Tôi quen dậy sớm pha trà, cà phê, vừa uống vừa nghe radio và làm những việc lặt vặt. Đến mùa đông, tôi thường nhìn về phía biển, dõi theo sự biến chuyển của từng đám mây, tiếng sấm…
Mùa đông, quê tôi thường xuyên hứng chịu bão lụt. Để giảm bớt thiệt hại do mưa gió gây ra, mọi người luôn chủ động phòng tránh, ứng biến. Ai ai cũng biết những câu tục ngữ, ca dao về thời tiết như: “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, “Móng dài trời lụt, móng cụt trời mưa”, “Tháng chín heo may, chuồn chuồn bay thì bão”, “Nhiều sao thì nắng, vắng sao thì mưa”, “Chóp Chài đội mũ/ Mây phủ Đá Bia/ Ếch nhái kêu lia/ Trời mưa như đổ”, “Ông tha mà bà chẳng tha/ Còn làm cây lụt hăm ba tháng mười”... Đó là những câu tục ngữ, ca dao về thời tiết mà ông bà xưa đúc kết lại cho con cháu. Khi khoa học kỹ thuật và phương tiện truyền thông chưa phát triển như hiện nay, thì những kinh nghiệm dự đoán thời tiết như trên là vô cùng quý giá.
Mùa đông, đêm dài ngày ngắn, “ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Bởi thế, gần 5 giờ sáng mà bóng tối vẫn còn bao trùm vạn vật. Gió mùa đông bắc se lạnh, mưa ào ào kéo đến rồi ngưng, để lại những giọt rơi rơi tí tách, mở điện thoại nghe vài bản nhạc mùa đông thì trời mới rạng sáng. Có hôm nhìn về phía biển, tôi thấy những đám mây đen nặng nề, nghe tiếng sấm động rền xa, nghe tin không khí lạnh tăng cường, tin áp thấp nhiệt đới, tin bão trên biển Đông, tin mưa lớn khắp miền Trung mà lòng bồn chồn, lo lắng. Tôi chợt nhớ những câu thơ: “Miền Trung/ Bao giờ em về thăm/ Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/ Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo, mọc trắng mặt người/ Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật” (Miền Trung - Hoàng Trần Cương).
Người dân quê tôi vốn quen với mưa đông nắng hạ, thường xuyên đối mặt với bão lụt nên tinh thần luôn chủ động chứ không chủ quan, có lo lắng nhưng không hoang mang. Bà con lo mua thêm ít dầu lửa để dự phòng cúp điện, chằng chống lại cây đu đủ hoặc buồng chuối còn non, xay bao gạo rồi kê lên cao, để dành thùng mì ăn liền và bình nước lọc, sạc đầy đèn pin, điện thoại, dõi theo bản tin thời tiết… Cứ vậy, chờ qua 23/10 âm lịch thì thời tiết khá hơn, bớt lo chuyện lụt bão, an tâm chuẩn bị cho mùa màng, tết nhứt.
Năm nay, mùa đông ở quê tôi khá yên bình. Người xưa nói: “Rằm tháng mười kẻ cười người khóc” là có ý nhấn mạnh tình trạng bão lụt khiến nhiều người đón rằm lớn không trọn niềm vui. Vậy mà rằm tháng mười năm nay, ngày nắng vàng tươi, đêm trăng sáng rực. Từ phía biển, trăng tròn vành vạnh nhô lên, rải ánh vàng ánh bạc khắp muôn nơi. Lướt qua Facebook bạn bè, tôi hiểu được niềm hạnh phúc của mọi người khi thấy ánh trăng đông. Dưới ánh trăng bàng bạc, cứ ngỡ như trăng thu, xóm ga nhỏ ở miền sơn cước cũng rộn ràng tiếng trẻ con nô đùa, tiếng người lớn hỏi han về lúa giống, lịch gieo sạ vụ đông xuân, chuyện sắn, mía, rẫy rừng… Tôi ưa thích cách nói mộc mạc của người dân quê mình: “Năm nay ông trời chỗ mình hiền ghê!”.
Mùa đông, có những sớm mai gió ngừng, mưa tạnh. Nhìn về hướng biển, thấy ửng hồng sắc mây, nghe tiếng vạc kêu sương ngang trời, tiếng gà gáy cũng giòn hơn, lòng tôi bỗng vui lên rộn ràng. Đây là những tín hiệu cho biết thời tiết ôn hòa, biển lặng trời yên, thế nào cũng có nắng ấm áp. Có trải qua những ngày mưa ướt át mới thấy yêu ánh nắng mùa đông. Có hứng chịu bão giông mới thấy quý cảnh trời yên biển lặng. Tôi mừng thầm, sóng êm dịu cho thuyền ra khơi, trời yên lành cho vụ mùa gieo sạ, mưa nắng thuận hòa cho cây trái tốt tươi. Rồi nay mai, lúa lên xanh mướt cánh đồng, giàn khổ qua đơm hoa kết trái, buồng chuối già vừa kịp tết, rồi vườn mai hay vườn cúc cũng vàng rực sắc hoa. Tôi đọc nhẩm bài ca dao cũ “trông trời, trông đất, trông mây” rồi lại nhìn về phía biển!
PHAN HUY THÙY