Thứ Sáu, 04/10/2024 14:37 CH
Con trâu trong đời sống tâm hồn nông dân Việt
Thứ Năm, 01/01/2009 07:30 SA

Nền nông nghiệp Việt Nam nằm trong cái nôi sản xuất lúa nước của nhân loại. Gắn với nền sản xuất ấy không thể thiếu con trâu. Con vật này đã đi vào đời sống của người Việt một cách tự nhiên, đa dạng và phong phú. Nó không chỉ hiện hữu trong đời sống thường nhật mà còn đi vào đời sống tâm linh, đi vào lời ăn tiếng nói của dân ta.

 

trau081231.jpg

Lùa trâu ra đồng - Ảnh: D.T.X

 

Theo sử sách chép lại, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn đã có từ thế kỷ XVIII, để cầu thủy thần phù hộ cho làng nước bình yên. Bởi thế, con trâu tham gia lễ hội được người dân nơi đây kính trọng gọi là Ông Trâu và khi Ông đã làm xong sứ mệnh của mình thì hóa thành thiên sứ, còn xác phàm để lại cho mọi người được hưởng lộc của thần:

 

Ngày mai thiên sứ về trời,

Riêng tôi ở lại bên người tôi yêu.

 

Khác với người Đồ Sơn, đồng bào ít người ở Tây Nguyên lại xem trâu là con vật tế thần. Họ tổ chức lễ hội đâm trâu để bày tỏ lòng biết ơn của hậu thế đối với các bậc tiền hiền, những người có công khai sơn phá thạch, khẩn hoang lập ấp định hình buôn làng. Vào khoảng tháng 12 đến tháng 3 âm lịch hàng năm, tại các buôn làng Tây Nguyên diễn ra ngày hội đâm trâu. Người Xơđăng – Bana tiến hành lễ hội trong ba ngày, người Giarai chỉ tiến hành một ngày rưỡi. Ngày vào lễ hội gọi là “Mút”, ngày cuối ăn đầu trâu gọi là “Bongkô”. Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, có ý nghĩa tái diễn lại thời các bậc tiền bối đã dũng cảm chiến đấu, mở mang sáng lập buôn làng, Mời đấng thần linh về ăn thịt trâu, uống rượu cần nhằm bày tỏ tấm lòng thành của hậu thế đối với bậc tiền bối. (1)

 

Con trâu không chỉ là linh vật trong lễ hội mà nó cũng đã đi vào ca dao, tục ngữ của người Việt với nhiều ý nghĩa khác nhau. Với cư dân lúa nước, Con trâu là đầu cơ nghiệp. Người thanh niên xưa được xem là giỏi giang, trưởng thành khi:

 

Trai thì cày ruộng khiển trâu

Gái thì phải biết bổ cau têm trầu

 

Đã biết cày ruộng, khiển trâu, chả lẽ suốt đời đi làm thuê, làm mướn! Phải có con trâu để bắt đầu cơ nghiệp, để được chủ động về công việc. Bởi thế, họ quan niệm:

 

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà

Trong ba việc ấy ắt là khó thay.

 

Để diễn đạt việc chọn người bạn đời đoan trang, tiết hạnh, cha ông ta lại khuyên: Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi. Song, khi đã chọn được vợ đúng nòi thì người xưa đến với nhau bằng nhân, bằng ngãi, lấy nhân ngãi làm đầu cho cái nghĩa tào khang, vật chất không ảnh hưởng đến việc nên vợ nên chồng:

 

Thương nhau vì nợ vì duyên

Trâu đôi chi đó, thổ điền chi đây.

 

Khi đã tậu được trâu, cưới được vợ, người chủ gia đình mong muốn đời sống tốt hơn, kinh tế khá giả hơn, được sung túc, thành công hơn với Ruộng sâu, trâu nái để gia đình vui sống trong cảnh yên bình:

 

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa (nằm).

 

Nếu gặp bất trắc trên đường đời, cặp vợ chồng đó cũng lại dùng chính con trâu để tự an ủi cho mình:

 

Chẳng qua số phận long đong

Cột trâu, trâu đứt, cột tròng, tròng trôi.

 

Con trâu còn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em nông thôn. Tắm cùng trâu, cỡi trên lưng trâu, phơi áo trên mình trâu… rồi cùng nghêu ngao: Ai bảo chăn trâu là khổ, Chăn trâu sướng lắm cơ…

Không chỉ có vậy, con trâu còn là con vật tâm tình, là bạn của người nông dân. Khi được mùa, họ mượn lời nói với trâu để ngợi ca cuộc sống đủ đầy:

 

Trâu ơi, ta bảo trâu này,

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây, trâu đó, ai mà quản công, Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

 

Con trâu không chỉ là người bạn tâm tình, nó còn được người xưa mượn để gởi gắm bao điều muốn nói. Vẫn là lời gởi gắm qua motip: “Trâu ơi”… nhưng muốn khuyên nhủ người đời chăm chỉ, cần mẫn, người xưa nói:

 

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ăn cho béo trâu cày cho sâu.

Ở đời khôn khéo chi đâu,

Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần

 

Để chê bai những kẻ quen thói kén cá, chọn canh nhưng lại thiển cận, những người nông dân một nắng hai sương lại mượn hình ảnh cái vũng trâu dầm để ví von thật đặc sắc:

 

Nước giữa dòng chê trong, chê đục

Vũng trâu đầm hì hục khen ngon.

Cũng để chỉ sự thiển cận, hẹp hòi, ganh ghét ở đời trong xã hội phong kiến, có lúc bạo miệng hơn, cha ông ta mượn con trâu để ví với những kẻ mũ cao áo dài.

Trâu buộc thì ghét trâu ăn,

Quan võ thì ghét quan văn dài quần hoặc Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết.

 

Trong cuộc sống vốn chịu nhiều tầng áp bức ấy, có những lúc không chịu nổi tâm địa tham lam, độc ác của những kẻ thống trị, những người thấp cổ, bé miệng đã chửi thẳng: Bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy hay Cơm đâu no bụng chó, cỏ đâu no bụng trâu.

 

Tiếng chửi khéo không làm cho những kẻ bị chửi tỉnh ngộ, nhân dân ta chỉ còn biết xếp chúng vào loại Đầu trâu mặt ngựa vì tiếng chửi của họ cũng chỉ là Đàn gảy tai trâu, rồi sau đó, họ khuyên nhau:

 

Đàn đâu đàn gảy tai trâu,

Đạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi, hãy dùng đạn đó, gươm đó vào những việc lớn lao hơn.

 

Ngày xuân, vài lời về con trâu trong đời sống tâm hồn người Việt cũng là cách để góp phần làm cho cuộc đời đẹp hơn.

 

(1) Theo: lễ hội chọi trâu Tây Nguyên (CAND online)

THẾ DŨNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek