Thứ Bảy, 05/10/2024 04:14 SA
Có một Kiều Tấn tình ca
Chủ Nhật, 28/10/2007 07:00 SA

Nhạc sĩ Kiều Tấn, Trưởng ban Văn nghệ Đài truyền hình TP HCM, người được công chúng biết đến qua các công trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc có giá trị, là cha đẻ của các chương trình truyền hình đã tạo được dấu ấn như Vầng trăng cổ nhạc, Tiếng đàn tri âm, Chuông vàng vọng cổ, Thơ ca giao hòa... Anh vừa cho ra mắt một lúc 4 album nhạc, với tổng cộng 44 ca khúc!

Qua cuộc trò chuyện với anh, chúng ta sẽ khám phá ra một Kiều Tấn rất thú vị khác - người nhạc sĩ âm thầm của tình ca. 

 

* Xin chào nhạc sĩ Kiều Tấn. Được biết anh sáng tác nhạc đã lâu, với “số vốn” ca khúc lên đến trăm bài, tại sao đến giờ này anh mới cho ra mắt album của mình? 

 

071027-Kieu-Tan.jpg

Nhạc sĩ Kiều Tấn - Ảnh: BÙI THANH TUẤN

- Thực ra tôi tập tễnh sáng tác từ rất sớm (1968), khi còn là cậu học sinh cấp 2 trường Trung học Sa Đéc, với các ca khúc phổ biến trong bạn bè, nhà trường lúc đó như: Ngóng đợi, Chấp nhận, Hát về quê hương tôi…Tính đến 30/4/1975, tôi đã có vài chục bài nhạc viết về quê hương đất nước, những tâm sự riêng tư trong cuộc sống. Cho đến nay tôi vẫn đều đặn cho ra đời các ca khúc của mình, số lượng lên đến hàng trăm nhưng tuyển ra nghe “được” và mang tính phổ cập chừng dăm ba chục bài. Trong nhiều năm qua tôi chưa có cơ hội và điều kiện phổ biến rộng rãi các ca khúc của mình. Chỉ đến thời gian gần đây, khi thỉnh thoảng tham gia chương trình Thơ ca giao hòa của Ban Văn nghệ HTV, nhiều bạn bè anh em khen tặng, động viên muốn được nghe nhiều ca khúc của tôi. Nhờ sự giúp đỡ chí tình của nhiều người, nhiều giới và tôi cũng nghĩ rằng mình đã đến cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” rồi, còn chờ gì nữa mà không để lại cho đời những đứa con tinh thần ấp ủ bao năm… 

 

* Cuộc “đổ bộ” lần này là rất xôm tụ. Có thể nói việc trình làng một lúc 4 album CD là điều từ trước đến giờ chưa có nhạc sĩ nào làm. Điều này xuất phát từ dụng ý gì? Tại sao anh không cho xuất hiện từng album một? 

 

- Ban đầu tôi cũng dự tính cho ra mắt từng album một theo kiểu thường làm: ca khúc với ca sĩ ngôi sao, ca khúc với tiết tấu màu sắc âm nhạc gần gũi, ca khúc theo chủ đề… Việc tích lũy trong nhiều năm hàng trăm ca khúc với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau tạo cho tôi có điều kiện sàng lọc. Khi sắp xếp lại chúng, tôi nghiệm ra rằng nó ứng với bốn chặng đường trưởng thành trong tư duy nhận thức cũng như hiện thực cuộc sống của mình và quyết định thực hiện theo hướng này. Khi trình làng một lúc 4 album CD như vậy, tôi không biết là từ trước giờ chưa có nhạc sĩ nào làm. Thực tình tôi chỉ muốn được việc cho mình, xong rồi để thời gian làm chuyện khác chứ không có ý “chơi nổi”. 

 

* Các album được sắp xếp theo những chủ đề khác nhau, và dường như còn hàm chứa những ý đồ khác? 

 

- Chủ đề của album 1 là Vạn xuân, đó là những ca khúc gắn kết theo bước phát triển của lịch sử dân tộc với công cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước. Cũng có thể coi album này là sự khởi nguồn của một đời người – từ đó ta sinh ra, lớn lên theo dặm dài Tổ quốc… Album 2 với chủ đề Sài Gòn nắng - Sài Gòn mưa, là những ca khúc về tình yêu quê hương xứ sở, nơi tôi sống, làm việc với nhiều kỷ niệm thân quen và một vài vùng miền mang dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời. Tình yêu như giỏ hoa là chủ đề của album 3, một diễn biến sắc thái tình cảm đi từ tuổi biết yêu đến lúc trưởng thành. Đó là những ca khúc mang màu sắc tươi sáng, đằm thắm nói về tình yêu đôi lứa, một mảng đời riêng mà cũng rất chung… Và album 4 với chủ đề Nỗi buồn trăm năm, là những bài xót xa thân phận và tình yêu nhưng không bi lụy. Đó cũng được coi là những khoảng lặng trong bản nhạc, những khoảng im vắng ở cuối một đời người, là sự chiêm nghiệm và quay về với bản thể vốn có…

 

Tôi nghĩ những nội dung chủ đề như vậy đã khái quát nên một vòng quay luân chuyển của đời người, phù hợp với cuộc đời và độ tuổi của tôi. Qua đó, tôi hy vọng mọi người có thể hiểu tôi hơn… 

 

* Anh được biết đến như một trong số ít nhà nghiên cứu một cách có hệ thống dòng nhạc dân tộc, đặc biệt là nhạc tài tử Nam bộ. Nhưng trong 44 ca khúc giới thiệu lần này, người nghe có thể tìm thấy nét đa phong cách ở từng bài cụ thể. Anh giải thích sao về điều này? 

 

- Tôi đến với công việc nghiên cứu âm nhạc dân tộc khá sớm (từ 1979) và có một vài công trình nghiên cứu âm nhạc được phổ biến cũng khá sớm (từ 1981) nên mọi người nhìn nhận tôi như là một nhà nghiên cứu nhạc dân tộc, nhất là nhạc tài tử cải lương. Vì vậy, nhiều người nghĩ sáng tác của tôi sẽ thuộc dòng ca khúc mang phong cách dân tộc, đặc biệt là nhạc tài tử Nam Bộ. Tuy nhiên, trong số 44 ca khúc giới thiệu lần này chỉ có 12 bài mang phong cách dân tộc, như bài Tiếng nhạc xa xưa, Vùng đất rồng bay, Dâng Người, Trăng miền Hạ, Má của con – tài tử, dân ca Nam Bộ, Vạn Xuân – ca trù, Mắt nhung, Sài Gòn một thoáng – dân ca Bắc Bộ, Mưa Huế, Khúc xuân vàng phai – phong cách Huế, Ánh trăng – Tây Nguyên…Việc ấn định phong cách âm nhạc tùy thuộc vào nội dung lời ca, không phải tùy tiện muốn đưa vào kiểu gì cũng được. Và những bài mang âm hưởng dân ca trên đều thuộc những loại hình âm nhạc mà tôi đã có quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng khi còn ở Viện nghiên cứu âm nhạc.  

 

* Bên cạnh những ca khúc anh tự viết nhạc lẫn lời vẫn đảm bảo chiều sâu và độ mượt mà của ca từ, người nghe thấy có rất nhiều ca khúc anh phổ thơ người khác. Anh có gặp bế tắc nào không, hay đơn giản vì mối quan hệ thân thiết với nhiều bạn bè văn chương? 

 

- Tôi quan niệm đã là ca khúc thì ca từ phải hay, đạt độ chín về xúc cảm. Vì vậy, khi bắt gặp được bài thơ hay và đọc lên có cảm xúc, hợp với tâm trạng, tôi mới phổ nhạc. Tôi phổ thơ rất nhanh, hầu như bài nào cũng chỉ phổ trong vòng một đến hai đêm là xong. Do có rất ít thời gian nên tôi chọn cách nhanh nhất là phổ thơ để hoàn thành ca khúc theo yêu cầu của công việc sáng tác. Chỉ trừ khi tôi chủ tâm và có bức xúc về một điều gì thì lúc đó tôi mới viết nhạc lẫn lời cùng một lúc. Ví dụ như bài Tiếp lời quê hương Chúc xuân tôi viết cả nhạc lẫn lời và hoàn thành chỉ trong vòng… một giờ đồng hồ trong lúc đi bộ từ nhà đến nơi làm việc. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ rằng công việc sáng tác là nghề tay trái và mình còn hạn chế nhiều về mặt ngôn ngữ lời ca… 

 

* Xin cảm ơn anh!

 

TRẦN HOÀNG NHÂN (thực hiện) 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek