![]() |
NSƯT Thành Lộc |
Trong vở kịch Ngôi nhà không có đàn ông, lớp ông Thiện đã ngoài 50 tuổi gặp gỡ lần cuối với Hạ - người ông yêu, một cô gái tuổi ngoài 20 - là lớp diễn gây ấn tượng sâu sắc nhất. Ông Thiện chân thành yêu Hạ, hết lòng giúp đỡ gia đình cô, chiều chuộng cô. Song qua một thời gian quen biết, ông đã cảm nhận tình yêu đó quá mong manh.
Được con mời sang Pháp, ông nhận lời ngay. Do đó mới có cuộc chia tay và cũng là dịp để ông Thiện cắt đứt một mối tình đẹp nhưng không thể bền lâu. Ông Thiện - Thành Lộc ngập ngừng, lúng túng, chân thành trong đau đớn, yêu thương và tủi hờn trong phút chia ly. Ông lớ ngớ quên cả đôi mắt kiếng trên bàn và nói những câu vô nghĩa. Ông chỉ nói được một câu thật thấm thía với tuổi đời của ông: “Hạ cần cái mà tôi không có, tôi có cái mà Hạ không cần”. Khi ra khỏi nhà Hạ, ông Thiện dừng lại, lấy khăn lau mắt kiếng. Ông khóc và khán giả cũng nghẹn ngào trước một mối tình trái ngang đã đến hồi kết cuộc… NSƯT Thành Lộc có lần tâm sự: “Lúc đầu có người ngộ nhận vai ông Thiện phải là một vai hài.
Tôi hiểu rõ ý tác giả và đã diễn khác. Ông Thiện xuất hiện ít nhưng là một vai diễn có chiều sâu trong tâm hồn và có nhiều “đất” để diễn viên sáng tạo. Tôi rất thích những vai dù ít xuất hiện nhưng có chiều sâu để mình tập trung sáng tạo và thể hiện đầy đủ tính cách của nhân vật”.
Trong Lôi vũ, vở kịch nổi tiếng của Trung Quốc, Chu Xung không phải là một vai phụ mà chính là một nhân vật “dự báo thế giới ngày mai”. Chu Xung như một ánh sao giữa đêm mù mịt, một ánh chớp trong cơn bão loạn đầy trời. Thành Lộc “hiểu” được Chu Xung nên khắc họa sự trong sáng của một chàng trai thông minh, nhiều ước vọng. Chu Xung đã bày tỏ niềm mơ ước của mình với Lỗ Tứ Phượng. Anh ước mơ một thế giới đại đồng, con người yêu thương nhau chân thành, không giết hại lẫn nhau… Thành Lộc đã thể hiện Chu Xung như một tâm hồn trong sáng giữa cuộc sống tràn đầy tội lỗi và thù hận. Chu Xung và Lỗ Tứ Phượng - “đôi thiên thần” đã cùng chết trên lưới điện cao thế để bảo vệ sự trong sáng của họ…
Còn trong Dạ cổ hoài lang, ông Tư là một người già sống ở xứ người, trong lòng luôn nặng tình quê hương xứ sở. Thành Lộc đã thể hiện rất sâu sắc tâm hồn của một người tha hương, sống buồn tẻ nơi xứ người, trong khi con cháu đã trở nên xa lạ, thành những người mất gốc. Ông chỉ còn biết tâm sự với người bạn già cùng cảnh ngộ (Việt Anh đóng). Thành Lộc thể hiện được nỗi đau không thể nói ra, khi ông và đứa cháu không còn hiểu được nhau. Thành Lộc diễn rất tài tình khi nút kịch đã mở ra: Ông Tư bị sốc khi biết đứa cháu gái của mình không hề có khái niệm về ngày giỗ của bà nội nó…
Về vai diễn này, NSƯT Thành Lộc bộc bạch: “Tôi thấy nhân vật ông Tư sao mà giống ba tôi. Ông sống hoài cổ, và một chút bảo thủ. Tôi có những quan điểm sống, quan điểm làm nghề khác với ông, thành ra hai cha con cứ hay tranh luận gay gắt, y như mâu thuẫn giữa ông Tư và đứa cháu trong vở. Tôi đã diễn với vốn sống từ ba tôi, có những câu thoại, những động tác tôi cố tình lặp lại hình ảnh của ông. Thí dụ, dáng đi dáng đứng, gặp bất kỳ người nào đến chơi là bắt ngồi nghe ông kể chuyện quá khứ, hoặc khi tranh luận không lại tôi thì ông cười hề hề...”. Vai diễn trong vở kịch Dạ cổ hoài lang đã góp phần khẳng định tài năng diễn xuất của Thành Lộc khi anh còn cộng tác với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.
Khả năng sáng tạo của NSƯT Thành Lộc được thể hiện qua nhiều vai diễn. Dù cho tâm trạng của nhân vật có phức tạp đến đâu, Thành Lộc vẫn khắc họa trọn vẹn, không thừa không thiếu, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.
THANH TÂN