Chùa Cổ Lâm - Hội Tôn (thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) là một trong những ngôi chùa cổ đầu tiên của Phú Yên, gắn liền với lịch sử phát triển của Phật giáo trên địa bàn tỉnh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, chùa vẫn còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc Phật giáo đặc thù đầy ấn tượng.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh chùa Cổ Lâm - Hội Tôn nằm trong khuôn viên rộng khoảng 1ha, mặt quay về hướng đông nam, lưng dựa vào núi Sơn Chà, một vị trí đắc địa về phong thủy. Tại di tích này, nhiều khu mộ tháp của các quý hòa thượng mang đặc thù kiến trúc Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII vẫn còn nguyên vẹn.Trên bề mặt các bảo tháp, những họa tiết phong phú như: các bài kệ được đắp nổi bằng chữ Phạn; hoa sen cách điệu tinh xảo; con nghê, con lân mang hình dáng thuần Việt… Tại đây, người xem dễ dàng nhận thấy quá trình giao lưu, tiếp biến các nền văn hóa trong đó có văn hóa Ấn Độ (chữ Phạn), văn hóa Chăm Pa (gạch xây mộ tháp), trưng bày cho người xem những khám phá thú vị về văn hóa tinh thần của người xưa.
Ông Trần Mười, một người dân thôn Diêm Điền, cho biết: “Nhìn vào kiến trúc bề thế của các bảo tháp là biết cư dân xưa rất mộ đạo Phật.
Tôi nghe ông tôi kể, nơi đây khi xưa, dân cư tập trung đông đúc, kinh tế phát triển và nhu cầu tâm linh khá cao. Tôi rất tự hào khi giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Cổ Lâm - Hội Tôn được công nhận và được nhiều người biết đến”.
Theo hòa thượng Thích Tâm Thủy, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên, chùa Cổ Lâm - Hội Tôn là nơi Việt hóa Thiền phái Lâm Tế Trung Hoa thành Thiền phái Lâm Tế Đàng Trong; sáng lập Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán. Hòa thượng trụ trì Liễu Quán là hòa thượng đầu tiên đắc đạo tại tỉnh Phú Yên, khai sáng dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán cho dải đất miền Trung và hiện nay, dòng Thiền vẫn đang phát triển mạnh mẽ.
Bà Trần Thị Loan, một người dân xã An Ninh Tây, chia sẻ: “Sống trong cái nôi của tâm linh Phật giáo, hàng ngày tụng kinh, hướng thiện, nhưng thời gian qua, nhiều người dân xã An Ninh Tây vẫn phải tu tập ở các chùa xa. Nếu chùa Cổ Lâm - Hội Tôn được tôn tạo, phật tử sẽ có nơi để thắp nhang cầu nguyện”.
Di tích chùa Cổ Lâm - Hội Tôn nằm trong quần thể di tích độc đáo của hạ lưu sông Cái gồm: thành An Thổ - nơi sinh cố Tổng bí thư Trần Phú, danh thắng Gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng… Đây là những địa chỉ giàu tiềm năng phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh lý tưởng thu hút du khách.
Ông Lương Minh Phương, Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây, cho biết: Việc chùa Cổ Lâm - Hội Tôn được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là niềm vinh dự của xã An Ninh Tây nói riêng và huyện Tuy An nói chung. Tôi mong rằng, cấp trên và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên tiếp tục đầu tư, tôn tạo di tích chùa Cổ Lâm - Hội Tôn để ngôi chùa sớm phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa; góp phần giáo dục truyền thống, phát triển văn hóa - du lịch ở địa phương.
TUYẾT TRẦN