Thứ Bảy, 01/02/2025 08:58 SA
Người đưa dân ca bài chòi vào trường tiểu học
Chủ Nhật, 12/04/2015 08:03 SA

Cô giáo Thiều Thị Thu Sa dạy hát dân ca bài chòi trong tiết học tự chọn môn Âm nhạc - Ảnh: Y.LAN

“Nghệ thuật bài chòi đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vậy thì tại sao chúng ta không dạy cho học sinh trên mảnh đất này hiểu được cái hay, cái đẹp và biết hát dân ca bài chòi?”, cô giáo Thiều Thị Thu Sa ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), người đưa dân ca bài chòi vào trường tiểu học, nói rất giản dị.

 

HÁT DÂN CA VỚI ĐÀN… ORGAN

 

Nghệ nhân Bình Thảng, Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca bài chòi huyện Đông Hòa chia sẻ: “Tôi đã dạy rất nhiều học trò hát dân ca bài chòi, nhưng người đưa các làn điệu dân ca bài chòi vào trường học thì chỉ có mỗi cô giáo Thu Sa. Đây là điều vô cùng đáng quý, góp phần gìn giữ, lan tỏa dân ca bài chòi”.

Giờ học Âm nhạc của lớp 5A Trường tiểu học số 2 Hòa Xuân Tây, các cô cậu học trò nhỏ được cô giáo dạy hát Lý thiên thai, Lý ngựa ô - dân ca khu V, Hò kéo lưới - dân ca Nam Bộ và hò Quảng - làn điệu khó nhất của dân ca bài chòi. Các em mắt tròn mắt dẹt khi nghe cô giáo Thiều Thị Thu Sa giảng giải: Dân ca bài chòi có 4 làn điệu chính là xuân nữ, cổ bản, xàng xê và hò Quảng. Ngọt ngào nhất là xuân nữ, luyến láy nhiều nhất là cổ bản. Những cô cậu học trò nhỏ chăm chú lắng nghe rồi hào hứng hát vang. Vì không có nhạc cụ dân tộc nên cô giáo Thu Sa dùng đàn organ đệm nhạc cho các học trò. “Dân ca phải “đi” với đàn kìm, đàn sến…, nhưng vì không có những nhạc cụ này nên mình dùng đàn organ để đệm cho các em hát. Đệm bằng đàn organ thì phải luyến láy nhiều hơn”, Thu Sa nói.

 

Không chút quan tâm đến “bất cập” này, các em nhỏ say sưa học và say sưa hát. “Được học hát các làn điệu dân ca mà em chưa từng biết, em thích lắm”, cô bé Nguyễn Cao Thanh Loan mỉm cười chia sẻ. Còn cậu bé Nguyễn Khải Định nói rất già dặn: “Dân ca khu V khác với những bài hát trong các đĩa nhạc mà tụi em thường nghe. Nó độc đáo hơn”.

 

Cô giáo Thiều Thị Thu Sa dạy Âm nhạc ở Trường tiểu học số 2 Hòa Xuân Tây và là một trong những thành viên tích cực ở câu lạc bộ (CLB) Đàn hát dân ca bài chòi huyện Đông Hòa do nghệ nhân Bình Thảng phụ trách. Cô giáo sinh năm 1980 này là giọng ca quen thuộc trong chương trình “Giai điệu quê hương” của VTV Phú Yên, với những bài dân ca ngọt ngào, những câu bài chòi mộc mạc nhưng cũng đủ làm người mộ điệu say đắm. Thu Sa thổ lộ: “Hồi nhỏ, tôi nghe ba hát bài chòi và rất thích, nhưng cho đến khi lớn lên, tôi vẫn không biết hát bài chòi. Lớp đại học của tôi hồi đó có hơn 50 sinh viên, không một ai biết hát “đặc sản” xứ Nẫu. Tôi nhớ có lần, giảng viên bước vào lớp và hỏi: Trong lớp mình, ai biết hát bài chòi? Cả lớp im lặng. Trong học phần Dân ca cũng không dạy về dân ca bài chòi mà chỉ có Lý tang tít - dân ca khu V, còn lại là dân ca Bắc Bộ và Nam Bộ. Mình tốt nghiệp đại học, khoa Sư phạm Âm nhạc mà không biết hát bài chòi, thấy thiếu thiếu sao đó”.

 

Được trời phú giọng hát ngọt ngào, cô giáo trẻ Thiều Thị Thu Sa thường góp mặt trong các liên hoan, hội diễn văn nghệ của ngành Giáo dục. Năm 2012, cùng học trò đi thi văn nghệ, cô giáo trẻ gặp nghệ nhân Bình Thảng. Nhận thấy giọng hát của Thu Sa có chất dân ca, ông Bình Thảng liền mời cô tham gia CLB Đàn hát dân ca bài chòi huyện Đông Hòa và tận tình chỉ bảo, dìu dắt. “Lúc trước tôi chỉ nghe hát bài chòi, sau khi gặp anh Bảy (nghệ nhân Bình Thảng - PV) thì mới bắt đầu tập hát. Anh Bảy chỉ dạy rất tâm huyết, bài bản. Anh Bảy nói dạy tôi hát dân ca cũng có nghĩa là dạy cho trăm, nghìn học sinh hát dân ca”. Câu nói đó khiến cô giáo trẻ thấy mình có trách nhiệm góp phần gìn giữ những viên ngọc quý mà người xưa để lại.

 

VÌ TÌNH YÊU DÂN CA BÀI CHÒI

 

Theo lời cô giáo Thiều Thị Thu Sa, chính các cô cậu học trò nhỏ đã khơi gợi ý tưởng đưa dân ca bài chòi vào trường tiểu học. “Các em hào hứng xem Liên hoan Dân ca bài chòi trên truyền hình và hỏi: Dân ca bài chòi là gì vậy cô? Thấy các em háo hức, tôi nói: Được rồi, nếu các em muốn biết thì trong tiết học tự chọn, cô sẽ dạy cho các em. Lúc đó, tôi nghĩ chỉ có vài em thích dân ca bài chòi, hóa ra em nào cũng thích”, cô giáo Thu Sa tươi cười kể.

 

Được Ban giám hiệu nhà trường ủng hộ, từ năm học 2014-2015, cô giáo Thiều Thị Thu Sa đưa dân ca bài chòi vào Trường tiểu học số 2 Hòa Xuân Tây. Trong những tiết học tự chọn môn Âm nhạc khối lớp 4, lớp 5, thay vì dạy học sinh hát những bài hát được in trong phần phụ lục của sách giáo khoa, Thu Sa dạy các em hát dân ca bài chòi. Tụi nhỏ hào hứng học, thích thú tập hát, về nhà hát cho cha mẹ nghe. Cô giáo thấy học trò hứng khởi nên rất vui, dù cứ phải dùng đàn organ thay cho đàn sến, đàn kìm.

 

Có thể nói, chính những câu bài chòi mộc mạc của người cha quá cố đã khơi nguồn đam mê, còn nghệ nhân Bình Thảng là người truyền lửa cho cô giáo trẻ Thiều Thị Thu Sa gìn giữ dân ca bài chòi. “Nghệ thuật bài chòi đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vậy thì tại sao chúng ta không dạy cho học sinh trên mảnh đất này hiểu được cái hay cái đẹp và biết hát dân ca bài chòi?”, cô giáo Thu Sa nói.

 

Đồng nghiệp của Thu Sa, cô giáo Nguyễn Tuyết Oanh ở Trường tiểu học số 2 Hòa Xuân Tây tán đồng: “Dạy cho học sinh hiểu về dân ca quê mình và biết hát dân ca là điều rất tốt”.

 

Không chỉ truyền niềm yêu thích dân ca bài chòi sang các học trò, cô giáo Thiều Thị Thu Sa còn đưa niềm mê lan tỏa trong gia đình nhỏ. “Chồng tôi là giáo viên dạy Toán, trước đây chỉ hát tân nhạc và không biết gì về dân ca bài chòi. Thấy vợ hát hoài, giờ anh cũng hát luôn. Anh là khán giả trung thành của các chương trình văn nghệ có vợ tham gia biểu diễn. Hai đứa con tôi thấy mẹ bật máy tập hát thì cũng hát theo, riết rồi thuộc”, Thu Sa kể với nụ cười tươi.

 

Vẻ đẹp của dân ca bài chòi là vẻ đẹp mộc mạc chân chất như chính người dân trên mảnh đất này. Nếu không được nâng niu gìn giữ, vẻ đẹp đó có thể bị khuất lấp giữa bộn bề cuộc sống đời thường với vô số loại hình giải trí náo nhiệt. Lặng lẽ, âm thầm, cô giáo trẻ Thiều Thị Thu Sa tự nhận về mình một phần trách nhiệm gìn giữ dân ca bài chòi. “Anh Bảy Thảng đã có rất nhiều năm giữ lửa cho dân ca bài chòi. Tôi sẽ học theo anh để làm điều đó”, Thu Sa nói một cách giản dị.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek