Thứ Năm, 03/10/2024 01:23 SA
Nhà báo - nhà văn có tiếng cười trào lộng
Thứ Năm, 17/07/2008 07:30 SA

Gần 60 năm cầm bút, nhà báo - nhà văn Đặng Minh Phương đã viết hơn 1.000 bài báo, văn, thơ... Những bài tốt nhất đã được chọn lọc in trong các tập Từ ánh lửa xanh, Vỏ quýt dày, móng tay nhọn, Tiếng chào từ lòng cát, Thoáng ánh sao văn , Đường qua điểm sáng. Ở thể loại nào, ông cũng có những bài viết hay, được chú ý, nhưng nổi bật hơn cả là khả năng trào phúng, hài hước, làm thiên hạ cười chảy nước mắt, tạo nên một nét rất riêng không hòa lẫn với ai.

 

dangpho-080717.jpg

Nhà báo - nhà thơ Đặng Minh Phương - Ảnh: T.L

Nhớ lại nửa thế kỷ trước, nhiều tiểu phẩm rất ngắn đăng trên báo Văn Nghệ đã cho thấy thiên hướng một Đặng Minh Phương luôn trào lộng, dí dỏm, gây cười. Ví như bài Tôi là con hổ chỉ vỏn vẹn 150 chữ, ông kể chuyện một Việt kiều lâu ngày về nước, mến mộ và muốn tặng tác giả “Con nai vàng ngơ ngác…” một món quà nhưng không nhớ cả tên bài thơ lẫn tên người viết, bèn nhờ người hàng xóm tìm giúp. Người hàng xóm đinh ninh bài thơ đó là của Thế Lữ, nên đến gặp và trân trọng thưa:  Có một Việt kiều tặng  tác giả “Con nai vàng ngơ ngác” món quà, bác vui lòng nhận cho… Thế Lữ nheo mắt cười: Nếu là “Con nai vàng ngơ ngác” thì nhà kia kìa! Còn tôi là… “con hổ”!

 

Viết lách làm độc giả cười được không phải dễ, bởi phải có duyên, có năng  khiếu bẩm sinh. Còn làm cho thiên hạ cười chảy nước mắt thì càng khó, đòi hỏi phải có  trí tuệ và phải đạt đến trình độ nghệ thuật. Nói cách khác là phải có tài và uyên thâm. Chuyện rằng năm 1971, Đặng Minh Phương có bài thơ Ta xin chào đề tặng anh chị em văn nghệ giải phóng Liên khu 5, có những câu như:

 

Ta xin chào/ Các nhà văn/Cõng gùi, sản xuất/Uống rượu sắn nước nhì/Ăn củ mì/Sáng tác

 

Ta xin chào/Các nhà văn nín vợ/Các nữ sĩ nín chồng

 

Xưa

 

Mặc Địch thấy sợi tơ trắng mà khóc/Dương Châu thấy đường hai ngả mà thương

 

Nay

 

Ta thấy vành tai tía của các nhà văn trẻ mà khóc/Thấy gương mặt đỏ của các nữ sĩ trẻ mà thương…

 

Bài thơ được chọn đăng trong Tuyển tập thơ miền Trung thế kỷ 20. Nhà thơ Huy Cận đọc xong, gọi điện thoại chỉ nói: A lô! Cụ Đặng Phò đấy à! Ta xin chào nhé! Cả hai cười ha hả. Quả thật, đằng sau cái giọng văn chương khôi hài, dí dỏm ấy ẩn chứa biết bao nỗi niềm của văn nghệ sĩ ở Liên khu 5 trong chiến tranh.

 

Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã gây biết bao nhiêu điều chướng tai gai mắt cho xã hội. Đặng Minh Phương luôn nhanh nhạy, kịp thời đột thẳng vào những vấn đề nóng bỏng, gay cấn nhất, đứng hẳn về phía chính nghĩa, cương trực nói lên sự thật để bảo vệ chân lý của Đảng và Bác Hồ. Ông đã viết hàng trăm bài báo chống tiêu cực. Ông sáng tạo hình thức thơ hai câu “hỏi và đáp” bằng thể thơ lục bát, rất dễ đi sâu và rung động trái tim người đọc. Bạn đọc rất hoan nghênh 3 bài thơ hai câu Hỏi và Đáp đăng trên báo Nhân Dân, Lao Động, Văn Nghệ Quân Đội. Trong 64 câu Hỏi và Đáp đăng trên 5 kỳ báo Lao Động, xin trích một số câu “ca dao lẻ” của ông:

 

- Nhà cha sao đứng tên con?

Để khi lộ tẩy, đỡ đòn cho cha

 

- Dự án sao lại bở ăn?

Vì hễ dự thảo có phần dự chia

 

 

- Tại sao lại có phong bao?

Vì không có nó dễ nào thành công

 

- Bằng gì không học đậu ngay?

Bằng tiến sĩ dởm cấp ngoài chợ đen

 

- Hỏng rồi sao cứ “đá lên”?

Bởi vì tấm lợp bên trên to đùng

 

- Mèo lớn sao bắt chuột con?

Vì bắt chuột lớn, bị đòn nhừ xương

 

 - Trời có mắt sao lại mù?

Vì mây kéo đến làm u tối trời…

 

Có đến 101 kiểu cách tham nhũng, lãng phí, hối lộ, quan liêu và các tiêu cực khác ở các ngành, các cấp đã được ông nêu lên và sẽ tiếp tục được xây và chống với tất cả tinh thần dũng cảm, trung thực của người cầm bút.

 

Nói đến sở trường trào lộng, dí dỏm của Đặng Minh Phương, không thể không nói đến tài làm câu đối và nói lái của ông. Đặng Minh Phương đã đoạt giải cao trong cuộc thi câu đối Tết của các báo Nhân Dân, Lao Động, Hà Nội Mới, Cựu Chiến Binh… Độc đáo hơn cả là 80 câu đối ông làm tặng 80 nhà văn, nhà thơ, nhà báo thân  quý và các cơ quan, báo chí… Ông tặng nhà thơ Xuân Diệu:

 

Mấy lời thơ gởi hương cho gió, đủ lên ngôi vua thi sĩ tình yêu muôn thuở

Bao tâm trí mài sắt nên kim, đạt đến đỉnh viện hàn lâm nghệ thuật cao sang

 

Với nhà văn Nguyên Ngọc, ông viết:

 

Đất nước đứng lên, dũng sĩ Chư Pông lẫm liệt, rừng Xà Nu tỏa hương ngào ngạt

Đường ta đi tới, anh hùng Điện Ngọc hiên ngang, người đất Quảng vang tiếng kiên trung

 

Còn với nhà phê bình văn học Hoài Thanh, ông ca ngợi:

 

Vị nghệ thuật, vị nhân sinh, đôi mắt tinh tường, phát hiện bao tài năng nghệ thuật

Yêu văn chương, yêu Tổ quốc, tấm lòng chân thực, nâng niu từng hạt ngọc văn chương

 

Những câu trên cho thấy ông rất trân trọng bạn bè, khái quát một cách khá đầy đủ con người, sự nghiệp và những tác phẩm nổi tiếng của họ…

 

Nhiều đồng nghiệp, bạn bè ở Liên khu 5 gọi Đặng Minh Phương là “vua nói lái”. Với ông, nói lái chỉ là một phương tiện giải trí có trí tuệ để thư giãn, cười vui vài phút cho quên đi những bận tâm, nhọc nhằn như người xưa gọi là “đố tục, giảng thanh”, chứ không có dụng ý nào khác.

 

Người cầm bút có một phong cách riêng là điều rất quý giá. Người đọc chỉ lưu lại ấn tượng sâu sắc với những ai theo nghiệp văn chương có một dấu ấn riêng. Đặng Minh Phương đã không ngừng học hỏi, luyện tay nghề để tạo cho mình một giọng riêng, làm cho sở trường gây cười chảy nước mắt ngày càng tinh tế, phong phú. Nói về ông, đồng nghiệp thường nói trước tiên về chân dung của một nhà báo trào phúng thời nay. Trong bài Đi tìm một cây bút cười trong làng trào phúng hiện đại, có lẽ nhà văn hóa Vũ Ngọc Khánh đã có lý khi viết rằng “So với tất cả các tác giả trào phúng lâu nay tôi được gặp, tôi thấy rõ Đặng Minh Phương tỏ ra là con người kiến tại nhiều hơn cả. Bạn đọc, nhất là ở miền Nam hoan nghênh ông, không phải là không có cơ sở”.

 

Nhà báo - nhà văn Đặng Minh Phương tên thật là Đặng Phò, sinh năm 1928 ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa. Ông vào nghề năm 1950, làm phóng viên Báo Cứu Quốc Liên khu 5 và làm phóng viên Báo Nhân Dân từ năm 1955. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được điều động về chiến trường quê hương làm Tổng biên tập Báo Cờ Giải Phóng của Liên khu ủy 5. Miền Nam giải phóng, ông tiếp tục làm đại diện Báo Nhân Dân ở Liên khu 5 thường trú tại Đà Nẵng.

 

Nhà báo - nhà văn Đặng Minh Phương tên thật là Đặng Phò, sinh năm 1928 ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa. Ông vào nghề năm 1950, làm phóng viên Báo Cứu Quốc Liên khu 5 và làm phóng viên Báo Nhân Dân từ năm 1955. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được điều động về chiến trường quê hương làm Tổng biên tập Báo Cờ Giải Phóng của Liên khu ủy 5. Miền Nam giải phóng, ông tiếp tục làm đại diện Báo Nhân Dân ở Liên khu 5 thường trú tại Đà Nẵng.

 

HỒ NGỌC SƠN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek