà văn nổi tiếng không cho ra đời tác phẩm mới. Độc giả đã từng yêu quý những nhà văn này có tâm lý chờ đợi, đón đọc và mãi họ vẫn không thấy. Theo ông, vì sao các nhà văn chững lại, không viết?

 

- Theo tôi sẽ xảy ra một trong ba trường hợp sau. Một là, trời không cho ai nhiều, không cho ai tất cả. Hai là, nội lực nhà văn chỉ như thế. Nội lực này bao gồm bản lĩnh, văn hóa, tài năng, ý chí lao động nhà văn, lòng đam mê và cả sức khỏe nữa. Ba là, có thể họ đã viết rồi, hoàn thành tác phẩm rồi mà chưa tiện công bố. Một người đã quá thành danh, nổi tiếng thì công bố thêm một tác phẩm nữa cũng chưa cần phải vội vàng làm gì.

 

* Chưa bao giờ việc đưa yếu tố tính dục vào văn học được nhắc đến nhiều như hiện nay. Nhiều người coi đây là cách nhìn mới, cách khai thác mới; một số người lấy đề tài này để câu khách, tạo nên dòng văn học chạy theo thị trường chứ không hướng về văn chương đích thực. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

 

- Tôi rất bình thản với chuyện này. Viết về tính dục cũng chỉ là một thủ pháp sáng tạo thôi. Nó như con dao hai lưỡi. Người có bản lĩnh, nội lực cao thì biến “tục” thành “thanh”, thành cái đẹp, thành nghệ thuật chở ý đồ sáng tác; người kém cỏi thì viết tự nhiên chủ nghĩa, thô thiển, bẩn; chẳng phục vụ cho một ý tưởng gì, chỉ thỏa trí tò mò, câu khách. Phản cảm ngay. Đứt tay ngay. Người đọc có văn hóa biết liền.

 

Nhà văn luôn luôn tự do trong sáng tác. Đưa tính dục vào tác phẩm hay không là do người viết. Nhưng, hiệu quả thẩm mỹ hay không lại là chuyện khác. Vì vậy mới cần biên tập viên.   

 

* Cuộc sống “đặt hàng” gì ở các nhà văn? Người đọc đang cần gì ở những trang viết của nhà văn?

 

- Cuộc sống có cái gì thì cần nhà văn viết về cái đó. Mà cuộc sống phong phú, đa dạng biết bao nhiêu: chiến tranh, hòa bình, đói nghèo, ô nhiễm môi trường, tha hóa, thân phận con người, tình yêu… Còn người đọc cần gì ở trang viết ư? Trước hết là cần trang viết trung thực, chân thành. Điều này ai cũng nói, nhưng để viết được thì không dễ đâu. Thứ hai là trang viết hay; điều này cũng khó. Thứ ba là viết những cái họ cần đọc. Mà cái này thì mênh mông; mỗi đối tượng bạn đọc có một hệ thẩm mỹ riêng, cần loại tác phẩm riêng. Biết chiều lòng ai? Thôi thì cứ viết cái mình nghĩ, mình hiểu, mình theo đuổi, mình ám ảnh... Tôi không chạy theo người đọc.

 

* Văn học là con đường càng đi càng xa, đi mãi không dừng. Có người chỉ mới đặt chân vào con đường này đã nổi danh. Nhưng cũng có người cần mẫn, khổ sở viết cả đời mà vẫn không nổi tiếng được. Theo ông, vì sao vẫn có nhiều người tự nguyện “hành xác” vì nó?

 

- Chịu. Viết văn cũng chỉ là một nghề để sống, nên phải hành nghề nghiêm túc, tử tế. Hay vì lập danh? Vì đam mê? Vì cả ba điều đó? Tôi cũng không cắt nghĩa được.

 

* Có những tiêu chuẩn nào để khẳng định đẳng cấp của nhà văn? Thực tế, không ai muốn văn chương của mình bị chê. Với một số người viết văn, chỉ có đứa con tinh thần của mình mới đáng đọc…

 

- Các cụ ngày xưa bảo: “Văn mình vợ người”. Ai cũng nghĩ văn mình là hay. Sự thực không hoàn toàn như thế. Những người có bản lĩnh, tỉnh táo bao giờ cũng biết mình đang ở đẳng cấp nào; nhưng cái sự biết này cũng là tương đối thôi.

 

Không có tiêu chuẩn cụ thể về đẳng cấp nhà văn. Chẳng lẽ lấy tiêu chí nhà văn được nhiều giải thưởng là đẳng cấp cao? Lấy tiêu chí sáng tác và in nhiều tác phẩm, bán chạy à? Cũng không. Lấy tiêu chí sáng tác hay và số lượng tác phẩm hay để khẳng định đẳng cấp nhà văn? Nhưng, như thế nào là hay - quan niệm cũng khác nhau lắm.

 

* Mỗi năm, rất nhiều tập thơ được in, chưa kể số lượng thơ được đăng trên báo, tạp chí, xuất hiện trên các trang báo mạng… Đó là dấu hiệu gì cho thơ nói riêng và văn học nói chung?

 

- Chưa bao giờ thơ được quyền ra đời tự do như ngày nay. Hầu như các báo, tạp chí đều có “đất” để in thơ; các nhà xuất bản cũng không từ chối cấp giấy phép để tác giả in thơ. Nếu bị từ chối thì thơ vẫn có đất sống ở weblog của người sáng tác, của bạn bè. Các câu lạc bộ thơ được hoạt động tự do và mọc lên như nấm. Các cuộc thi thơ cũng nhiều… Nghĩa là thơ đang có “mảnh đất” tốt, màu mỡ để “sinh sôi”. Thế nhưng vẫn chưa có thơ hay.

 

Tuy vậy, tôi vẫn lạc quan. “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, cá tính sáng tạo được phát triển. “Hữu xạ tự nhiên hương”; thơ hay sẽ còn lại, cái dở rồi sẽ bị quên lãng.

Tất nhiên, in dễ dàng quá cũng có điều không hay, khiến cho người làm thơ lười suy nghĩ, viết dễ dãi, làm nhiễu loạn văn chương. Tai hại nhất là vô tình hạ thấp thẩm mỹ, hướng “bạn đọc chưa trưởng thành” đến sự nhạt nhẽo, tầm phào để rồi bạn đọc chán thơ, quay lưng lại với thơ.

 

* Xin cảm ơn nhà văn.

NGUYỄN VĂN HỌC (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek