Ông nổi tiếng với những tác phẩm thơ viết về người lính trong kháng chiến chống Mỹ, một trong những tác phẩm được nhắc đến nhiều nhất là Trường ca Sư đoàn. Nhiều người yêu mến thi sĩ từng mặc áo lính này bởi sự gần gũi, giản dị và khiêm nhường; bởi tấm lòng dành cho thơ và sự quan tâm dành cho các cây bút trẻ. Ông là nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu – Ảnh: HUỲNH KIM
* Thưa ông, điều đáng mừng là trong cuộc sống tất bật hối hả này vẫn có nhiều người quan tâm đến thơ, thể hiện ở con số đông đảo người làm thơ và hằng năm, nhiều tập thơ được xuất bản. Tuy nhiên có những ý kiến cho rằng số lượng không tỉ lệ thuận với chất lượng thơ. Ông nghĩ sao về điều này?
- Nhìn chung mặt bằng của thơ hiện nay rất vững, nhưng đỉnh cao thì chưa có; người làm thơ đông, nhưng độc giả của thơ thì ít. Có một sự trái ngược như thế. Trong đời sống hiện nay có nhiều vấn đề để người ta quan tâm, khác với thời gian trước. Lúc đó tác giả làm thơ ít, người đọc thì nhiều. Bây giờ người đọc thơ cũng có, còn người làm thơ thì rất đông. Vậy nhưng tác phẩm ít đến được với công chúng. Như tôi chẳng hạn. Có những tập thơ tôi in 1.000 - 2.000 cuốn, cũng nhập vào thư viện, chứ còn đến với độc giả thì ít. Hồi chiến tranh, có những tập thơ chúng tôi in tới 17.000 - 25.000 cuốn, gấp 20 lần bây giờ. Độc giả bây giờ phân tâm hơn, người ta quan tâm đến nhiều điều hơn.
Còn về tác giả, có một điều đáng mừng là mấy năm nay, khuynh hướng thơ mở được nhiều chiều. Thơ được viết theo thể loại truyền thống vẫn có, thơ viết theo kiểu hiện đại có, thơ viết dung hòa giữa truyền thống và hiện đại cũng có. Nhưng có điều này, người làm thơ nên nhắc nhở mình: Làm thế nào để thơ đi vào lòng người hơn nữa. Nhiều nhà thơ hơi xa rời đời sống, khi viết không đề cập gì đến cuộc sống hiện nay. Họ cần tiếp cận với người đọc hơn nữa, mà muốn vậy thì viết những điều người ta quan tâm.
* Ông có thể lý giải vì sao trong khi độc giả của thơ ít đi thì số lượng người làm thơ lại tăng lên?
- Thơ là một yếu tố về tinh thần, người ta làm thơ để mong được chia sẻ, giãi bày.
* Một số người cho rằng thơ là tiếng nói của họ, đã được mã hóa bằng ngôn từ. Họ viết cho chính họ; người khác đọc và hiểu thì tốt, không hiểu cũng chẳng sao. Ông nói gì về quan niệm đó?
- Có những người làm thơ để được giãi bày chia sẻ, tức là viết để người khác hiểu mình. Và từ xưa đến nay, những nhà thơ lớn đều mong mình viết để chia sẻ với mọi người. Những trường hợp chỉ viết cho mình là số ít, và cũng không được cộng hưởng nhiều. Phần lớn những người làm thơ mong được chia sẻ.
* Ông từng nói “Thơ là tiếng nói của tâm linh”. Theo ông, thế nào là một bài thơ hay?
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948 ở Nam Ninh, Nam Hà; là sĩ quan quân đội, từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, bút danh Hương Hải Hưng, Hà Nam Ninh. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã xuất bản hơn chục đầu sách, gồm: Thơ người ra trận (1971), Cây xanh đất lửa (1973), Áo trận (1976), Mưa trong rừng cháy (1976), Hoa đỏ nguồn sông (1987), Từ hạ vào thu (1992), Bão và sau bão (1994), Con đường rừng không quên (1984), Ở phía rừng Lào (1984), Tướng và lính (1990), Chí Phèo mất tích (1993)… Năm 2001, ông được trao giải thưởng Văn học ASEAN. Trường ca Sư đoàn được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết năm 1980, gồm 5 chương, về sư đoàn 312 anh hùng.
- Riêng chuyện này cũng phải tranh luận nhiều. Cái hay của thơ cũng mở ra nhiều chiều khác nhau. Có những bài thơ hay ở chất thi sĩ, như thể trời cho người làm thơ. Họ có những câu hay, đọc lên rung động lòng người, tầng lớp độc giả nào đọc cũng thấy hay. Có những bài thơ hay về tính tư tưởng, và có những bài thơ hay ở cảm xúc. Rất khó định nghĩa thế nào là thơ hay, chỉ biết bài thơ đó chinh phục người đọc bằng những điều kể trên.
* Ông thường tham dự trại sáng tác văn học nghệ thuật và vì thế khá sâu sát với các cây bút thơ trẻ hiện nay. Ông nhận xét gì về họ?
- Thơ trẻ hiện nay nhìn chung có hai chiều hướng: Một là viết rất truyền thống, hai là viết hoàn toàn mới, tức họ không chịu đi theo lối mòn mà người trước đã đi - những lối mòn quá ư quen thuộc. Đây là điều rất đáng trân trọng.
Tôi nghĩ nên làm sao dung hòa giữa truyền thống và hiện đại; viết theo lối hiện đại nhưng vẫn tiếp cận người đọc.
* Theo ông, thơ của các tác giả người Phú Yên đang đứng ở đâu trên “bản đồ thơ” của cả nước?
- Nói đứng ở đâu thì hơi khó. Tôi đọc rất nhiều thơ của các tác giả Phú Yên hiện nay. Một người mà tôi rất quý, cả về thơ và về tản văn là anh Lê Thiếu Nhơn. Anh ấy có những ý tưởng đột phá. Anh Phan Hoàng thì viết theo lối hiện đại, ngoài ra còn có anh Huỳnh Văn Quốc. Có một tác giả quen thuộc ở Phú Yên là Trần Huiền Ân, tôi mới nhận tập thơ của ông. Ông ấy viết theo lối truyền thống nhưng viết rất hay, có chất thi sĩ. Phú Yên có những tác giả gây ấn tượng cho tôi.
* Xin cảm ơn ông!
LÂM VY (thực hiện)