Múa Lân-Sư-Rồng ngày Tết

Múa Lân-Sư-Rồng ngày Tết

Trong những ngày xuân, mặc dù có khá nhiều những trò chơi truyền thống như đánh đu, đánh vật, chọi trâu, đua thuyền, hát bội (hát bộ), hát dân ca,… nhưng hình như ai ai cũng thích xem múa Lân - Sư - Rồng hơn cả, bởi nó mang đậm nét dân tộc, nét văn hóa và nét nghệ thuật, rất truyền thống và rất đặc trưng của người Á Đông. Xuân của đất trời ngàn năm vẫn vậy, múa Lân - Sư - Rồng vẫn giữ nguyên nét nghệ thuật truyền thống

Trong những ngày xuân, mặc dù có khá nhiều những trò chơi truyền thống như đánh đu, đánh vật, chọi trâu, đua thuyền, hát bội (hát bộ), hát dân ca,… nhưng hình như ai ai cũng thích xem múa Lân - Sư - Rồng hơn cả, bởi nó mang đậm nét dân tộc, nét văn hóa và nét nghệ thuật, rất truyền thống và rất đặc trưng của người Á Đông. Xuân của đất trời ngàn năm vẫn vậy, múa Lân - Sư - Rồng vẫn giữ nguyên nét nghệ thuật truyền thống.

AnhMinhHoaBai_MuaLAN-SU-RON.jpg

Trong tâm thức của người phương Đông từ ngàn xưa, LONG (Rồng) với LÂN là 2 con vật thiêng liêng trong 4 con vật Tứ linh (LONG - LÂN - QUY - PHỤNG). Và trong đời sống văn hóa, MÚA LÂN, MÚA RỒNG… từ những hoạt động mang tính nghi lễ đã trở thành một tập tục, một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của phần lớn các dân tộc Đông Nam Á, đặc biệt là người Hoa.

Trong những ngày Tết, nếu được xem múa Lân - Sư - Rồng, hẳn là điều vô cùng thú vị: “Tùng cheng, cắc, tùng cheng...” là tổ hợp âm điệu của trống, thanh la và chập chõa xen lẫn trong các điệu múa Lân. Con Lân bắt đầu từ tư thế phủ phục, đến tư thế uốn lượn, leo cao đều biểu hiện cho một ý nghĩa tượng trưng, qua đó cũng thể hiện trình độ điêu luyện, khéo léo, sự võ sĩ… Những  võ sĩ có võ thuật càng cao cường thì hình tượng của con Lân càng trở nên sống động và hấp dẫn. Nhất là ở những màn biểu diễn thật khó như múa trên tấm ván đặt trên trái banh gỗ lớn kết hợp với chồng người; múa trên những chiếc bàn chồng lên nhau; múa trên Mai Hoa Thung (những chiếc cọc bằng sắt, dựng thành bộ 7 cột từ thấp đến cao),.v.v… Càng khó thực hiện, tiết mục biểu diễn càng hấp dẫn và uy tín của đội Lân đó càng cao. Một số bài múa  phổ biến trong dịp Tết thường là những tiết mục: Lân leo cột (cột là cây tre dài khoảng mười mấy thước), Kim Ngân Sư chúc thọ (Kim Ngân Sư: con Lân màu vàng và màu bạc), Lân vờn ông Địa, Lân ăn dưa hấu, Lân thượng lâu đài, Lân hái cỏ linh chi,v.v…

Hiện nay, tên tuổi của các đoàn Lân - Sư - Rồng đã được nhiều người biết đến như: Hằng Anh Đường, Nhơn Nghĩa Đường, Tinh Võ Đường, Tinh Anh Đường, Liên Nghĩa Đường, Hào Dũng Đường, Trung Tín Đường, v.v… Dịp Tết, sau khi tập trung múa biểu diễn ở một số địa điểm, các đội Lân - Sư - Rồng này thường hay tỏa ra trên một số đường phố để múa phục vụ mọi người, hoặc tại nhà của một thân chủ nào đó (nếu có yêu cầu trước) để “lấy hên” và mừng năm mới. Các tiết mục múa thường mở đầu bằng các bài chúc Tết, cúng ông Địa… và cuối cùng là Lân trèo lên cây cao để ăn cờ (cờ phướn có treo giải thưởng, lấy tiền lì xì của thân chủ, cột chung với bó cải trên cán cờ, treo sẵn trước sân nhà) trong tiếng trống rộn rã. Lân theo trống và trống theo Lân. Tiếng trống trầm vang khi nhanh khi chậm, khi êm khi mạnh, hòa theo tiếng thanh la, chập chõa… Ông Địa với khuôn mặt tròn xoe, miệng cười toe toét, bụng phệ, mặc áo dài rộng màu vàng - đỏ, quần đen, đi đôi giày vải, tay cầm chiếc quạt phe phẩy qua lại… Đây là một nhân vật hài không thể thiếu trong các đoàn Lân - Sư - Rồng; nhằm đem lại những tiếng cười vui vẻ. Hình ảnh ông Địa trong đội Lân rất gần gũi với hình ảnh của Phật Di Lặc - một vị bồ tát có nụ cười từ bi, hỉ xả.

lan.jpg

Múa Lân thường bao gồm một người đội chiếc đầu Lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Múa Sư tử thì thường có đệm nhạc khí cổ. Người múa phải mặc đồ đồng bộ với thân của Sư tử, trùm kín đầu, chân đi giày vẽ móng Sư tử, khi múa trông giống Sư tử thật. Nghệ thuật múa Sư tử gần giống như xiếc, gồm: Sư tử nhảy lửa, đi trên quả cầu lớn, nhào lộn, chồng lên nhau để “ăn tiền”… rất hấp dẫn. Múa Rồng thì khác với múa Lân - rất nặng nề và cần nhiều người. Một con Rồng dài khoảng 20 - 40 mét (hoặc dài hơn nữa), phải bao gồm ít nhất 7, 9, 11,… người múa. Khi múa phải có sân rộng, người múa phải có sức khoẻ, biết phối hợp động tác với nhau sao cho Rồng uốn lượn lên xuống, vòng qua lộn lại như hình chữ S, chữ M… thật uyển chuyển, đẹp mắt. Trong múa Rồng, người cầm đầu là quan trọng nhất - chỉ huy cả nhóm. Ngoài ra còn có một người cầm “trái châu” đi phía trước để dẫn đường.

Trong múa Lân, không thể không nhắc đến những người múa – những võ sĩ và là “linh hồn” của đoàn. Đối với những võ sĩ múa Lân - Sư - Rồng, ngoài ý muốn phục vụ một tập tục truyền thống, họ còn muốn biểu hiện và quảng bá tinh thần thượng võ. Bởi thế, trong cái đẹp của sự uyển chuyển từ các động tác múa, luôn chứa đựng cái đẹp của võ thuật. Trong các chương trình múa Lân lớn, thường có những tiết mục biểu diễn võ thuật, biểu diễn nội công độc đáo như bẻ sắt, chặt đá, đâm giáo vào cổ, nằm giường chông,v.v… Mỗi đội Lân đều có phong cách và nghệ thuật trình diễn khác nhau (do nguồn gốc môn phái võ thuật khác nhau): đội Lân - Sư - Rồng Nhơn Nghĩa Đường thuộc phái Thiếu Lâm Chân Gia, đội Lân Trần Minh biểu diễn Thái Cực Đường Lang, đội Lân Tinh Anh thuộc phái Bạch My, v.v…

lan-2.jpg

Lân - Sư - Rồng vốn được xem là những vật thiêng và là một trong những biểu tượng văn hóa hữu tình nối kết đời sống tâm linh của người Hoa. Lân - Sư - Rồng luôn mang đến những phúc lành và sự may mắn. Vì thế, múa Lân không chỉ để giải trí hoặc kinh doanh. Múa Lân không là một nghề. Bình thường, những người múa Lân sống bằng nghề khác: dạy võ, thầy thuốc… Khi có chương trình biểu diễn hoặc vào dịp lễ Tết thì họ mới tập hợp lại và luyện tập. Tất cả đều trân trọng con Lân của mình. Trước khi “khai trương” một con Lân mới, họ phải làm lễ “khai quang điểm tinh” -  tức là “điểm mắt cho Lân” (khi chế tạo đầu Lân, các nghệ nhân bao giờ cũng chừa lại 2 con mắt). Cúng tổ và điểm mắt rồi Lân mới “sống dậy” và múa. Khi Lân đã cũ, người ta đốt cháy nó để “trả lại cho Trời”… Qua sức sống của hình tượng Lân - Sư - Rồng, chúng ta có thể phần nào hiểu đựợc tại sao: cho dù ở đâu, người Hoa cũng giữ được tinh thần đoàn kết và bản sắc văn hóa của mình.

THANH TÂN (TP.HCM)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn