Con ngựa trong thơ tình thời tiền chiến

Con ngựa trong thơ tình thời tiền chiến

Thơ tiền chiến (1930-1945) để lại dấu ấn đặc sắc trong vườn thơ Việt Nam với sự góp mặt của nhiều nhà thơ tài hoa và những bài thơ tuyệt bút sống mãi với thời gian.

Thơ tiền chiến (1930-1945) để lại dấu ấn đặc sắc trong vườn thơ Việt Nam với sự góp mặt của nhiều nhà thơ tài hoa và những bài thơ tuyệt bút sống mãi với thời gian.

Vườn hoa thơ tiền chiến lung linh sắc màu, nhiều cung bậc. Và trong số muôn vàn hình tượng thơ, hình tượng con ngựa tạo dấu chấm phá đầy ấn tượng với đa chiều các sắc thái biểu cảm.

Đó là nỗi lòng cô phụ dõi theo bóng chồng lên ải Bắc trong bài “Trông chồng” (Vọng phu) của thi sĩ Thái Can:

Chinh phu ruổi ngựa lên miền Bắc

Tiếng địch bên thành thổi véo von

Mây bạc lưng trời bay lững thững

Chim trời tan tác bóng hoàng hôn

Vó ngựa chập chùng lên ải Bắc

Tuyết sương lạnh lẽo gió râu mày

Gươm thiêng lấp lánh bên lưng nhẹ

Ngựa hí vang lừng trận gió may

Đó là nỗi lòng thiếu nữ dõi theo bóng người yêu tung vó câu trở về nhà xưa chốn cũ để dệt mộng yêu đương.

Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ

Tìm thử chân mây khói tỏa mờ

Có bóng tình quân muôn dặm ruổi

Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ

Mòn mỏi (Thanh Tịnh)

Nhưng bóng dáng người thương vẫn chỉ thấp thoáng như khói như sương trong tâm tưởng, ngựa hồng đã quay về cố hương mà tình quân vẫn lận đận đâu đó ở cõi xa mờ:

Ngựa hồng đã đến bên hiên

Chị ơi, trên ngựa chiếc yên… vắng người!

Đó là những chàng trai tung vó ngựa ra chốn quan hà để gìn giữ biên cương, giã biệt lãng đãng khói sương một bóng hồng tri kỷ:

Ta đi trong đời hay trên mây

Vó ngựa sơn hà nhúng rượu say

Quan ải chập chùng, quan ải tiếp…

Khói sương đậu lại, chí ta bay

Trai tráng (Phan Thanh Phước)

Và có cả những mối tình đơn phương của thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính lạnh lẽo đơn côi “Viếng hồn trinh nữ” đưa người trong mộng về cõi vô thường.

… Có một chiếc xe màu trắng đục

Hai con ngựa trắng, bước hàng đôi

Đem đi một chiếc quan tài trắng

Và những bông hoa trắng lạnh người

Theo bước những người khăn áo trắng

Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi

Sau nhiều mối tình phiêu lãng “đủ phá tan tành một kiếp trai”, Nguyễn Bính thổn thức vọng về người chị ruột kính yêu đang tê tái nỗi buồn sương phụ nơi quê nhà:

Em vốn đường dài thân ngựa lẻ

Chị thì sông Cái nước đò ngang

Quê người ngắm mãi sông lưu lạc

Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng…

Vẫn còn đó nguyên vẹn một mùa xuân, Nguyễn Bính trải lòng trong bài “Nhạc xuân” tưởng vọng công chúa Huyền Trân u sầu vó ngựa câu “Nước non ngàn dặm” về làm dâu xứ người để giữ vững tình hòa hiếu giữa hai dân tộc:

Hôm nay là xuân, mai còn xuân

Lăng lắc đường xa gởi cố nhân

Năm mới tháng giêng, mồng một tết

Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân.

BA ĐÀ RẰNG

Từ khóa:

Ý kiến của bạn