Chủ Nhật, 06/10/2024 03:06 SA
Công viên Hòa Bình Việt - Hàn xuống cấp nghiêm trọng
Thứ Tư, 12/09/2007 07:05 SA

Xót xa! Đó là hai từ phản ánh chính xác tâm trạng và cảm xúc của nhiều người khi đến chứng kiến sự xuống cấp nhanh chóng của công viên Hòa Bình Việt - Hàn (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa). Công viên này do bạn đọc của Tạp chí Hankyoreh 21 (Hàn Quốc) đóng góp, xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 3/2003 đến nay.

 

070912-cong.jpg

Cổng vào cột bằng tre, cỏ dại mọc đầy trên các lối đi - Ảnh: K.DUY

 

NGOÀI HƯ, TRONG HỎNG

 

Cả những người đã đến và chưa đến CV Hòa Bình chắc không thể nghĩ rằng những mô tả sau đây là hiện thực!

 

Hai cửa cổng của CV, sắt đã mục nát, người bảo vệ phải lấy tre chằng cột lại, trông hết sức nhếch nhác. Khách đến, phải dùng hết sức để “bê” cánh cổng sang một bên rồi len vào vì cổng không kéo, không đẩy được. Bên trong công viên, cỏ dại mọc tràn trên khắp các lối đi. Những ô cỏ bên trong các bồn hoa phần thì chết cháy, phần chen với cây dại. Một số cây cảnh chết khô. Các trụ đèn chiếu sáng bên trong công viên cũng gỉ sét, một số trụ không còn phần bảo vệ, bóng đèn cùng dây nhợ lộ cả ra ngoài.

 

Xót xa hơn cả là những công trình nghệ thuật do các nghệ sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc sáng tác và đặt tại đây. Tác phẩm “Trụ sinh mệnh” (sotdea) của họa sĩ Choi Byung-soo đã bị mối tàn phá, một trụ đã ngã nhào, mục nát; trụ còn lại cũng sắp ngã đổ. Còn công trình mỹ thuật cộng đồng mang tên Hòa Bình do các họa sĩ Hàn Quốc, Việt Nam và các em thiếu nhi Phú Yên thực hiện, được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam, cũng bị hư hỏng nghiêm trọng khi các phần màu sắc đắp trên những viên gạch vuông đã bị mưa nắng làm rơi rụng…

 

Chị Vũ, một người dân ở thôn Phú Hiệp 2, huyện Đông Hòa cho biết: “Đối với dân nhà quê, có được một công viên đẹp là điều tự hào. Trước đây, không chỉ dịp lễ tết, mà hàng ngày CV cũng đón rất nhiều khách khắp nơi đến chơi, đi thể dục, hóng mát. Tuy nhiên, bây giờ thì ít người đến lắm”.

 

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

 

070912-sotdea1.jpg
Một trụ sinh mệnh (sotdea) đã bị mối ăn nát, đổ ngã - Ảnh: K.DUY
Ông Nguyễn Phong Bình, bảo vệ CV Hòa Bình, không giấu được sự bức xúc: “Tuần trước, khi đoàn khách từ tỉnh Chung cheongbuk đến thăm CV, tôi thực sự không biết nói thế nào, cảm thấy mình có lỗi lắm, nhưng nói thật là “lực bất tòng tâm”, anh ạ!”. Ông Bình là thương binh, được hợp đồng bảo vệ thường xuyên ở CV Hòa Bình từ tháng 6/2003 đến nay. Ông cho biết: “Do CV ở gần biển, bốn bề toàn cát trắng nên hơi muối nhanh chóng ăn mòn các công trình xây dựng bằng sắt như các cửa cổng, trụ đèn chiếu sáng, chái hiên nhà bảo vệ… Tôi cũng phát hiện mối tấn công các trụ sotdea, nếu không có biện pháp phòng trừ mối thì trụ ngã đổ. Từ cuối 2005 đến nay, tôi đã làm không biết bao nhiêu báo cáo, tờ trình gởi UBND xã Hòa Hiệp Trung đề nghị kiến nghị với cấp trên sửa chữa ngay những hạng mục bị hư hỏng. Vậy nhưng đến giờ vẫn không nhận được sự “cứu trợ” nào!”.

 

Cũng theo ông Bình, trước đây, khi Sở VHTT còn là đơn vị chủ quản CV, thì tổng kinh phí bảo vệ, chăm sóc là 70 triệu đồng, còn từ lúc giao về cho huyện Tuy Hòa, rồi sau là huyện Đông Hòa quản lý (tháng 2/2005) thì kinh phí bị rút lại gần một nửa. Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung Nguyễn Văn Tiên xác nhận điều này và cho biết tổng kinh phí được “rót” về cho mọi hoạt động của CV Hòa Bình năm 2007 chỉ có 36 triệu đồng, trong đó riêng tiền lương bảo vệ và chăm sóc đã là 24 triệu đồng. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Phong Bình, việc tưới cây phải hạn chế tối đa vì không có tiền để trả… tiền điện. “Vì đây là vùng cát nên phải sử dụng một lượng nước lớn mới đủ tưới cho cây. Cộng với việc thắp sáng, mỗi tháng CV này tiêu tốn lượng điện khoảng 1.700-2.000 KW. Nhưng đã 2 năm nay, tiền điện khống chế chỉ 10 triệu đồng/năm, nghĩa là mỗi tháng chỉ được sử dụng khoảng 700.000 đồng, tính giá 1.100 đồng/KW thì mỗi tháng chỉ được phép sử dụng chưa đến 650KW. Tôi không biết phải làm sao vì tưới nhiều không biết lấy tiền ở đâu mà bù vào” – ông Bình tâm sự. Thêm nữa, trước đây, cứ mỗi quý, đơn vị chủ quản cấp cho những người chăm sóc 1 lít thuốc diệt cỏ để trừ cỏ dại trên các lối đi; còn bây giờ, ông Bình nói rằng phải đến hai quý mới cấp một lần hoặc chỉ khi nào có những đoàn khách đến thì mới được cấp thuốc diệt cỏ!

 

Khó khăn trong việc chăm sóc CV không chỉ dừng lại ở đó. Toàn CV rộng 1ha chỉ có vợ chồng ông Bình được thuê vừa tưới nước, vừa chăm sóc cây cảnh. Thế nhưng, họ không được trang bị gì. Cắt cỏ CV mà sử dụng... câu liêm thì cắt xong chỗ này chỗ khác mọc lên rậm rịt! “Hồi trước, nghe Sở VHTT nói sẽ trang bị cho một máy cắt cỏ, chúng tôi mừng lắm nhưng rồi mấy năm nay chẳng thấy gì” – người bảo vệ nói thế. Ngay cả kế hoạch mỗi năm sơn các trụ đèn chiếu sáng trong công viên hai lần để chống gỉ sét theo kế hoạch cũng không thực hiện được vì không có kinh phí, dẫn đến 34 trụ đèn giờ chỉ còn sáng có 22 và hơn một nửa số trụ sắp đổ sụm vì bị ô-xy hóa quá nặng!

 

XÃ KÊU HUYỆN, HUYỆN... CHỜ TỈNH!

 

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung Trần Phú Sơn mở tủ hồ sơ lấy cho chúng tôi xem đến 4 tờ trình gởi Sở VHTT, UBND huyện và Phòng VHTT huyện Đông Hòa về việc xin hỗ trợ kinh phí để sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp ở CV Hòa Bình. Tờ trình sớm nhất ghi ngày 17/2/2006, còn muộn nhất là 15/8/2007, và trong tờ trình sau cùng này có mở ngoặc để “nhắc” rằng “đây là lần thứ ba UBND xã Hòa Hiệp Trung lập tờ trình gởi lên các cấp”! Ông Trần Phú Sơn bộc bạch: “Có đến 10 hạng mục cơ bản cần phải sửa chữa ở CV, chưa kể đến các công trình nghệ thuật. Chúng tôi đã lập dự trù kinh phí và thấy rằng cần đến gần 73 triệu đồng thì mới giải quyết được 10 hạng mục này. Chúng tôi rất sốt ruột trước tình trạng xuống cấp của CV nên mới làm nhiều tờ trình như vậy. Đối với ngân sách eo hẹp của xã, chúng tôi không biết xoay nguồn ở đâu để thực hiện việc này; hơn nữa chủ quản của CV thuộc về UBND huyện nên xã cũng chỉ biết kêu lên huyện và... chờ mà thôi”.

 

Chiều ngày 10/9, trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa Nguyễn Thành Long cho biết: “Huyện đã làm tờ trình gởi UBND tỉnh và Sở VHTT đề nghị cân đối kinh phí để sửa chữa CV vì thực tế huyện cũng gặp quá nhiều khó khăn nên không thể tìm đâu ra nguồn vốn. Công văn đã được gởi đi cách đây khoảng 1 tháng và chúng tôi chưa nhận được hồi âm”. Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa nói thêm phần kinh phí phục vụ cho mọi hoạt động của CV này trước nay vẫn chỉ do Sở VHTT cấp, còn huyện thì chỉ trông coi, gìn giữ. “Tôi nghĩ, tỉnh cần nghiên cứu nguồn kinh phí phải cao hơn so với mức cấp trước đây, hoặc ít nhất cũng là bằng, chứ việc cắt giảm chỉ bằng một nửa so với trước thì việc bảo vệ, chăm sóc công viên không thể tốt được” – ông Nguyễn Thành Long đề nghị.

 

Còn chúng tôi thì cho rằng, CV Hòa Bình cần phải được “cấp cứu”, nếu không sẽ không còn là một địa chỉ văn hóa để giới thiệu với du khách, là điểm đến của người dân trong tỉnh.

 

Chùm ảnh về sự xuống cấp của CV Hòa Bình

 

070912-cv1.jpg
Đây là cổng trước của CV Hòa Bình!
070912-cv2.jpg
Cây cảnh đã thành cây dại
070912-cv3.jpg
Trụ đèn chiếu sáng bị gỉ sét, sắp ngã đổ
070912-cv4.jpg
Một phần của công trình mỹ thuật Vì cộng đồng, phần màu đã bị rơi rụng

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LHP Venice 64: Đạo diễn Lý An lên ngôi
Chủ Nhật, 09/09/2007 15:42 CH
Người cao tuổi hát
Thứ Bảy, 08/09/2007 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek