Thứ Hai, 07/10/2024 07:30 SA
Từ cuộc thi Truyện ngắn báo Văn Nghệ 2007:
Nghĩ về những người nông dân nhỏ bé
Chủ Nhật, 15/07/2007 07:10 SA

Văn chương luôn mang bên trong nó dấu ấn và hơi thở thời đại. Không dưng mà cuộc thi này của Văn Nghệ có những trang viết vạm vỡ mà nặng trĩu về nông thôn và thân phận của người nông dân trong những chuyển động mà họ không chống đỡ nổi và cũng không hình dung nổi.

 

070714-Mua-can[1].jpg

Mùa cạn – Ảnh: HIẾU NGỌC

 

Cuộc thi Truyện ngắn lần thứ VIII (3/2006 – 3/2007) của tuần báo Văn Nghệ ngay từ lúc mở đầu đã được dư luận chú ý. Chúng tôi, những người tổ chức cuộc thi đã nhằm vào những tác phẩm khá có sẵn trên bàn biên tập trước đó và thuyết phục tác giả tham gia mở màn. Người nông dân nhỏ bé của Hoàng Thế Sinh (ở Yên Bái) là một trong những tác phẩm như vậy. Truyện viết về một người nông dân lầm lũi đi kiện, thân gầy xác ve nhưng “ý chí đòi lại công bằng” thì cao và nặng như quả núi. Truyện kết thúc xót xa, qua đó ta thấy hiện thực đời sống dậy lên một cách oi ngột như những khi trời hứa mưa mà mãi vẫn không thấy có giọt mưa nào. Truyện vừa in xong, đã có liền mấy bài hồi âm hào hứng của các nhà phê bình, của bạn văn, và của cả những độc giả xa xôi, khuất nẻo.

 

Mấy tuần sau, chúng tôi nhận được 2 truyện dự thi của nhà văn Y Ban, trong đó I am đàn bà đề cập đến thân phận não nề của một phụ nữ nông thôn đi làm ôsin ở Đài Loan. Dữ dội, xót xa, nhân hậu, truyện vừa dày chữ nghĩa lại vừa đậm nhân vật nên khả năng “gọi bài” của loại truyện về nông thôn và người nông dân rất mạnh. Từ Phú Yên, Ngô Phan Lưu xuất hiện liên tục và chúng tôi cho in lần lượt 3 chùm gồm 6 truyện trong đó có Buổi sáng biến mấtCơm chiều được chọn vào giải. Ngô Phan Lưu không viết điều gì cao xa mà chỉ là những chuyện loanh quanh về những gia đình nông dân lấm láp của khí hậu và đất đai Trung bộ khắc nghiệt điển hình. Mỗi truyện một góc độ, như một vết đẽo của nhà điêu khắc, cả mảng truyện của Ngô Phan Lưu cho thấy một chân dung người nông dân không đi kiện không đi làm thuê mà trụ lại, vật vã, rên xiết dưới sức ì của chính mình trong sự đổ vỡ của bối cảnh.

 

Chừng như vệt truyện về đề tài này đã gây nên cao trào phấn khích cho người viết, như một thứ cảm hứng dây chuyền. Nguyễn Việt Tùng (tức nhà văn Anh Động) từ Rạch Giá gửi ra truyện Xóm Mười Lăm, một quần thể dân cư có thể đếm bằng lóng tay nhưng cũng mang trong nó đủ những bi kịch của thời cuộc, ví như chuyện mấy “ông” chính quyền muốn đổi tên xóm, chuyện cư dân cũ cư dân mới, chuyện quá khứ địch và ta, chuyện đùm bọc hay xua đuổi nhau và chuyện đàn ông đàn bà, ý nhị, sắc nét, hóm hỉnh, một nông thôn có vui có buồn, nhiều chuyện cười ra nước mắt. Hay như chuyện Con sáo của Nguyễn Tấn Phong (Cần Thơ), một truyện về di họa chiến tranh ở nông thôn và đó cũng là một trong những bi kịch mà chỉ có người nông dân mới thấm hết vì họ phải vật lộn tại chỗ với nó mà không thể bày tỏ cùng ai. Hay như Ngàn năm sóng hát của Nguyễn Toàn (Kon Tum), không gian truyện là một làng biển bắt đầu từ những ngày có nhiều người di tản không thành cho đến khi một thế hệ khác nữa lớn lên, nhưng những người nông dân vạn chài ấy vẫn không thoát khỏi bi kịch của vùng nước quẩn. Gần cuối cuộc thi, truyện Đất của nhà văn trẻ Nguyễn Danh Lam như một cái chấm hết hào sảng, tái hiện cảnh di dân của cả một làng Bắc bộ mà phía trước là Tây Nguyên vừa mỡ màu vừa khốc liệt, một truyện ngắn công phu, vạm vỡ và bế tắc, như chính mâu thuẫn của khát vọng và hiện tại ở nông thôn ta.

 

Một đất nước có hai phần ba dân số là nông dân và một không gian văn hóa nông thôn đang bị thách thức trước biến động của đô thị hóa và công nghiệp hóa, thiết nghĩ, hình ảnh người nông dân mờ nhạt và thưa thớt trong văn học mới là điều lạ. Mỗi nhà văn Việt Nam đều có cái cuống nhau thôn quê và có một góc nông thôn trong tâm hồn mình. Sở dĩ Cuộc thi Truyện ngắn của báo Văn nghệ lần này được tiếng vang rằng mảng nông thôn đậm và tác giả “nhà quê” đông là vì, sự xốc xáo ở nông thôn đang là đề tài nóng với bài toán xã hội, nỗi niềm ấy, bức xúc ấy đã ám vào những người viết chuyên nghiệp như Y Ban, như Hoàng Thế Sinh, như Nguyễn Danh Lam và đã khiến những người tại chỗ muốn tham gia, muốn xoáy thử ngòi bút của mình vào nỗi đau của mình một thời một khắc xem nó có nguôi chút nào không? Đó là trường hợp của Ngô Phan Lưu và mức độ nào đó của Hồ Thị Ngọc Hoài trong Thung Lam (hai tác giả đồng giải Nhất), của Nguyễn Toàn, một “gã” nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên, hay như Cao Duy Sơn trong Hòn bi đá màu trắng viết về lòng thù hận của con người thâm sơn cùng cốc vùng cao...

 

DẠ NGÂN

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek