Thứ Năm, 03/10/2024 01:19 SA
Có một Nguyễn Duy làm thơ lục bát
Thứ Năm, 02/10/2008 07:30 SA

Nguyễn Duy là một người thành công ở thể loại thơ lục bát, là tác giả của hàng loạt thi phẩm: Tre Việt Nam, Đò lèn, Hơi ấm ổ rơm, Ánh trăng, Tuổi thơ, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Lời ru đồng đội, Mưa trong nắng nắng trong mưa, Sông Thao, Ông già Nam Bộ, Xẩm ngọng v.v... Ngày nhỏ, ông được bà ngoại đọc cho nghe rất nhiều hò vè, ca dao, truyện cổ tích. Những điều đó dần dần ngấm vào đầu cậu bé Nguyễn Duy Nhuệ. Đó có thể là chất xúc tác để sau này Nguyễn Duy chuyên viết thể loại lục bát một cách điêu luyện và vận dụng ca dao vào thơ mình một cách tài tình.

 

Nguyen-Duy-081002.jpg

Nhà thơ Nguyễn Duy - Ảnh: V.HỌC

Nhà thơ Nguyễn Duy có tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh ngày 7/12/1948 tại Đông Vệ - Thanh Hóa. Năm lên 9 tuổi, Nguyễn Duy đã tập tành làm thơ với những bài tả cảnh sinh hoạt hàng ngày, trường lớp. Năm 1957, bài thơ đầu tiên của Nguyễn Duy được in báo, lúc đó ông đang học lớp 2. Năm 1962, Nguyễn Duy vào học cấp II ở Hà Nội. Nguyễn Duy tâm sự: “Lúc đó tôi gửi bài cho tờ báo duy nhất của giới văn nghệ nhưng đều không được in. Đến khi thơ của tôi vào tay Hoài Thanh thì mới xuất hiện trên mặt báo”.

 

Hoài Thanh không chỉ là người “phát hiện” ra tài thơ của Nguyễn Duy mà còn là người giúp đỡ, trao đổi từng câu, từng chữ thật cẩn trọng trước khi cho thơ Nguyễn Duy in báo. Thời gian làm dân quân trực chiến ở khu vực Hàm Rồng (Thanh Hóa), Nguyễn Duy viết nhiều thơ lục bát. Bài thơ lục bát đầu tiên của thời kỳ này được Nguyễn Duy sáng tác trong hai năm, bắt đầu từ 1969. Đó là bài Tre Việt Nam. Bài thơ này cùng với Bầu trời vuông, Hơi ấm ổ rơm đã mang lại cho Nguyễn Duy giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1973. Đó là điều kiện  làm nên tên tuổi Nguyễn Duy. Sau này ông về công tác ở tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam.

 

30 năm làm thơ, viết văn, thành quả của Nguyễn Duy là 13 tập thơ, 3 tập bút ký và 1 tiểu thuyết, trong đó có Cát trắng, Đường xa, Quà tặng, Ánh trăng (thơ); Nhìn ra bể rộng trời cao (bút ký), Khoảng cách (tiểu thuyết). Một lần vào năm 1997, nhà thơ Nguyễn Duy tuyên bố không làm thơ nữa sau khi cho ra đời tập thơ cuối cùng. Ông đã tâm sự rằng: “Thơ bỏ tôi, chứ tôi không bỏ thơ”. Có lẽ ông nhận ra rằng mình cứ lặp lại mình nên không làm nữa.

 

Nguyễn Duy từng mở quán bán tiết canh vịt ở Gia Lâm (Hà Nội). Khách vào ra tấp nập vì món tiết canh do chính tay ông đánh ngon. Có người nói quá lên, bảo tiết canh Nguyễn Duy đánh dùng sợi lạt xiên qua rồi xách đi như xách miếng thịt lợn mà không rơi. Quán ngày càng đông, nhất là thi hữu, ai đến cũng muốn ông cụng ly. Người nhỏ thó như ông, không chịu nổi, đành quyết định...dẹp!

 

Mới đây nhà thơ Nguyễn Duy còn làm chuyến du khảo văn hóa xuyên Việt cùng với kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, nhà văn Nguyễn Trọng Tín và ba phóng viên bằng ôtô trong gần một tháng. Chuyến đi này, theo ông nhằm mục đích tiếp xúc, khảo sát, tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, lễ hội khắp ba miền đất nước. Ông khoe với bạn bè: “Tôi đã nhiều lần đi từ Bắc vào Nam, cả đường bộ và đường không. Thế nhưng, làm tài xế lái ôtô xuyên Việt thì là lần đầu. Không thể tả được cái thú là muốn dừng lại ở đâu, muốn ghé chỗ nào tùy thích. Quá nhiều ấn tượng!”.

 

Với ông đó là chuyến du khảo đầy ý nghĩa. Văn hóa, ẩm thực của đất nước ta thật phong phú, kỳ lạ. Ông cho biết: “Tôi nghĩ, ẩm thực của dân tộc mình xứng đáng được đề xuất công nhận di sản văn hóa, nhưng không biết là xếp vào loại nào: vật thể hay phi vật thể, bởi vì cái ăn không chỉ thể hiện qua vật chất cụ thể mà còn thể hiện cái phong cách, “cái nết” của con người. Nếu không bảo tồn thì văn hóa ẩm thực sẽ bị mai một dần. Trở về sau chuyến đi, chúng tôi đang xúc tiến hoàn thành cuốn sách biên khảo về văn hóa, ẩm thực 3 miền”.

 

Dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long- Hà Nội, Nguyễn Duy tham gia triển lãm “Thơ thiền Lý - Trần in trên giấy dó” do Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (cũ), Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn cùng phối hợp tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là dịp để khách tham quan có thể nhớ đến một chặng dài, một thể loại thơ cổ mà cha ông ta đã viết. Đây không chỉ là thơ, là dịch thuật mà giá trị hơn là văn hóa truyền thống, là một trong những tinh hoa của dân tộc Việt Nam có khả năng khơi gợi, đưa người ta hướng theo dòng chảy cội nguồn. Qua thơ thiền, qua triển lãm có thể cảm nhận được tâm hồn người Việt xưa, cũng là để hiểu hơn người Việt hôm nay trong dòng chảy không ngừng của thời gian.

 

Tuy đã có tuổi, nhưng Nguyễn Duy thích đi, thích khám phá, thích tìm hiểu. Và biết đâu, một lúc nào đó, ông lại quay trở về thơ lục bát, như ông đã từng gắn bó, thành công.

 

NGUYỄN VĂN HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek