Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từ giã cõi đời tròn 7 năm. Mỗi dịp này, lại nói về ông có vẻ như chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng thực sự 7 năm qua trái tim của ông vẫn chưa ngừng đập trong nhân gian. Những lúc xót xa, những lúc bẽ bàng, người ta hát lên những ca khúc in hằn dấu vết thân phận Trịnh Công Sơn để được chở che, để được nâng đỡ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn |
Hưởng thọ 62 tuổi trời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết được khoảng 620 ca khúc. Hiện nay, chưa tới 100 ca khúc của ông thường xuyên được biểu diễn, lý do ca sĩ ngại tập bài hát mới và những nhà sản xuất băng đĩa cũng không biết bài nào được phép phổ biến. Khi công nghệ showbiz trỗi dậy, nhiều đêm nhạc của Trịnh Công Sơn tổ chức thật hoành tráng. Thế nhưng, những sắc màu lộng lẫy trên sân khấu dường như không phù hợp với nhạc Trịnh. Dẫu có lộng lẫy, thì nhạc Trịnh cũng lộng lẫy bằng nỗi buồn. Những ngày cuối đời, Trịnh Công Sơn đi đứng rất khó khăn, ông ngồi trên một chiếc xe lăn và lang thang trong căn phòng của mình. Chứng kiến nét u uẩn từ đôi mắt lặng lẽ sau cặp kính trễ tràng của ông đã khiến tôi thấm thía hơn nỗi buồn nhạc Trịnh. Nếu có một video-clip quay lại những cảnh ấy, thì không có một màn minh họa nhạc Trịnh nào ấn tượng hơn!
Bẩm sinh trắc ẩn cộng với gia cảnh khá phức tạp, Trịnh Công Sơn dùng nỗi buồn làm hành trang bước vào âm nhạc. Trong vài cuộc gặp tình cờ, tôi và vài người yêu nhạc Trịnh thử đếm xem ông có mấy bài hát vui, kết quả chưa đủ mười đầu ngón tay. Chỉ có cái buồn dằng dai mới khiến nhạc Trịnh đứng riêng biệt một miền thanh âm người Việt nhưng lại rất gần gũi với người Việt. Mỗi khi tàn bữa rượu, nhìn dáng Trịnh Công Sơn liêu xiêu quay đi, tôi cứ muốn tin rằng “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi” không phải viết cho một nhân vật trữ tình nào, mà viết cho chính ông!
Giữa chen lấn thế tục, có rất nhiều loại sức mạnh khác nhau. Có sức mạnh từ mệnh lệnh, có sức mạnh từ toan tính, có sức mạnh từ khôn khéo. Riêng nhạc Trịnh lại có sức mạnh từ nỗi buồn. Bàn chân bấp bênh của Trịnh Công Sơn đã đi qua khói lửa chiến tranh, đi qua dịu ngọt hòa bình, đi qua sấp ngửa nhân tình, đều bằng sức mạnh của nỗi buồn. Đó là nỗi buồn trong sạch và cưu mang. Nỗi buồn bao giờ cũng quá khổ so với Trịnh Công Sơn, vì thẳm sâu nơi ông đã gánh vác dùm nhiều nỗi buồn của người đời. Tri thức hư ảo buồn cũng có thể hát nhạc Trịnh, mà nông dân chộn rộn buồn cũng có thể hát nhạc Trịnh. Dù nhiều người thích tiếng hát Khánh Ly hay Hồng Nhung, nhưng tôi vẫn cho rằng, Trịnh Công Sơn là người hát ca khúc của mình hay nhất. Lúc ngà ngà say, giọng rượu của Trịnh Công Sơn ám ảnh lắm, bởi lẽ trong tiếng hát lênh đênh kia có đến hai nỗi buồn: nỗi buồn đã tượng hình thành bài hát và nỗi buồn còn chất chứa tâm hồn tác giả!
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể, khi theo đoàn làm phim Mùa gió chướng về Đồng Tháp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ôm đàn ngồi hát mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ giữa quán xá miệt vườn. Sau khi ông dứt lời, một người đàn ông chắc nịch đứng lên bảo: “Anh Sơn! Em là trưởng trại giam ở đây. Anh có bà con hay bạn bè nào đang kẹt trong trại, anh cho em biết, em thả ngay!”. Đấy, sức mạnh của nỗi buồn đấy! Chưa hết, Trịnh Công Sơn kể, có lần ông ngồi trên xích lô dạo phố. Anh xích lô vừa đạp vừa nghêu ngao “bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Xe dừng, Trịnh Công Sơn hỏi: “Bao nhiêu tiền?”. Anh xích lô xua tay: “Em biết anh là Trịnh Công Sơn, em không lấy tiền đâu!”. Nhạc sĩ cứ nằn nì đòi trả công, anh xích lô đề nghị: “Hay là anh đi uống với em một xị đế được không?”. Tất nhiên, Trịnh Công Sơn lập tức nhảy tót lên xích lô!
Phía sau gia sản âm nhạc Trịnh Công Sơn còn rất nhiều điều rất đáng khám phá, chứ không chỉ có vấn đề tác quyền đâu. Trịnh Công Sơn buồn vương sương khói nơi nào, cũng dễ khiến những người ở lại chột dạ mỗi khi kỷ niệm ngày ông mất: “Nơi anh về trời xanh không anh? Nơi anh về ngày vui không anh?”.
LÊ THIẾU NHƠN