Thứ Tư, 09/10/2024 03:20 SA
Vĩnh biệt nhà thơ Nguyên Hồ
Thứ Tư, 19/03/2014 08:32 SA

Năm 1962, Báo Văn học tổ chức cuộc thi sáng tác ca dao, có cả nhà thơ tài hoa Nguyễn Bính tham gia dự thi. Nguyên Hồ đạt giải nhì (không có giải nhất) làm cho cho nhà thơ Nguyễn Bính phải trầm trồ:

“Diễn ca thì chịu Xuân Phong

Ca dao thì phải chịu ông Nguyên Hồ”

“Kiện tướng” ca dao, truyện thơ Nguyên Hồ tên thật là Hồ Công Hãn, sinh ngày 21/2/1929 tại xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, Phú Yên vừa vĩnh biệt chúng ta ngày 14/3/2014 tại nhà riêng (ở phố Đông Các, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội), hưởng thọ 86 tuổi.

anh-ong-the140319.jpg

Nhà thơ Nguyên Hồ

Ông là hội viên lớp đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam và là một “cây bút lão luyện” về ca dao cùng nhiều truyện thơ, trường ca nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến, được in trong nhiều tuyển tập thơ văn và được chọn đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Nhà thơ Nguyên Hồ đi xa để lại nhiều tiếc thương trong lòng bạn yêu thơ cả nước và vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt là quê hương Phú Yên.

Làcán bộ Ty Thông tin - Tuyên truyền tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyên Hồ đã sáng tác rất nhiều ca dao, diễn ca phục vụ cách mạng, kháng chiến ở chiến trường Liên khu 5. Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, vừa mới 16 tuổi, Nguyên Hồ được giao nhiệm vụ làm giáo viên bình dân học vụ kiêm công tác thông tin tuyên truyền ở địa phương. Với năng khiếu bẩm sinh, Nguyên Hồ đã có những câu ca dao đầu tiên được bà con truyền đọc.

Người mà viết thạo đọc thông

Như diều gặp gió như rồng gặp mây

Người mà chữ nghĩa chẳng hay

Như trong ngục tối tường vây bốn bề

Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyên Hồ sáng tác hàng ngàn câu ca dao phục vụ cách mạng:

Đá Bia núi hận mây mờ

Dòng sông Bàn Thạch lững lờ máu pha…

Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, công tác trong ngành Văn hóa - thông tin. Nhiều năm làm Phó giám đốc Nhà xuất bản Phổ thông, Phó tổng biên tập tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật. Ngoài công tác quản lý, ông tiếp tục sáng tác với sức viết dồi dào.

Nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận xét: “Nguyên Hồ, cây bút lão luyện ca dao hồi kháng chiến nay vẫn dẻo dai và càng khởi sắc” (tạp chí Văn Học tháng 7/1961). Ông đã nhận được nhiều giải thưởng về ca dao, truyện thơ: Giải thưởng Phạm Văn Ðồng (Chi hội Văn nghệ Liên khu 5, 1953), Giải thưởng NXB Phổ thông 1961), Giải thưởng báo Văn Học (1962)...

Ngoài sở trường về ca dao, Nguyên Hồ còn là “kiện tướng” diễn ca, truyện thơ. Tập truyện thơ Cô gái Phú Yên với hơn 2.000 câu lục bát của ông là một bản trường ca có tiếng vang sâu rộng, được nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc hồ hởi đón đọc. Nhà thơ Nguyễn Ðình viết trên báo Thống Nhất, tháng 6/1963: “Qua phong trào kết nghĩa đầy tình cảm chân thành và thắm thiết, đọc Cô gái Phú Yên của Nguyên Hồ, người cán bộ miền Nam rất sung sướng gặp lại ở đây hình ảnh nơi chôn nhau cắt rốn, đã cảm động trước cảnh buồn vui của nhân vật như chính bà con, bạn bè, đồng chí của mình ở bên kia giới tuyến”.

Bài ca dâng Ðảng của ông viết nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Ðảng (1970) dài 814 câu được đăng trọn trên các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân ngày 1/1/1970 được đông đảo bạn đọc ngợi khen. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã trích nhiều câu trong Bài ca dâng Ðảng để phổ nhạc.

Tác phẩm của Nguyên Hồ rất đồ sộ. Hầu hết được in lần đầu với số lượng lớn và được tái bản nhiều lần. Ðường hạnh phúc in lần đầu 40.000 bản (NXB Phổ thông); Ngọc càng mài càng sáng in 30.000 bản (NXB Phụ nữ); Bài ca dâng Ðảng in 100.000 bản; Cô gái Phú Yên in 11.000 bản, trường ca Ðất nước vào xuân có hơn 1.000 câu, in 25.000 bản (NXB Phổ thông)... và hàng chục tập truyện khác.

Thơ, ca dao của Nguyên Hồ được lựa chọn in vào các tuyển tập thơ văn ở Trung ương và địa phương và được đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Ðặc biệt, ca dao của ông được bạn đọc rất hoan nghênh với lời ngợi khen: “Thơ Tố Hữu, nhạc Văn Cao, Nguyễn Tuân tùy bút, ca dao Nguyên Hồ”. Ông còn là nhà thơ trào phúng đã in hàng trăm bài thơ, câu đối, châm biếm, đả kích dí dỏm, sâu sắc, là cây bút hàng đầu trong “Làng cười”, ở TP Nha Trang một thời.

Thơ, ca dao Nguyên Hồ đáp ứng rất kịp thời những yêu cầu của công cuộc kháng chiến, xây dựng đất nước, xây dựng con người đồng thời có giá trị lâu dài vì lời hay, ý đẹp, rất tự nhiên như lời ăn, tiếng nói của nhân dân, nhưng cũng rất chuyên nghiệp, trau chuốt, lưu loát, giàu hình ảnh, rất hấp dẫn, dễ đi vào lòng người. Ðọc thơ, ca dao của ông, nhất là những truyện thơ nhiều nghìn câu, có cảm tưởng văn thơ ông như dòng chảy dào dạt của con sông bắt nguồn từ nhiều con suối dồi dào sức nước.

Những năm sau khi nước nhà thống nhất, về làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Văn nghệ tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), ông đã có đóng góp tích cực phát triển phong trào văn nghệ trong tỉnh. Trong bài Câu ca dao một thời (tạp chí Văn nghệ 2/7/2011) nhà văn Nguyễn Gia Nùng có nhận xét: “Nguyên Hồ sống mẫu mực, tình cảm, nhân hậu, thủy chung, viết chân thực hết mình với tình yêu chân thành sâu sắc nhất với Ðảng, với Bác Hồ, với nhân dân, kết đọng trong từng con chữ, câu thơ giàu bản sắc dân gian truyền thống, nhưng luôn luôn tươi mới”.

Đầu năm 2007, NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản cuốn sách Cuộc đời và trang viết của Nguyên Hồ, dày 400 trang khổ 15x22cm, cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, thú vị về một đời người, một đời thơ, thưởng thức trọn vẹn một số truyện thơ, diễn ca nổi tiếng của Nguyên Hồ như: Cô gái Phú Yên, Đường ra trận, Bài ca dâng Đảng, Chú gấu với tấm gương, 115 năm sạch bóng quân thù… và nhiều bài ca dao, thơ trữ tình, thơ trào phúng, thơ xướng họa, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung.

Nguyên Hồ đã đi xa nhưng tâm hồn nhà thơ luôn vọng về quê cha đất mẹ Phú Yên - nơi nhà thơ, nhà cách mạng Nguyên Hồ từ lòng dân ra đi đã hiến trọn đời cho sự nghiệp chung của Tổ quốc, và nền văn học cách mạng gần 7 thập kỷ.

ĐẶNG MINH PHƯƠNG - THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek