Thứ Tư, 12/02/2025 13:12 CH
Nhà sư - nghệ sĩ ở ngôi chùa cổ
Chủ Nhật, 06/07/2014 14:00 CH

Thầy Giác Thanh chăm chút tác phẩm của mình - Ảnh: Y.LAN

Tận tụy với việc đạo song nhà sư này vẫn đam mê sáng tạo. Tác phẩm nổi bật của nhà sư - nghệ sĩ này là những đôi rồng uốn lượn đẹp mắt ở chùa cổ Long Tường - ngôi chùa đã tồn tại hơn 200 năm trên đất Hòa Mỹ Đông.

 

NÉT XƯA CHÙA CỔ

 

Được xây dựng vào năm 1808, chùa cổ Long Tường ở thôn Phú Thọ (xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa) là tổ đình của hầu hết các ngôi chùa ở bờ Nam sông Ba, nơi nhiều nhà sư đạo cao đức trọng từng tu tập trước khi hành phương Nam truyền đạo.

 

Hơn 200 năm trước, tại vùng đất hoang vắng, núi một bên sông một bên, hòa thượng Thích Tri Quang đã khéo chọn nơi để lập tự. Chùa Long Tường hướng mặt về phía nam, nơi có dãy Quảng Tường như con rồng uốn lượn trên nền trời xanh biếc. Trước mặt và bên phải chùa được điểm tô bởi màu xanh của lúa, sắn, bắp… trên những đám ruộng được cần mẫn bón chăm. Dòng sông Bánh Lái lờ lững chảy qua bên trái ngôi cổ tự này.

 

Có lịch sử lâu đời song trải qua bao thăng trầm biến đổi, đến nay nét xưa chỉ còn thấp thoáng ở ngôi cổ tự này. Dấu xưa thể hiện rõ nhất là ở vườn tháp cổ gần 150 năm, nơi an nghỉ của các hòa thượng trụ trì. Và điểm nhấn đặc biệt bên cổng chùa Long Tường là một cây gõ cổ thụ xòa tán rộng, tuổi đời của cây gõ còn cao hơn tuổi của ngôi cổ tự.

 

Tại chùa Long Tường, Nguyên tiêu năm 2013, nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng đã tổ chức đêm giao lưu thơ vô cùng ấn tượng, có sự tham gia của nhiều cây bút nổi tiếng đến từ TP Hồ Chí Minh, Bình Định cùng bạn yêu thơ và phật tử ở địa phương. Nhà thơ lớn lên trên mảnh đất Hòa Đồng có tình cảm đặc biệt với ngôi cổ tự này. Trước đó, cũng chính nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng đã đứng ra huy động sự đóng góp của nhiều người để bê tông hóa con đường hơn 1km từ chùa Long Tường ra đến đường liên xã, vốn rất lầy lội, khó đi vào mùa mưa.

 

Thầy Giác Thanh (phải) bên cây gõ đại thụ - Ảnh: Y.LAN

 

NHÀ SƯ - NGHỆ SĨ

 

Từ năm 1996 đến nay, trụ trì chùa Long Tường là đại đức Thích Giác Thanh - một người con của quê hương Hòa Mỹ Đông. Thầy Giác Thanh đến với cửa thiền từ rất sớm. “Tết năm 1965, trên đường chạy giặc, mẹ tôi qua đời khi tôi mới 2 tuổi. Năm 1967, cha tôi dắt theo ba đứa con vào một ngôi chùa ở Cam Ranh, xuống tóc quy y” - thầy Giác Thanh kể.

 

Cùng hai chị nương nhờ cửa Phật, thầy Giác Thanh lớn lên trong câu kinh, tiếng mõ tiếng chuông thay vì lời ru của mẹ. Và rồi đứa trẻ sớm mồ côi mẹ cũng chọn con đường tu. Thầy Giác Thanh tu học ở chùa Quán Thế Âm và học Trung đẳng Phật học ở chùa Ấn Quang (TP Hồ Chí Minh).

 

Chưa từng tham gia bất kỳ khóa học nào về mỹ thuật, song đại đức Thích Giác Thanh là tác giả các bức phù điêu, các đôi tượng rồng uốn lượn ở chùa cổ Long Tường. Việc nhà sư này đến với nghệ thuật cũng là cái duyên. “Năm 1990, khi trùng tu chùa Long Tường, tôi nhờ một nhà điêu khắc ở TP Tuy Hòa về đây đắp tượng rồng. Tôi trộn hồ, phụ việc cho ông ấy, dần dà rồi biết cách đắp tượng” - thầy Giác Thanh kể.

Nói thì đơn giản, nhưng ngoài năng khiếu bẩm sinh và sự sáng dạ, thầy Giác Thanh còn phải tự học rất nhiều. Tác phẩm đầu tay của thầy là những tấm phù điêu ở nhà Đông chùa Long Tường, sau đó mới đến đôi rồng dài 17m cao 1m, uốn lượn từ dưới đất đến chân tượng Phật Thích Ca. Đắp tượng rồng, đương nhiên khó hơn làm phù điêu xa lắc. Đầu tiên, phải dùng sắt bọc lưới uốn thành hình con rồng. Ấy là cái cốt. Sau đó mới dùng xi măng và cát đắp rồng rồi tạo vảy. “Khó nhất là đắp đầu rồng” - thầy Giác Thanh chia sẻ - “Phải làm sao để đầu rồng trông mạnh mẽ, uy nghi”. Điều này thì hoàn toàn phụ thuộc vào trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của nhà sư - nghệ sĩ.

 

Đại đức Thích Giác Thanh cho biết, nếu làm rốt ráo, chỉ khoảng một tuần là thầy và “thợ phụ” trộn hồ hoàn tất đôi rồng. Nhưng vì thầy có nhiều việc cần giải quyết, thành ra việc đắp tượng phải kéo dài thời gian.

 

Sau khi hoàn thành đôi rồng chầu bên tượng Phật Thích Ca, thầy Giác Thanh tiếp tục đắp đôi rồng uốn lượn ngay mặt tiền chính điện mới của chùa Long Tường. Tất bật lo việc xây dựng chùa mới đang còn dang dở, song thầy Giác Thanh vẫn tranh thủ thời gian chăm chút tác phẩm của mình. “Đắp tượng cũng là lúc mình tĩnh tâm, lấy sự bận rộn tay chân làm niềm vui trong cuộc sống” - đại đức Thích Giác Thanh chia sẻ.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek