Thứ Tư, 02/10/2024 09:41 SA
Huỳnh Văn Nghệ - thi tướng chiến khu xanh
Chủ Nhật, 10/08/2008 14:10 CH

… Đây chiến khu có những chiều chống kiếm

Ta nhớ em hỡi xa vắng thị thành

Em ô nhục ở trong vùng tạm chiếm

Biết bao giờ nguôi hận chiến khu xanh.

 

Đó là khổ kết đầy u uẩn của Khu bộ phó khu 7 Huỳnh Văn Nghệ khi nhận được bài thơ Chiếc lá thị thành của nữ sĩ Mộng Tuyết từ Sài Gòn gởi về chiến khu xanh cuối thu 1947: “Đây một tờ thơ của thị thành/Gởi về thăm hỏi chiến khu xanh/Hỡi anh chiến sĩ mùa thu trước/Hơn một mùa thu bận chiến chinh”.

 

Huynh-Van-Nghe-080810.jpg
Từ trái qua: Các ông Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, Nguyễn Bính, Lê Hiền Mai - Nguồn: ANTG

 

Đã từng là khu trưởng khu 7 – một trong ba quân khu của Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp; từng đương đầu trực tiếp vào các danh tướng Pháp như Ngo, Boyer de la Tour, Chanson, Bondis trên chiến trường Nam Bộ; từng chỉ huy những trận thắng vang dội như La Ngà, chiến khu Đ… thế nhưng chưa bao giờ Huỳnh Văn Nghệ được phong tướng. Nhưng trong lòng dân và đồng đội, Huỳnh Văn Nghệ là một danh tướng theo nguyên tắc bất thành văn của Bác Hồ “ai đánh thắng địch ở cấp nào thì phong cho cấp ấy”. Huỳnh Văn Nghệ chỉ có hai sở thích “đánh giặc và làm thơ” in đậm phong cách dân tộc “lên ngựa múa gươm, xuống ngựa múa bút”. Những vần thơ hào sảng của nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ sống mãi cùng năm tháng.

 

Người Pháp có câu ngạn ngữ “Quand les Canos tonnent, la póesic se tait” (khi đại bác gầm lên thì Nàng thơ im tiếng); còn thi tướng của chúng ta vẫn trải lòng với những vần thơ da diết trong khói lửa khốc liệt của chiến tranh ở miền đông gian lao và anh dũng:

 

Tôi là người lăn lóc trên đường trần

Không phân biệt lúc mài gươm múa bút

Đời chiến sĩ máu hòa lệ mực

Còn yêu thương là chiến đấu không thôi

Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi

Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.

 

Vị tướng văn võ song toàn của đất thành đồng Nam Bộ đã tạo nên vô vàn những sự kiện hào hùng và nhiều bài thơ bất hủ được khởi nguồn cảm xúc từ thực tế sống và chiến đấu của bản thân ông.

 

Sau hiệp định sơ bộ 6/3/1946, đại tá Fehler – tư lệnh khu Đông Nam Bộ (Zone Est) của thực dân Pháp mời lãnh đạo khu 7 bàn việc thực thi hiệp định để thăm dò thái độ của ta. Tư lệnh Nguyễn Bình cử phó tư lệnh Tám Nghệ đàng hoàng đến dự. Tại hội nghị trên thuyền giữa sông Đại An, đại tá Pháp Fehler liên tục khiêu khích, kích động chia rẽ Bắc Nam là cuộc kháng chiến trong Nam do người Bắc chỉ huy và nhìn thẳng Huỳnh Văn Nghệ cao giọng:

 

- Vour  ètes Tonkinois, n’est ce pas?

(Ông là người Bắc phải không?)

Tám Nghệ thản nhiên:

- Bien suâr, Je suis Tonkinois…

(Đúng, tôi là người Bắc…)

 

Fehler buông một tràng cười hả hê rồi bỗng dưng lịm tắt, mặt mày ngượng ngùng khi Tám Nghệ nói tiếp:

 

- Je suis Tonkinois mais depuis trois cent ans (Tôi là người Bắc nhưng từ ba trăm năm trước).

Cuộc đối đầu với tên thực dân cáo già trên bàn hội nghị tạo nguồn cảm hứng cho nhà thơ sáng tác hoàn chỉnh bài thơ Nhớ Bắc viết từ năm 1940 để tặng tướng Nguyễn Bình. Bài thơ nhanh chóng lan xa nỗi niềm nhớ thương quê cha đất tổ và khát vọng đánh đuổi ngoại xâm giành lại giang sơn!

 

… Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

 

Sau hội nghị Đại An chỉ ba ngày, giặc Pháp tung toàn lực đánh phá cơ quan đầu não quân khu 7. Quân ta đánh một trận oai hùng đập tan ý đồ của địch. Và để bảo toàn lực lượng, Bộ Tư lệnh chia ra một bộ phận cùng tướng Nguyễn Bình dời về Đồng Tháp Mười ven sông Vàm Cỏ Đông. Thay mặt những người ở lại, thi tướng Tám Nghệ ngâm bài thơ Rừng tiễn người đi tiễn đưa tướng Nguyễn Bình và đồng đội về bưng biền Đồng Tháp.

 

Tướng Nguyễn Bình bỏ rượu từ lâu cũng phá lệ uống cạn chén ly bôi trong niềm xúc động để tán thưởng bài thơ và giã từ đồng đội.

 

Phú Yên cuối tuần trân trọng giới thiệu bài thơ tiêu biểu của thi tướng chiến khu xanh Huỳnh Văn Nghệ.

 

Nhớ bắc

 

Có ai về Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

 

Ai nhớ người chăng? Ơi Nguyễn Hoàng!

Mà ta con cháu mấy đời hoang

Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ

Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.

 

Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ

Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn

Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ

Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng.

 

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên

Chinh Nam say bước quá xa miền

Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm

Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.

 

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi

Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa

Hoàn Kiếm hồ xưa linh quy hỡi

Bao giờ mang trả kiếm dân ta.

 

                        

Chiến khu Đ 1946

 

BA ĐÀ RẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek