Thứ Tư, 09/10/2024 14:20 CH
Ngựa trong ca khúc Trịnh Công Sơn
Chủ Nhật, 02/03/2014 14:00 CH

Một người yêu nhạc, nói: “Nhạc Trịnh có nhiều bài nhắc đến ngựa”. Tôi thử nhẩm hát vài bài thì thấy quả đúng vậy.

Ngua140302.jpg

Ảnh: Internet

Ngựa là phương tiện đi lại ngày xưa. Nay một số nơi vẫn còn xe ngựa, xe độc mã, chạy lóc cóc trên đường chở các bà, các cô buôn bán nhỏ từ quê ra phố và ngược lại. Hình ảnh chiếc xe ngựa thô sơ ấy luôn làm nhiều người lo lắng có một ngày sẽ mất đi. Thì ra ký ức mỗi người như một bảo tàng thu nhỏ, cứ muốn lưu mãi những hình ảnh xưa và nghe hoài những thanh âm cũ.

Trong thơ ca hễ nhắc đến ngựa, xe ngựa, vó ngựa, nhạc ngựa, bỗng dưng lòng người dâng tràn hoài niệm, có gì như bi ai, như hùng tráng. Thử nhắc 2 câu trong bài Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan: “Dấu xưa xe ngựa, hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Thơ nghe như nhạc điệu một thời huy hoàng của người xưa gọi về, như thấy mình đang dạo chơi trong tiền kiếp trên cỗ xe song mã.

“Ngựa” sẵn trong tâm thức người Việt. Trịnh nhạc sĩ nhắc đến xe ngựa, vó ngựa, ngựa hồng… trong các ca khúc để bày tỏ tâm trạng với nhiều cung bậc tình cảm: buồn, xa vắng, hoài cảm, hoài mỹ, mơ hồ, đau thương, hy vọng… “Ngựa” trong nhạc của ông thể hiện ở hai hình thái: Hiện thực và ẩn dụ. Nhưng trong phần nhiều các bài hát, hai hình thái này trộn lẫn vào nhau.

“Ngựa” ở hình thái hiện thực, xin điểm danh vài ca khúc: Bài Em còn nhớ hay em đã quên với câu “nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng, nối xôn xao hàng quán đêm đêm”. Câu hát tái hiện bức tranh yên bình của đời sống quá vãng với kỷ niệm bè bạn bên nhau. Bài Một cõi đi về với câu “vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ, một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa”. Nghe tiếng chân ngựa một ngày thu trời xanh nắng nhẹ, là như nghe tiếng thời gian chậm rãi đi qua một miền hảo vọng, đẹp, thanh bình nhưng có phần hiu hắt. Trong Rơi lệ ru người (Thí dụ), nhạc sĩ mô tả hình ảnh “tĩnh” bên cạnh “động” với câu “em theo tôi cùng ra quán ngồi, bên đời xe ngựa ngược xuôi”. Tôi bỗng nhớ 2 câu thơ của Quang Dũng trong bài Kẻ ở thơ cũng dùng thủ pháp tương tự: “Hoa rơi khắp lối, sương muôn ngả/ Ngựa lạc rừng hoang qua lướt qua”.

“Ngựa” ở hình thái ẩn dụ, xin điểm danh vài ca khúc: Bài Dấu chân địa đàng với câu “ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần”. Ngựa buông vó như người ngập ngừng trước dự cảm bất an. Xuân Diệu cũng đã từng: “Mây biếc về đâu bay gấp gấp/ Con cò trên ruộng cánh phân vân”. Rồi ta nghe tiếng ngựa hí tưởng như vọng về tự thuở hồng hoang, vọng đến vườn khuya, vọng đến ngày

sau “từ đó trong hồn ta, ơi tiếng chuông não nề, ngựa hí vang rừng xa vọng suốt đất trời kia” (Đóa hoa vô thường). Bài Xin mặt trời ngủ yên với câu “ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương”. Cảm xúc của người chuyển sang ngựa để diễn tả sự mất mát, chia lìa, khổ nạn trong chinh chiến ngay trên quê hương mình. Riêng bài Huế Sài Gòn Hà Nội, ngựa bay bổng với câu “ngựa bay trong gió lòng reo muôn vó, cho dân ta bừng lớn trong tự do”. Ngựa trong bài này như một niềm tin hy vọng.

“Ngựa” trộn lẫn giữa hiện thực và ẩn dụ, xin điểm danh vài ca khúc: Bài Thuở Bống là người có câu “vó ngựa tình sâu, đất nồng nỗi nhớ”. Ngựa được ẩn dụ trong cả tình yêu! Bài Phúc âm buồn có câu “người nhìn mãi theo từng chuyến xe ngựa qua rồi, người nhìn dấu xe lăn đi dấu lăn trên đời, ngựa xa rồi, người vẫn ngồi, bụi về với mây”. Câu hát khắc khoải nỗi lòng người chờ đợi, đợi đến lúc bụi về với mây, hồn về thiên đàng. Tôi liên tưởng đến bài thơ Mòn mỏi của Thanh Tịnh với nỗi lòng cô gái đợi người yêu: “Có bóng tình quân muôn dặm ruổi/ Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ”. Rồi trong bài Xa dấu mặt trời nhạc sĩ đã tự hỏi trong lẻ loi đơn bóng: “Hay mình đã lạc loài, vó ngựa trên đời hay dấu chim bay?” Và, “ngựa” đôi lúc cũng bình yên như người về sau mỗi ngày “một ngày như mọi ngày xe ngựa về ngủ say” (Một ngày như mọi ngày).

“Ngựa” trong nhạc Trịnh là ngựa thiền, con ngựa của sự quán tưởng và ẩn dụ, khác hẳn con ngựa trần trụi, sức mạnh trong âm nhạc phương Tây. Thử điểm vài bài: Trong bản Jingle Bells quen thuộc, ngựa chỉ đơn giản là “the horse was lean and lank” (con ngựa thon gầy). Ngựa trong bản Dark Horse nổi tiếng của Harrison (The Beatles) “cause I’m comin’ at you like a dark horse” (vì tôi đang đến với em như một con ngựa ô).

Nhạc Trịnh đã nâng “ngựa” lên thành hình tượng đẹp, nói thay con người về thân phận, tình yêu, nỗi niềm, gợi lại ký ức xa xưa; nhạc - ngựa - người hòa vào nhau trong niềm cảm thương vô hạn.

PHÙNG HI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek