Thứ Ba, 01/10/2024 04:40 SA
Điêu khắc gốm đất nung phát hiện tại Phú Yên
Thứ Ba, 29/04/2008 15:30 CH

Nằm trong tổng thể văn hóa Chămpa về thời gian và không gian, nhiều năm qua, trên địa bàn Phú Yên, bằng những thám sát và khai quật khảo cổ học cùng việc phát hiện của nhân dân địa phương, nhiều cổ vật gốm đất nung được tìm thấy đã làm phong phú thêm về loại hình này trong các di vật văn hóa Chămpa…

 

dat.jpg

Sản phẩm gốm đất nung được phát hiện khi khai quật Thành Hồ - Ảnh: K.DUY

 

 

Cũng như nhiều vùng đất khác, gốm đất nung ở Phú Yên tìm được khá nhiều với các loại hình, kích cỡ khác nhau. Có thể kể đến một số loại như gốm đất nung trong các công trình kiến trúc. Trong nhiều năm trước, khi tiến hành điều tra khảo sát Thành Hồ (thị trấn Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa)- một tòa thành cổ của người Chăm trong lịch sử, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số hiện vật là đầu ngói ống trang trí kiến trúc. Năm 2003, cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên được tiến hành tại địa điểm này, trên diện tích 50m2. Ngoài dấu tích hệ thống móng kiến trúc, những vật liệu kiến trúc có trang trí liên quan đã được tìm thấy. Trước hết là đầu ngói ống với 19 tiêu bản còn khá nguyên vẹn, có đường kính từ 0,13m đến 0,21m, trang trí hoa văn theo các đề tài khác nhau, thể hiện khá sinh động và sắc sảo. Đề tài thường gặp là thể hiện mặt hề (11 tiêu bản), mặt sư tử, mặt kala, cánh sen nhìn thẳng. Những loại hình này thường có niên đại sớm (thế kỷ V-VII ) và được sử dụng trong các công trình kiến trúc vùng trung tâm của người Chăm trong lịch sử như Trà Kiệu, Đồng Dương… Gốm trang trí kiến trúc gồm những con tiện gốm bờ mái kiến trúc, con tiện gốm gồm nhiều khối tròn, thắt giữa, thu nhỏ dần lên trên,  kết thúc là một hình búp sen nhọn, kích thước cao 12,4cm; 16,5cm và dày 20 cm. Gốm đất nung hình sừng bò cũng được tìm thấy tại đây với số lượng không nhiều, hình dáng, kích thước tương tự như ở những địa điểm khác. Những phát hiện trên cho thấy, Thành Hồ là một công trình kiến trúc quân sự của người Chăm có mặt sớm trong lịch sử. Trong thành có nhiều dấu vết của các công trình quy mô, được xây dựng sớm và trang trí mỹ thuật cao, thể hiện vai trò, vị trí trung tâm của tòa thành trên vùng đất Phú Yên và Chămpa trong lịch sử.

 

Một điều khác nữa là, cho đến nay, những phát hiện ngẫu nhiên trên địa bàn Phú Yên về gốm đất nung chủ yếu mang nội dung thể hiện Phật giáo. Như năm 1976, tại địa phận chùa Hồ Sơn, đã tìm được một phù điêu mang gương mặt Phật. Phù điêu này có kích thước dài 0,27m, rộng nhất 0,23 m, dày 0,13m, thể hiện gương mặt Phật khá thanh tú với dáng cao, cung mày nhỏ dài, mắt dài nhìn hiền từ, sống mũi cao thẳng, miệng nhỏ, môi trên mỏng, môi dưới dày, hai khóe miệng sâu, cổ cao có ngấn, tóc xoăn uốn cong hai bên cân xứng,  là một tác phẩm nghệ thuật đẹp, có giá trị mỹ thuật cao. Hiện vật này đang được lưu giữ trong chùa. Cũng tại chùa Hồ Sơn, còn tìm thấy một phù điêu đất nung thể hiện tượng Phật. Kích thước phiến đất nung dài 7cm, rộng 7,5cm, dày 2cm. Mặt trước thể hiện gương mặt Phật thanh tú phúc hậu, hai tai chảy dài xuống vai, thân để trần thon gọn, hai tay buông xuôi. Mặt sau có 22 đơn vị chữ viết, tự dạng vuông. Những phát hiện trên cho thấy trên địa điểm chùa Hồ Sơn hiện nay, xưa kia có khả năng là một trung tâm Phật giáo lớn của cư dân Chăm trong lịch sử. Niên đại những tác phẩm này có thể thuộc thế kỷ IV-VI. Tại địa bàn thôn Hoà Sơn, xã Hoà Kiến (TP Tuy Hòa), cũng phát hiện 3 mảnh đất nung thể hiện nội dung Phật giáo. Ba miếng đất nung có kích thước cao 24cm, rộng 20cm, dày 2,5cm. Ba hình thể hiện giống nhau đó là hình ảnh đức Phật ngồi trên toà sen, hai bên có hai ngọn tháp nhiều tầng nhỏ dần vút lên. Đầu Phật đội mũ hình trụ, gương mặt phúc hậu với hai mắt lim dim, hai tai lớn chảy dài xuống vai, thân gọn để trần, ngực nở, vai nhô. Phía sau là vầng hào quang tỏa sáng, niên đại thuộc thế kỷ IV-V.

 

Những phát hiện trên dù ít ỏi, nhưng cho thấy Phú Yên là một trong những trung tâm Phật giáo Chămpa trong lịch sử. Đặt những tác phẩm gốm đất nung trong tổng thể toàn bộ di tích, di vật Chămpa đã được phát hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên, thấy vùng đất này hội nhập văn hóa Chămpa khá sớm. Nếu bia chợ Dinh thuộc thế kỷ V nói về  ảnh hưởng của Ấn Độ giáo với lễ hiến tế của Siva giáo, thì những đồ đất nung trang trí kiến trúc cũng nằm trong khung niên đại  thế kỷ V-VII. Bên cạnh đó,  ảnh hưởng của Phật giáo thể hiện khá rõ nét với những tác phẩm tìm được cũng cho thấy có niên đại khá sớm và phổ biến. Những phát hiện này đã góp phần tìm hiểu về Phật giáo trong văn hoá Chămpa nói chung, vùng đất Phú Yên nói riêng trong tiến trình hội nhập ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ vào dải đất miền Trung trong lịch sử, hình thành nên nền văn hoá Chămpa rực rỡ…

 

Tiến sĩ LÊ ĐÌNH PHỤNG

                                                            (Viện Khảo cổ học)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek