Năm hết tết đến, một mùa xuân nữa lại về trên quê hương con Lạc cháu Hồng. Mỗi mùa xuân về ta lại thêm tuổi, tính theo lịch Việt (âm lịch) năm nay là năm con dê (năm Ất Mùi). Giờ Mùi kéo dài từ 13 giờ đến 15 giờ, thời gian mở đầu buổi chiều, con người vừa ăn trưa xong đang thong thả nghỉ ngơi và sung mãn bước vào buổi lao động mới. Tháng Mùi là tháng 6 âm lịch, thời tiết sáng sủa nhất trong năm, cây cối vạn vật tươi tốt, đơm hoa kết trái. Quan niệm tín ngưỡng trong dân gian cho rằng người sinh năm Mùi thường mưu trí, nhiệt tình, năng động, tài giỏi, thành đạt, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong cuộc đời.
Trong ca dao tục ngữ, văn học dân gian Việt Nam, hình ảnh con dê đi vào thi ca bình dị, chân chất, gợi lên trong ta một con vật hiền hòa, gắn với những đức tính tốt là chủ yếu. Ca dao, tục ngữ đã viết:
“Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân”
Có gì đó trách cứ cha mẹ sinh con tuổi Thân (tuổi con khỉ) ngậm ngùi song kỳ thực ở đây chỉ muốn so sánh và đề cao người con gái sinh năm Mùi ứng với tuổi Mùi, ta thường gọi là năm con dê.
Dê là con vật đứng hàng thứ 8 trong 12 con giáp, theo âm lịch thì đứng sau tuổi Ngọ, trước tuổi Thân. Con dê cũng là vật nuôi rất được trọng dụng trong đời sống nông nghiệp của nông dân Việt Nam xưa, là một trong sáu con vật nuôi trong nhà (lục súc gồm dê, gà, chó, heo, ngựa, trâu) và là một trong ba con vật linh thiêng cúng trời đất (heo, bò, dê).
Trong Vè 12 con giáp, người dân ta xưa thường xướng ca trong dân gian về hình ảnh con dê:
“Tuổi Mùi là con dê chà
Có sừng, có gạc, râu ra um sùm”
Tuy đứng sau con ngựa (ngọ) song con dê cũng biểu trưng cho sự sung túc, mang sức sống sung mãn, đem lại cho người đời ấm no, hạnh phúc, cường thịnh.
“Năm Ngọ, mã đáo thành công
Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phủ phê”
(Vè miền quê)
Quả thực thịt dê là món ăn ngon, khoái khẩu, tăng nguồn sinh lực, có nhiều cách chế biến hợp khẩu vị.
Con dê trong đời sống văn chương thì có nhiều góc nhìn khác nhau, có khi ca ngợi giá trị, công dụng của loài vật, song có khi cũng ngầm ý phê phán sâu cay. Dân gian thường gọi những kẻ đa tình, hay sàm sỡ phụ nữ là những người “có máu dê”, “đi đêm” quá cũng có ngày “gặp ma”:
“Dê xồm ăn lá khổ qua
Ăn nhiều sâu rợm, chết cha dê xồm”
(Vè dân gian)
“Thói dê” của những người tình ái lung tung, hoang tàng bị người đời phê phán. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm của Việt Nam - đã từng mượn hình ảnh con dê đưa vào trong thơ mình:
“Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”
Nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu cũng từng đề cập đến hình ảnh con dê trong tác phẩm Lục Vân Tiên - một tác phẩm bất hủ làm nên tên tuổi một con người, đi vào văn chương Việt qua bao thế kỷ nay:
Trải qua dấu thơ đường dê
Chim kêu, vượn hú bốn bề núi cao
Con dê được nuôi để lấy thịt, lấy sữa. Sữa dê là sữa quý, giàu năng lượng. Trước đây người ta dùng dê để kéo xe thay cho ngựa và trâu, bò. Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã viết:
Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào
Ngoài ca dao, hò vè, hình ảnh con dê được thể hiện khá đa dạng trong hội họa. Tranh Bịt mắt bắt dê của làng tranh Đông Hồ được biết đến từ rất lâu.
Hình ảnh con dê đi vào đời sống văn hóa dân gian từ trò chơi dân gian, hò vè, ca dao, dân ca, nghệ thuật tranh Đông Hồ..., tất cả sẽ còn lưu lại với thời gian và không gian nghệ thuật. Hình ảnh con dê là đề tài văn học hôm qua, hôm nay và vẫn còn nhiều giá trị khi ta bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu ấy.
HỮU BÌNH