Du hành vượt thời gian không phải là đề tài lạ với giới làm phim phương Tây. Nhưng ở châu Á, đề tài này được các nhà làm phim ưa chuộng trong thời gian gần đây. Đánh vào tâm lý ưa thích phiêu lưu, phim du hành vượt thời gian đã trở thành “món ăn lạ” đang hấp dẫn khán giả châu Á.
![]() |
Poster phim Danh y vượt thời gian nổi tiếng của Hàn Quốc - Ảnh: Internet |
Các nhà làm phim khoa học viễn tưởng thường sử dụng lý thuyết có một lỗ hổng thời gian tồn tại và con người có thể xuyên qua lỗ hổng thời gian này để du hành giữa hiện tại và quá khứ, hoặc giữa hiện tại và tương lai.
Dựa trên lý thuyết này, các nhà làm phim thường xây dựng phim có nội dung xoay quanh nhân vật là những người sở hữu khả năng đặc biệt là du hành xuyên thời gian như trong các phim: Bác sĩ vô danh (Anh), Đã đến lúc (Mỹ), Dị nhân 6 (Mỹ), Người vợ du hành thời gian (Mỹ)… Một lý thuyết khác rất phổ biến trong phim du hành thời gian là con người có thể du hành xuyên thời gian thông qua các phương tiện trung gian như: bức tranh cổ, đồng tiền xu mà thông dụng nhất là cỗ máy thời gian như: 12 Con khỉ, Trở lại tương lai, Du hành về quá khứ, Nửa đêm ở Paris (Mỹ)… Điều thú vị là đề tài này thường chỉ gây hứng thú với số ít các nhà làm phim phương Tây và Hollywood với những dự án điện ảnh có kinh phí đầu tư khổng lồ.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thể loại phim du hành vượt thời gian đang nở rộ ở châu Á mà đại diện tiêu biểu nhất là Hàn Quốc. Kể từ sau thành công liên tiếp của bộ phim điện ảnh lãng mạn Căn hộ Il Mare (2000) và loạt phim truyền hình ăn khách Chuyện tình vượt thời gian (2003), điện ảnh Hàn Quốc cho ra đời liên tiếp loạt phim du hành vượt thời gian làm khuynh đảo sóng truyền hình châu Á như: Sự lựa chọn của tương lai, Danh y vượt thời gian, Lời cầu hôn ngọt ngào, Người đàn ông của hoàng hậu In Hyun…
Điện ảnh Hồng Kông, Đài Loan cũng không kém Hàn Quốc khi cho ra đời hàng loạt phim thu hút khán giả như: Chàng trai đến từ tương lai, Bộ bộ tâm kinh, Cung tỏa tâm ngọc, Hổ phụ sinh hổ tử… Đối với châu Á, điện ảnh Nhật Bản sớm chuộng dòng phim du hành vượt thời gian và có nhiều phim về thể loại này như: Pokemon: Celebi và cuộc gặp gỡ vượt thời gian (2001), Jin (2009); loạt phim dựa trên bộ truyện tranh kinh điển Doraemon (1996) là Doraemon: Chú khủng long của Nobita, Doraemon: Nobita tây du ký…
Khán giả Thanh Hải (phường 7, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Tôi rất thích xem phim du hành vượt thời gian. Tôi đang xem phim Hoàng tử gác mái của điện ảnh Hàn Quốc. Bao giờ, xem phim du hành vượt thời gian, tôi cũng có cảm giác như đang phiêu lưu vào một thế giới đầy bí ẩn với cuộc chiến giữa các dị nhân tương lai và người trái đất trong phim phương Tây; cảm nhận chuyện tình vượt thời gian lãng mạn và hòa mình vào lịch sử và văn hóa của đất nướ trong phim châu Á. Rất tiếc, tôi chưa xem một bộ phim Việt Nam nào thuộc đề tài này”.
Với điện ảnh Việt Nam, đề tài du hành vượt thời gian còn quá mới, thậm chí còn bỡ ngỡ với các nhà làm phim. Đến nay, chúng ta mới chỉ có bộ phim Anh chàng vượt thời gian được phát sóng trên kênh VTV3 vào năm 2011 nhưng phải ngừng chiếu sau vài tập công chiếu do phim quá kém chất lượng.
Tuy nhiên, đến tháng 1/2013, phim ngắn Trở lại của đạo diễn trẻ Nguyễn Hồng Quân với câu chuyện về một thế giới vào năm 2032 bị chìm trong ô nhiễm của chất độc sau một thảm họa hạt nhân. Tại thời điểm này, con người đã phát minh ra loại thuốc có thể đưa con người trở về quá khứ. Phim đoạt giải nhất tại lễ trao giải cuộc thi phim ngắn thuộc Dự án làm phim 48h do các nhà làm phim độc lập của Mỹ khởi xướng. Có thể nói, đây là tín hiệu vui cho phong trào làm phim du hành vượt thời gian đang rất thành công ở châu Á hiện nay.
Với đề tài du hành vượt thời gian, nhiều nền điện ảnh của khu vực châu Á đang “hái ra tiền” từ khán giả mến mộ, trong đó có hàng triệu khán giả trẻ Việt Nam. Trong giai đoạn mà phim Việt đang bí bách về đề tài thì du hành vượt thời gian sẽ là phương án tốt giúp mở ra một kênh ý tưởng mới làm phong phú thêm đề tài cho phim Việt.
DIỆU ANH