Thứ Hai, 07/10/2024 19:33 CH
Cảm nhận Mường Phăng
Chủ Nhật, 04/05/2014 07:00 SA

Điểm dừng chân đầu tiên trong đợt đi thực tế, tìm cảm hứng sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật của đoàn văn nghệ sĩ - báo chí Phú Yên là căn cứ Mường Phăng - trung tâm của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch mà suốt 56 ngày đêm, quân dân ta đã “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…”.

Muong-Phang.jpg

Đoàn của Hội VHNT tỉnh Phú Yên tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Mường Phăng - Ảnh: K.LONG

Con đường vào khu căn cứ chỉ huy năm xưa ngoằn ngoèo, dốc cao, vực sâu, chỉ rộng chừng non mét thì nay đã rộng rãi hơn trước rất nhiều. Đường được trải nhựa nên dễ đi hơn, thuận lợi cho các phương tiện cơ giới và nhân dân vào thăm căn cứ Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Cây hai bên đường xanh, cao tỏa bóng mát. Mùa này không còn hoa ban nở trắng rừng như đợt xuân về, song chúng tôi vẫn cảm nhận được sự lãng mạn, hùng vĩ của khu rừng nguyên sinh Mường Phăng - nơi đóng quân của Sở chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, cách TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) 25km về phía đông. Đi trên con đường mòn trong khu di tích lịch sử lừng danh này, tôi như còn nghe đâu đó những bước chân nhộn nhịp của đại đoàn quân chuẩn bị cho chiến dịch “quyết đánh, quyết thắng” của quân và dân ta cách đây vừa tròn 60 năm.

Toàn bộ sở chỉ huy chiến dịch xưa nay đã được phục dựng để cho du khách đến tham quan. Đứng trước lán làm việc đơn sơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chạm tay vào những chất liệu đơn sơ, mộc mạc tranh tre nứa lá của núi rừng Mường Phăng, tôi cảm nhận được ý nghĩa lớn lao đến vô cùng, cảm nhận được sự vĩ đại của đại đoàn quân dân tộc đã chiến đấu cho sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam. “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Tố Hữu).

Theo dấu chân của các chiến sĩ đã từng sống và chiến đấu trên vùng đất này, chúng tôi vượt chừng 50 bậc xi măng lên cao. Điểm đến đầu tiên của sở chỉ huy là lán bảo vệ đơn sơ, mộc mạc. Tiếp theo là con đường nhỏ dài, dẫn chúng tôi đi sâu vào phía trong. Đi dưới những tán lá rừng nguyên sinh Mường Phăng trong tháng 4, lòng tôi rộn lên bao ý nghĩ về địa danh lịch sử của 60 năm về trước. Đi chừng non cây số đường rừng thì bắt gặp những lán và hầm, nơi ở và làm việc của các chiến sĩ làm công tác thông tin liên lạc của sở chỉ huy chiến dịch. Tất cả được phục dựng bởi những chất liệu nguyên sơ của núi rừng Tây Bắc. Đến trung tâm của khu căn cứ Mường Phăng, giữa những cây cổ thụ vươn cao tỏa bóng mát là một khối đá to, nằm trên bệ xi măng, ngay ngắn ở giữa là tấm bảng đồng có ghi dòng chữ bằng hai thứ tiếng Việt - Anh “Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ” với mốc thời gian 31/1/1954-15/5/1954. Rêu đã bắt đầu nhuốm màu thời gian trên bảng, song ý nghĩa lịch sử của chiến dịch Điện Biên và khu căn cứ kháng chiến này, tôi nghĩ vẫn còn tươi xanh mãi mãi, trong lòng mỗi người Việt Nam tự hào và kiêu hãnh. Anh em trong đoàn tranh thủ chụp hình, lấy tư liệu. Cô hướng dẫn viên người Thái xinh đẹp, thon thả trong trang phục rất đặc trưng, có giọng nói nhẹ nhàng, cuốn hút khách tham quan.

Thật bồi hồi xúc động, khi đứng trước “Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ”. Đấy là dòng chữ đầy đủ giới thiệu lán tranh nơi ở làm việc suốt chiến dịch 56 ngày đêm gian khổ, ác liệt.

Đại tướng - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội tụ nhiều đức tính cao đẹp của Bác Hồ, vĩ đại nhưng khiêm tốn, sống một đời sống giản dị, thanh bạch, là tướng nhưng vẫn hết sức bình dị, gần gũi nhân dân, sống đời sống nhân dân, tâm hồn luôn yêu thương con người, gắn với thiên nhiên, hiền hòa độ lượng… Không chỉ những năm tháng ở chiến trường, Đại tướng sống gần gũi với thiên nhiên Tây Bắc mà cả khi về Thủ đô, Đại tướng vẫn sống đời sống gần gũi với cỏ cây hoa lá thiên nhiên.

cua-ham.jpg

Cửa vào đường hầm xuyên núi và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng - Ảnh: D.T.XUÂN

Cách trung tâm sở chỉ huy chiến dịch chừng 100m là lán ở và làm việc của Đại tướng. Đi chừng 40 bậc lên cao, ta bắt gặp lán, cũng được phục dựng bằng tranh tre, nứa lá của núi rừng Mường Phăng. Ngôi lán rộng chừng 30m2 được chia ra 2 phần, phần ngoài là nơi Đại tướng làm việc, hội họp với các tướng lĩnh, phía bên trong là nơi ở của Đại tướng và có cửa thông vào đường hầm dài 69m ăn thông qua núi về phía sau. Đường hầm cao chừng 2m, rộng khoảng 1,2m. Đến điểm giữa hầm có chỗ rộng gần 5m2. Cô hướng dẫn viên cho biết khi đào đường hầm này, cả hai phía đều đào và đến điểm giữa lệch chừng 1,5m, do đó mới có khoảng rộng như thế này. Bây giờ, khoảng rộng đó thuận lợi cho khách tham quan tập trung tại điểm giữa căn hầm, để nghe câu chuyện lịch sử về đường hầm của sở chỉ huy. Bên trong đường hầm có nhiều ngách nhỏ, là nơi làm việc và đặt máy điện đàm của các chiến sĩ thông tin liên lạc chiến dịch. Ra khỏi đường hầm là hội trường của sở chỉ huy. Đó là một ngôi nhà lá rộng chừng 50m2, nhiều mệnh lệnh quan trọng, chỉ thị về chiến dịch được phát ra từ đây.

Nhẹ bước trong Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi cảm nhận về một Mường Phăng hùng vĩ, lớn lao - nơi 60 năm trước, các quyết định lịch sử của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa dân tộc ta đến bến bờ vinh quang chói lọi. Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là những con số trong thời gian tiến hành chiến dịch, đó là chúng ta đã huy động hơn 26 vạn dân công từ các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, liên khu 3, liên khu 4… Những đoàn dân công ra hỏa tuyến điệp điệp trùng trùng. Họ là những chàng trai, cô gái tuổi 20 đầy khát vọng. Đó là 20.911 xe đạp thồ lương thực, thực phẩm, 11.800 bè nứa, mảng tre, đóng góp cho chiến dịch, đã vận chuyển 25.000 tấn lương thực (trừ số tiêu hao trên đường và các tài liệu thì để chuyển được 1kg gạo đến chiến trường Điện Biên Phủ, dọc đường phải tiêu tốn đến 24kg gạo), 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô. Quân ta cũng đã huy động được hơn 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa phục vụ chiến dịch. Còn nhiều con số khác để minh chứng cho sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc vào chiến dịch lịch sử này. Sức mạnh của con người, sức mạnh của dân tộc thật phi thường. Có những khẩu pháo nặng hàng tấn phải tháo rời ra để kéo vào trận địa rồi lắp lại, quãng đường kéo pháo dài trên 15km. Sau khi kéo pháo vào, quân ta được lệnh kéo pháo ra. Tất cả được thực hiện bằng sức người, bằng ý chí. “Lòng quyết tâm cao hơn núi, vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù” - câu hát ấy vẫn còn vang vọng mãi…

Hành hương về Điện Biên Phủ lần này là để cảm nhận và sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật - báo chí về một Điện Biên Phủ mãi mãi là mốc son chói ngời lịch sử giữ nước hào hùng. Cha anh chúng ta đã viết nên bài ca Điện Biên với giai điệu đầy tự hào. Chúng tôi, thế hệ hậu sinh, sẽ viết tiếp bản hùng ca mà cha anh đã viết chương đầu - Điện Biên Phủ bài ca bất tử.

HỮU BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về với Điện Biên
Chủ Nhật, 04/05/2014 11:00 SA
Tháng 4 về Thành An Thổ
Thứ Năm, 01/05/2014 14:00 CH
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Thứ Tư, 30/04/2014 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek