Thứ Sáu, 07/02/2025 06:12 SA
Nghe Mí Nung kể chuyện văn nghệ kháng chiến
Thứ Năm, 09/10/2014 14:00 CH

Cái thời hát văn nghệ phục vụ kháng chiến chống Pháp in đậm trong ký ức của cụ bà K’pá Hờ Phích (85 tuổi, ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa). Những câu chuyện kể của bà như mở ra trước mắt người nghe không gian sinh hoạt của quân và dân thời kháng chiến. Chúng ta càng thêm hiểu rõ, cái cách mà người dân tộc thiểu số Ê Đê thời bấy giờ góp sức mình phục vụ kháng chiến.

 

Mí Nung thể hiện các bài hát cách mạng. - Ảnh: T.DIỆU

 

Cụ bà K’pá Hờ Phích vẫn thường được người trong thôn gọi bằng cái tên thân mật là Mí Nung. Mí Nung già rồi, có thể quên nhiều thứ nhưng vẫn nhớ rõ trên cả chục bài hát phục vụ kháng chiến. Ngồi trên chiếc võng được treo trong một góc nhà, Mí Nung bắt đầu câu chuyện với bài hát Bắn ná bằng tiếng của người Ê Đê.

 

Mí Nung cắt nghĩa: “Đại khái trong bài hát nói rằng, trong kháng chiến chúng ta không có súng đạn để chiến đấu thì dùng cái ná bắn con chim rừng để đánh đuổi giặc Pháp”. Lúc cao hứng, cụ bà đứng dậy, vừa hát, vừa múa, những động tác huơ tay, múa chân như thúc giục lòng người. Rồi bà tiếp tục hát bài Dô hò, dô hò. Giọng hát Mí Nung đã qua 85 mùa rẫy nhưng vẫn khỏe lắm, cao và dày, qua tiếng hát nghe ra trong con người bà có cái phẩm chất cương nghị, rắn rỏi.

 

“Hồi đấy trong buôn có Ma Dơn đi theo cán bộ kháng chiến. Ma Dơn hát hay, múa đẹp lại giỏi dạy lại cho người khác. Nhóm chúng tôi ngày ấy theo Ma Dơn học hát phục vụ kháng chiến có Tuôn Cút, Tuôn Dót, Tuôn Oi, Oi Niu, Mí Ni... Giờ nhiều người trong đội văn nghệ năm ấy đã già yếu, chết rồi”, Mí Nung nhớ lại.

 

Rồi Mí Nung như chợt nhớ ra, bà sảng khoái hát bài Uống rượu say sưa bằng giọng điệu vui vẻ, hóm hỉnh. Bà lại tiếp tục cắt nghĩa bài hát nghe thật có vần, có điệu rằng: Trường kỳ kháng chiến, có anh bộ đội ở nhờ nhà bà mẹ kia, anh uống 10 chai rượu, say rồi anh hát lung tung, say rồi anh múa lung tung. Mí Nung kể: “Hồi kháng chiến khổ lắm nhưng nhiều người trong buôn làng sẵn sàng cưu mang bộ đội. Chúng tôi tình nguyện gùi gánh lương thực, nắm cơm cho bộ đội đang ẩn nấp ăn mà có sức chiến đấu”.

 

Đội văn nghệ của xã có mặt ở hầu khắp các nơi không có lính Pháp canh giữ. Đêm đến, chị em trong đội văn nghệ đốt đống lửa to và dân làng tập trung đến, có cả cán bộ lãnh đạo kháng chiến và bộ đội. Sân khấu được thiết lập ngay, đội văn nghệ hát múa, tinh thần ai nấy đều hăng hái lên hẳn, quyết một lòng đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng. Mí Nung dí dỏm nói: “Lúc đấy mà bị giặc phát hiện nhẹ thì đi tù, nặng thì bị bắn chết. Nhưng tôi đã quyết một lòng theo kháng chiến, theo cách mạng thì không còn lo sợ gì”.

 

Không chỉ trong kháng chiến mà khi hòa bình lặp lại, Mí Nung vẫn thường xuyên tham gia văn nghệ ở huyện Sơn Hòa. Bà đi hát ở các xã lân cận, tham gia thi tài ở tỉnh, có lần còn vào Nha Trang (Khánh Hòa) thi thố. Việc tham gia văn nghệ kháng chiến và thấm nhuần văn hóa của người Ê Đê đã mang đến cho Mí Nung một cái nhìn rất sâu sắc. Mí Nung nói: “Văn nghệ kháng chiến cần truyền tải tinh thần sôi nổi, hăng hái nên bài hát theo đó cũng hào hùng, thôi thúc. Còn các bài hát múa sử dụng trong các lễ hội của buôn làng mang tính nghiêm trang, linh thiêng, đặt trong không khí vui vẻ, sum họp của ngày hội buôn làng. Thời kháng chiến, không gian hát múa khó là thế, vậy mà ai cũng hăng say ca hát, con gái văn công ai cũng biết chơi ít nhất một loại nhạc cụ, con trai biết đánh cồng chiêng. Vậy mà thời bình, bọn trẻ lười biếng, rất ít đứa muốn học nhạc cụ dân tộc. Trong lễ hội, bọn trẻ tham gia cho có lệ, không nhiệt tình gìn giữ bản sắc vốn có”.

 

Ông K’pá Y Lưng, Trưởng thôn Xây Dựng cho biết: “Khi tôi làm trưởng thôn, Mí Nung đã già rồi, không còn tham gia văn nghệ địa phương nữa. Nhưng tôi có nghe người lớn trong thôn nói, Mí Nung là cây văn nghệ nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến”.

 

Những cụ già như Mí Nung còn nhớ rõ các bài hát, điệu nhảy trong thời kỳ kháng chiến, phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt tình quân dân của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất ít. Thiết nghĩ, lãnh đạo ngành Văn hóa địa phương cần quan tâm, tìm hiểu, ghi chép lại các bài hát, điệu nhảy như là nguồn tư liệu quý về văn hóa của thời kỳ này.

 

TUYẾT TRẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek