Thứ Bảy, 05/10/2024 12:18 CH
Gió còn thổi từ những câu thơ
Thứ Tư, 08/02/2006 14:48 CH

 

“Ơ cái gió Tuy Hòa…

Cái gió chuyên cần

Và phóng túng”.

Năm tháng đi qua, bao nhiêu là gió đã đi qua. Vội vã và ào ạt. Chừng như chẳng để lại gì, chẳng để lại một thông điệp nào…, nếu như không có một lần, chúng đã đột ngột đi vào thơ ca như vậy.

 

Cho đến giờ, có nhiều người ghé Tuy Hòa, đều có ý xem gió ở đây có gì đặc biệt, thế nhưng, có khi họ chẳng thấy được gì. Miền Trung dữ dội thì phải kể gió Lào Quảng Trị. Và, ngay ở Nam Trung bộ này, nói gió, thì phải nhắc đến Tu Bông - “Mưa Đồng Cọ, gió Tu Bông”.

 

Lại có người nói: Muốn biết gió Tuy Hòa thế nào, thì hãy về đây giữa mùa gió Nam, để nghe gió Nam cồ giật ào ào trên những mái nhà, để thấy gió lồng lộng trên mênh mông ruộng đồng. Có như thế, mới nhận thấy rằng, cùng vượt Trường Sơn đại ngàn, tràn trăm ngả về duyên hải; nhưng gió trên châu thổ sông Ba, trên đồng bằng lớn nhất miền Trung này, không giống bất kỳ nơi nào.

 

Kỳ lạ vậy. Nhưng “gió Tuy Hòa” chưa bao giờ được lưu truyền trong ca dao, tục ngữ. Nó được định danh bằng con đường khác. Con đường đi vào thơ ca hiện đại.

Đó là mùa gió năm 1946 và những câu thơ lạ lùng:

 

“Ơ cái gió Tuy Hòa…

Cái gió chuyên cần

Và phóng túng.

Gió đi ngang, đi dọc,

Gió trẻ lại - lưng chừng

Gió nghĩ,

Gió cười,

Gió reo lên lồng lộng”

            (Nhớ máu - Trần Mai Ninh)

 

Đó là những câu thơ bay bổng trong không khí gấp gáp, khi những tiếng súng kháng Pháp đang vọng về, từ bên kia đèo Cả. Những vần thơ của “Nhớ máu” đã lướt qua một loạt địa danh: Nha Trang, Khánh Hòa, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt… nhưng chỉ Tuy Hòa hiện ra với dáng mạo đặc biệt nhất. Trong dáng mạo ấy, chỉ có gió hiện lên như một sự độc tả mà thôi. Cách độc tả thật bất ngờ và quyết liệt, chỉ với những nét phác thảo xuất thần, đã kịp tốc họa chân dung một vùng đất. Rất nhanh với một nhịp điệu chưa từng có. Nhịp điệu của gió.

 

Và, cái nhịp điệu ấy cuốn cả khẩu ngữ nhảy vào thơ đầy ngẫu hứng: “Ơ cái gió…”. Ngôn từ của đời sống ùa vào thơ như vậy, tự dưng hơn vạn lần trau chuốt.

 

Mãi đến năm 1994, khi viết “Nhớ Trần Mai Ninh”, Trần Mạnh Hảo làm cho mọi người nhận ra rõ hơn điều ấy, mà vẫn chưa hết bàng hoàng:

 

“Thơ bất thần xoay cú đấm

Vỡ run bao dòng kẽ sẵn

Máu chảy không theo hàng

Thơ như chết đâu cần niêm luật cũ

Gió Tuy Hòa

Gió chữ

Thổi từng cơn mã tấu ngang tàng”

 

Hãy giở lại những trang thơ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ta bắt gặp một trường hợp đặc biệt, mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là “hiện tượng một bài”. Tức là mỗi tác giả chỉ được biết đến với một bài thơ duy nhất. Đó là trường hợp: Hồng Nguyên với Nhớ, Hoàng Lộc với Viếng bạn, Tân Sắc với Lên Cấm Sơn… Phần nhiều trong số họ là những tác giả bất ngờ làm thơ bên công sự, chiến hào, rồi đột ngột hy sinh, thường chỉ để lại một bài thơ nổi tiếng. Trần Mai Ninh không giống như các tác giả đó, bởi ông là một nhà thơ, nhà báo chuyên nghiệp từ trước. Cùng với Nhớ máu, ông còn để lại Tình sông núi cũng rất nổi tiếng, với nhiều sáng tác khác. Nhưng ông lại giống họ là sống và viết thật ngắn ngủi trong hào khí những năm kháng Pháp. Ông bị giặc bắt chọc mù hai mắt, rồi sát hại ở Ninh Hòa, giữa lúc tràn đầy nhiệt huyết và tài năng ở tuổi 31. Trước khi hy sinh, trước cách mạng Tháng Tám, Trần Mai Ninh đã hai lần bị Pháp bắt vì làm báo cách mạng. Cuộc đời ông đậm nét kiêu dũng của một trang hiệp sĩ, quyết liệt dấn thân, không sợ hy sinh. Ông như một cơn gió ào đến và đi qua Tuy Hòa rất nhanh, nhưng đã kịp để lại cho đời một ngọn gió khác.

 

Ngọn gió ấy còn có sức lay động những thế hệ kế tiếp. Từ Thanh Hóa, nơi được xem là quê hương thứ hai của nhà thơ Trần Mai Ninh, chàng trai trẻ Vũ Xuân Mai theo “gió Tuy Hòa” để đến Phú Yên. Cái bút danh Trần Vũ Mai của nhà thơ trẻ này là tâm nguyện tiếp bước Trần Mai Ninh. Trần Vũ Mai đã viết Trường ca làng Phước Hậu - một tác phẩm dài hơi nhất tái hiện Tuy Hòa trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Trước đó, trong Cực Nam, Trần Vũ Mai nhắc nhớ:

 

“Cực Nam người có nhớ chăng

Chàng thi sĩ ấy vẽ năm mặt trời”

Từng có một thế hệ đau đáu với những cảm xúc từ ngọn gió  Trần Mai Ninh để lại:

“Đến ngày chúng tôi lớn lên

Đất nước hãy còn chia cắt

Ơn mãi câu thơ người viết

Dạy tôi biết giận biết yêu

Biết xót lòng nghe tiếng gió

Miền Trung quê mẹ tôi nghèo

            (Ý Nhi)      

 

Và rồi từ ngọn gió ấy, địa danh Tuy Hòa đi vào văn học, gắn liền với nỗi nhớ Trần Mai Ninh. 

Xuân Diệu, nhà thơ lớn từng tuyển chọn Nhớ máuTình sông núi của Trần Mai Ninh vào Tạp chí Văn nghệ năm 1948, đến năm 1960 khi tuyển lại vào thơ văn thời kỳ chống Pháp từng nhận xét: “Tình sông núi, Nhớ máu như còn sống cái hương hồn thắm khỏe của Trần Mai Ninh”, sau này về Tuy Hòa, cảm nhận:

 

“Ôi cái gió Tuy Hòa

Vào những nhà Phú Yên

Gió bay đi mọi nẻo

Về đây gặp đất liền”.

 

Từ những câu thơ của Trần Mai Ninh, nhiều người đã gọi Tuy Hòa là thị xã gió Trong bài thơ Thị xã gió, Cao Duy Thảo viết:

 

“Thị xã đơn sơ

Dấu một bên đường

Tuy Hòa

Tình cờ ngọn gió đưa tôi

Đầy trời gió quẩn

Ầm ào con gió mơ về biển

Chiếc xe ngựa chảy âm thầm

Cảm nhận sóng từ lòng anh trước đã

Khi biển đã kề bên

Gió gói tròn trong mịt mờ bão cát

Nhớ câu thơ người xưa

Này đây Tuy Hòa

Vẻ chuyên cần bốn hướng ngoại ô”.

 

Còn đây là cảm xúc của nhà thơ Ý Nhi, chỉ trong một khoảnh khắc, nhận ra gió là nhận mặt Tuy Hòa:

 

“Dừng chân ven cầu ván nhỏ

Nắng trưa vàng rực đường xa

Bỗng nghe ào ào tiếng gió

Biết mình đang ở Tuy Hòa”.

 

Rồi đến Bế Kiến Quốc, gió ở Tuy Hòa luôn đánh thức dậy những cảm xúc mãnh liệt:

 

“Băng băng qua thị xã một con tàu

Đánh thức dậy câu thơ “Ơ cái gió…”

Ơ cái gió từ một thời gian khổ

Còn thổi về mãi mãi với câu thơ”.           

 

Rồi Trần Việt Kỉnh, gặp gió nhớ câu thơ người xưa:

 

“Ngọn gió này chỉ có ở đây thôi

Ôi ngọn gió chuyên cần phóng túng

Câu thơ người xưa còn trên ngọn sóng

Từ đỉnh Chóp Chài gió đưa…”

 

Có lẽ không cần tiếp tục dẫn ra đây nhiều hơn những câu thơ như thế, cũng đủ để thấy rằng Gió Tuy Hòa của Trần Mai Ninh là một hình tượng đặc biệt có sức lan truyền mạnh mẽ. Đó là một sự lan truyền kỳ lạ thật ít thấy trong thơ ca từ trước đến nay. Sự lan truyền đó đến giờ vẫn chưa nguôi nghĩ.

 

Năm tháng đi qua, bao nhiêu là gió đã đi qua… Nhưng gió sẽ “còn thổi về mãi mãi với câu thơ”.

 

NGUYỄN NGỌC NHẬT NGHIÊU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek