Thứ Hai, 30/09/2024 00:32 SA
Nhà thơ Vương Tâm:
Có thơ nên lòng luôn trẻ
Thứ Năm, 19/06/2008 07:41 SA

Ở tuổi 60, nhà thơ Vương Tâm nhận giải nhất cuộc thi Thơ tình của Báo Văn Nghệ (2006-2007), cũng là người cao tuổi nhất trong số những tác giả đoạt giải cuộc thi Truyện ngắn 1.200 chữ của Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh. Ông là một trong số rất ít nhà thơ U60 song tâm hồn vẫn như tuổi 20 mà tôi từng gặp. 

 

Vuong-Tam-1-080619.jpg

Nhà thơ Vương Tâm

 

THƠ TÌNH KHÔNG CÓ TUỔI

 

Tôi quen nhà thơ Vương Tâm từ lâu, nhưng phải đến khi dự trại viết văn ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) thì mới có nhiều thời gian ở gần ông. Dù đã có tuổi nhưng Vương Tâm thực sự rất năng động, thâm thúy, hóm hỉnh và hiền lành. Ông tận dụng gần như tối đa thời gian để đi, để tìm hiểu và viết. Bằng chứng là ông ra sách liên tục, cho đến nay đã 25 đầu sách, chưa kể những cuốn biên soạn. Tác phẩm của ông phần lớn là thơ tình. Ông nói: “Thơ tôi đến 90% là thơ tình. Tôi viết thơ tình và theo nó suốt mấy chục năm qua. Vì có thơ nên lòng luôn trẻ”.

 

Rất nhiều người đọc chùm thơ tình đoạt giải nhất của nhà thơ Vương Tâm trên Báo Văn Nghệ Trẻ, cứ ngỡ ông mới chỉ ở tuổi 30. Và khi ông trở thành người cao tuổi nhất nhận giải cuộc thi Truyện ngắn 1.200 chữ do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, tôi mới biết thế mạnh của ông không chỉ là thơ tình, mà còn ở những truyện ngắn cô đúc, có cấu tứ lạ, bất ngờ và không thiếu phần hóm hỉnh. Ông tâm sự rằng, sáng tác thơ tình là một sự kỳ thú, khi những cảm xúc thành thật về tình yêu được thăng hoa và những câu chữ chợt bùng lên. Viết thơ về đề tài khác có thể chăm chút, gọt giũa đến khi vừa ý thì thôi, nhưng về tình yêu thì chưa chắc. Nó tự bùng cháy và ám ảnh mãi.

 

Vương Tâm đã về hưu. Ông không phải lo kinh tế, nhưng vẫn hăng hái viết bài cộng tác với các báo. Ông vẫn quan tâm đến thơ của các nhà thơ trẻ như Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Đoàn Mạnh Phương, Đoàn Ngọc Thu...và nhận xét rằng thơ họ sống động, có cảm xúc. Ông trân trọng những sáng tác nghệ thuật của họ, và mong họ “chín” hơn, dung dị hơn.

 

Khi tôi hỏi về văn học mạng, ông nói: “Văn học mạng là một xu thế, nhưng hiện tại nó còn thiếu chất văn và chưa có chiều sâu. Những thành tựu trên mạng chưa chắc đã là thật. Người ta vào đôi khi chỉ vì tò mò mà chưa chắc đã đọc. Văn học trên mạng nếu để dùng làm thứ  văn giao lưu thì được, chứ chưa đạt tới chiều sâu nhân văn, sâu sắc. Và họ viết trên đó cũng chủ yếu theo cá tính, không có trách nhiệm đối với người đọc, mặc dù họ rất thông minh”.

 

BI KỊCH GIA ĐÌNH CŨNG SINH...THƠ

 

Nhìn bề ngoài, với vẻ phong độ yêu, đời đó, không ai nghĩ nhà thơ Vương Tâm đã phải trải qua những bi kịch gia đình. Đó là cuộc sống bên cạnh người vợ cũ, hiện đang định cư ở Đức. Bà là người gia trưởng, tính cách mạnh mẽ và thực tế. Bà làm việc trong Trung tâm Bách hóa tổng hợp thời bao cấp. Những năm tháng khó khăn đó, Vương Tâm không thể lo cho bà đầy đủ, sung túc. Năm 1982, bà bị bệnh rồi phát điên. Cuối năm đó, bà khỏi bệnh tâm thần thì nảy sinh những “bệnh” khác. Sau đó bà rủ bạn bè đi Đức làm giàu, đến năm 1990 trở về dứt khoát đòi bỏ Vương Tâm để lấy một người chồng giàu có bên đó. Vương Tâm bị chênh chao tình cảm, nhưng còn níu kéo vì các con. 25 năm sống với nhau qua đi một cách nặng nề, Vương Tâm thấy vừa hụt hẫng vừa như nhẹ nhõm.

 

Những điều này, ông không ngại tâm sự. Cuộc sống đó đã qua đi rồi, giờ chỉ là sự hồi tưởng, nhưng cũng đầy xa xót. Có vợ có nhà mà nhiều lúc phải sống ở cơ quan, phải thuê nhà bên ngoài rồi liên tục chuyển nhà. Giường không gối chiếc, Vương Tâm làm thơ nhiều hơn, đi nhiều hơn và cũng giao du bạn bè nhiều hơn. Mọi người có ý định giới thiệu cho ông một tổ ấm, cũng có người phụ nữ tình nguyện. Nhưng ông sợ người phụ nữ giỏi giang, tính khí mạnh mẽ. Bởi ông đã trải qua một lần đò với người vợ quá mạnh mẽ, gia trưởng.

 

Những tập thơ tình như Khúc lãng mạn cho tuổi 20, CD trở về, Cung buồn phalê, Xúc xắc mặt người.... được “thai nghén” từ những bi kịch gia đình. Từ những bi kịch đó mà bật lên những vần thơ về tình yêu rất đỗi ngọt ngào tha thiết:

 

Cho anh xin những nụ cười

Và xin được ngắm khóe môi mỗi ngày

Để quên đi mọi rủi may

Lòng vui với những mai này đường xa

Cho anh xin vạn lời ca/

Trái tim em hát bao la đất trời

Ấy là hóa kiếp niềm vui

Mỗi ngày nở một nụ cười thời gian…

 

Mãi sau này, ông mới tìm thấy hạnh phúc cùng người phụ nữ cũng qua một lần đò và có một con. Bà Lê Cảnh Linh là người phụ nữ hiền thục, dịu dàng, con một gia đình khá giả ở Hà Nội, rất hợp với Vương Tâm. Cuộc sống có bè có bạn, có người vợ hiền thảo, ông có thời gian sáng tác.   

 

Vương Tâm là nhà thơ chịu đi, nay ở Hòa Bình, mai Thanh Hóa, hôm sau nữa lại ở vùng quê Hương Ngải Thạch Thất quê ông. Đêm về cần mẫn viết. Năm nay, ông còn cho in tiểu thuyết, lấy cảm hứng từ chính dòng họ mình. Đó là một sự dồn nén của nhiều năm tháng chiêm nghiệm. Một điều nữa tôi học được từ ông là dù có khó khăn đến đâu cũng phải giữ cho tâm hồn thoải mái, thanh thản, để cho thơ nó “thở” thoải mái. Tôi nghĩ đến sức mạnh phi thường của thơ, sự trẻ trung của thơ và thấy cần phải biết vịn vào câu thơ thế nào để đứng dậy, sau một lần vấp ngã.

 

NGUYỄN VĂN HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek