Thứ Bảy, 05/10/2024 06:18 SA
Mỹ thuật vì hòa bình
Thứ Bảy, 25/02/2006 08:22 SA

Có thể tạm gọi như thế cho công trình mỹ thuật mà các họa sĩ Hàn Quốc, Việt Nam cùng 50 em thiếu nhi đang thực hiện tại Công viên Hòa Bình Việt – Hàn (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa).

 

Nhóm họa sĩ bàn bạc thống nhất ý tưởng

 

Đây là ý tưởng của Tòa soạn Báo Hankyoreh (Hàn Quốc), nơi đã tài trợ xây dựng công viên Hòa Bình Việt – Hàn năm 2002. Chị Ku Su Yeong, phóng viên của Hankyoreh, cho biết đây là một trong những bước để hoàn thiện hơn các hạng mục của công viên này. Tham gia thực hiện tác phẩm có hai họa sĩ nổi tiếng Hàn Quốc là Kim Young Hyun, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật UR và Kim Byung Soo, thành viên của Trung tâm Mỹ thuật M2 chuyên về tranh ghép mảnh (Mosaic Art); ba họa sĩ Việt Nam là Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn nghệ – Ban Tư tưởng Văn hóa TW, Nguyễn Bảo Toàn (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) và Lê Đức Thắng (Phú Yên) cùng 50 thiếu niên năng khiếu hội họa của Nhà Thiếu nhi Phú Yên. Tác phẩm được tiến hành từ ngày 21-2 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào 4-3, khánh thành ngày 6-3.

 

HÒA BÌNH A-Z

 

Theo phác thảo đầu tiên, tác phẩm mỹ thuật này có dạng nửa hình tròn, gọi là biến hình vòng, cao 2,8m, chân đế dài 7,2m với phần khung được thực hiện bằng bê tông cốt thép. Các họa sĩ sẽ hướng dẫn cho các thiếu nhi vẽ lên hàng trăm miếng gạch nung đất sét 19cmX19cmX10cm, sau đó ghép tác phẩm của các em lại thành một tổng thể hài hòa, tạo một công trình mỹ thuật hoành tráng đặt tại công viên. Họa sĩ Kim Young Hyun, người chịu trách nhiệm chính về mặt mỹ thuật của tác phẩm, cho biết: “Vòng tròn là hình thái hoàn hảo tượng trưng cho bánh xe lịch sử. Còn việc thực hiện các tranh ghép có một ý nghĩa rằng hòa bình không thể do một cá nhân làm nên mà là do cả cộng đồng cùng nhau xây đắp. Một viên gạch không thể tạo nên được hình tượng, mà phải là nhiều mảnh ghép lại với nhau mới trở thành biểu tượng đoàn kết và thống nhất”.

 

Kim Byung Soo và Đức Thắng cùng "làm nháp"

 

Dĩ nhiên vì ý nghĩa như thế nên đề tài để các em thiếu nhi thực hiện là “Hãy vẽ về hòa bình theo suy nghĩ của em”. Mỗi em học sinh sẽ vẽ trên 13 viên gạch và kể câu chuyện của mình bằng tranh. Những người đưa ra ý tưởng thực hiện tác phẩm này hy vọng với khả năng sáng tạo riêng của mỗi em, những câu chuyện về hòa bình đó sẽ tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc, độc đáo và hoành tráng.

 

Ngoài ra, việc các họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc cùng hợp tác làm việc cũng là một cách thể hiện sự đoàn kết, hòa hợp, cùng chung sức xây dựng hòa bình cho tương lai. Họa sĩ Lê Đức Thắng thổ lộ: “Tuy khác biệt về ngôn ngữ, nhưng bằng ngôn ngữ hội họa, vì đề tài của tác phẩm và hình như nhờ “chất” nghệ sĩ, chúng tôi đã nhanh chóng hiểu nhau, coi nhau như những người bạn thân thiết”. Anh cũng cho biết thêm, kế hoạch ban đầu là chỉ ghép một mặt tranh, nhưng cuối cùng các họa sĩ đã bàn bạc và quyết định thực hiện cả hai mặt. “Ngoài ra, có một thay đổi nhỏ là phần tranh gạch của các học sinh được ghép vuông, thể hiện hình ảnh bánh chưng – bánh dày, trời tròn đất vuông theo truyền thống của người Việt. Bên cạnh đó, sau khi cùng nhau làm việc, các họa sĩ Hàn Quốc đã đề xuất ý tưởng là nửa hình tròn dương của tác phẩm hiện tại làm ở Phú Yên, còn nửa hình tròn âm còn lại sẽ làm ở Hàn Quốc trong thời gian tới, cũng do các họa sĩ của hai nước thực hiện”.

 

KIỂU THỂ HIỆN MỚI LẠ: MỸ THUẬT ĐẠI CHÚNG

 

Họa sĩ Kim Young Hyun giải thích vì sao Trung tâm nơi anh làm Giám đốc có tên khá lạ là UR: “Đó là viết tắt của câu tiếng Anh “You are artists” – Bạn cũng là nghệ sĩ. Tôi đã thực hiện phong cách mỹ thuật này 8 năm nay ở Hàn Quốc và hiện đây là một phong cách rất phổ biến ở đất nước chúng tôi. Lâu nay họa sĩ thường vẽ những gì thuộc về ý tưởng chủ quan của riêng họ, còn với phong cách này, thì đại chúng mới là chủ nhân thật sự của những tác phẩm.

 

Ở đây, họa sĩ chỉ là người hướng dẫn, là người lắp ghép tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh hài hòa mà thôi. Những sáng tạo độc đáo của nhiều người, đặc biệt là các em thiếu nhi, sẽ tạo ra được những cảm xúc rất đặc biệt đối với xã hội, với dư luận”. Kim Young Hyun cho biết ở Hàn Quốc, mỗi ngày cuối tuần, anh thường đến các công viên, tập trung các em nhỏ lại và “biến” các em thành nghệ sĩ với những tác phẩm mỹ thuật hoàn hảo. “Tôi cũng liên tục đến với những vùng khó khăn, vùng nông thôn Hàn Quốc để giúp trẻ em và những người dân nghèo biết được nghệ thuật và biết làm nghệ thuật bằng chính phong cách này”.

 

Với cách làm này, Kim Young Hyun nói rằng khi những “họa sĩ nhí” tham gia thực hiện tác phẩm ở công viên hòa bình này lớn lên, quay trở lại chiêm ngưỡng tác phẩm của mình, các em có thể tự hào nói rằng: “Đây là tác phẩm của tôi” chứ không phải là những họa sĩ nước ngoài hay những họa sĩ trong nước thực hiện.

 

Họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn cho hay: “Xu hướng nghệ thuật đương đại của thế giới mang tính cộng đồng, tính xã hội lớn hơn so với quan niệm của chúng ta lâu nay là thường chỉ là những dấu ấn cá nhân. Chính thế tác động của phong cách này với xã hội rất lớn, và phản hồi lại cũng rất hiệu quả. Phong cách mỹ thuật này còn rất mới ở Việt Nam, chính vậy nên tôi nghĩ tác phẩm này sẽ tạo nên một dấu ấn nghệ thuật rất lớn ở Phú Yên, một tỉnh mà mỹ thuật đang trong quá trình phát triển”.

 

“RẤT TỐT!”

 

Chiều tối 23-2, 50 học sinh năng khiếu Hội họa của Nhà Thiếu nhi Phú Yên đã tập trung thực hiện những tác phẩm đầu tiên trên gạch. Hai họa sĩ Kim Young Hyun và Kim Byung Soo luôn miệng “OK” hoặc bằng câu tiếng Việt mới học “Rất tốt”. Còn họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn thì cười tươi, tự hào nói với “mấy ông bạn” Hàn Quốc: “Trẻ em Việt Nam chúng tôi có thể còn khó khăn trong cuộc sống, nhưng ước mơ và sự lãng mạn thì có thừa”.

 

Tác phẩm của các em rất ok!

 

Những em nhỏ lần đầu tiên được vẽ tranh bằng những chất liệu lạ kỳ: Những lớp màu đặc do các họa sĩ pha chế giúp, ghép lên trên bằng những miếng sứ, sành nho nhỏ hoặc sạn, đá cuội sông Đà Rằng... Vậy mà tất cả thành tranh. “Trí tưởng tượng về hòa bình của các em đã vượt ra ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi” – Họa sĩ Lê Đức Thắng nói.

 

Công việc vẫn đang tiếp tục và theo kế hoạch, ngày mai, tại Công viên Hòa Bình Việt – Hàn, tác phẩm mỹ thuật hòa bình này sẽ bước vào công đoạn lắp ghép và hoàn thành như mong đợi vào ngày 4-3.

 

Vì sao họ đến Phú Yên?

 

Họa sĩ Kim Young Hyun: Năm 2004, tôi đến Việt Nam lần đầu tiên để đi tìm lại những câu chuyện lịch sử mà tôi từng nghe kể. Tôi đến đất nước các bạn với một tâm trạng của một người luôn nghĩ về quá khứ, về những điều mặc cảm mà những người Hàn Quốc trước kia đã gây ra ở Việt Nam, dù tôi là người của thế hệ sau (Kim sinh năm 1966).

 

 

Thế nhưng, khi đến Việt Nam và tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ, tôi mới biết người Việt Nam đã sẵn sàng gác lại quá khứ đau thương để hướng đến một tương lai tươi sáng. Thế là tôi thay đổi tâm trạng, tôi cũng phải nghĩ về tương lai. Tương lai đó chính là sự hòa bình và chúng ta phải cùng nhau vun đắp, bảo vệ nền hòa bình đó. Từ đó, tôi ấp ủ ước mơ được sang Việt Nam và Phú Yên, một vùng đất chịu nhiều đau thương bởi chiến tranh, để thực hiện các công trình mỹ thuật theo sở trường của tôi. Trước tôi đã từng có họa sĩ Choi Byung Soo thực hiện các tác phẩm nghệ thuật ở đây, bây giờ là tôi và các bạn tôi và tương lai có thể là tôi hoặc người khác sẽ tiếp tục mang những biểu tượng hoặc thông điệp hòa bình đến với vùng đất Phú Yên này.

 

Họa sĩ Kim Byung Soo: Thật lòng mà nói, tôi là người sinh ra sau chiến tranh (Triều Tiên – NV. Họa sĩ sinh năm1967) nên tôi chỉ nghe kể về những mất mát, đau thương do chiến tranh mà thôi. Biết người Hàn Quốc từng gây ra những chuyện đau buồn ở Việt Nam, tôi mong có một cơ hội để đến đây, tiếp xúc với người Việt Nam để hiểu nhau hơn, để làm một điều gì đó như tạ lỗi. Như anh Kim Young Hyun, tôi cũng hướng về tương lai. Tương lai của chúng ta phải khác xa với những gì đã trải qua trong quá khứ...

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek