Chủ Nhật, 13/10/2024 10:26 SA
Một quần thể di tích cần được khôi phục và bảo tồn
Chủ Nhật, 29/09/2013 14:00 CH

Tại thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân có một quần thể di tích đình, miễu thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ cần được khôi phục và bảo tồn.

mieu130929.jpg

Trụ đình và cột đình, còn sót lại của quần thể di tích đình, miếu Triêm Đức - Ảnh: M.M.TÂM

NƠI PHÁT KIẾN THỜ CÚNG VUA HÙNG

Để tìm hiểu gốc tích về sự tồn tại của các đình, miễu này, tôi tìm tới cụ Nguyễn Thọ (91 tuổi) và cụ Phan Đình Cát (85 tuổi). Đây là 2 người cao tuổi nhất ở thôn Triêm Đức. Họ đã từng sống, cống hiến, gắn bó cả đời ở vùng đất này. Ở ngưỡng tuổi “gần đất xa trời” nhưng 2 cụ vẫn còn minh mẫn và biết rất rõ nguồn cội 2 ngôi miễu và 1 đình làng, hiện tại chỉ còn nền móng và những đống gạch đổ trên nền đất cũ.

Cụ Thọ và cụ Cát cho biết, mặc dù không có sách sử chính thống nào ghi lại, nhưng qua phong thơ ruộng đất, lưu truyền trong các dòng họ thân thế ở đây thì miễu Bà, miễu Ông và đình làng Triêm Đức được kiến tạo từ đời Hoàng tử Biểu Lâm lên làm vua với Niên hiệu Thành Thái thứ V vào khoảng năm 1895. Ba tộc họ Phạm, Vương, Phan có công khởi xướng, lập đình miễu là các ông: Phạm Văn Mẫn, tự Phạm Văn Huy, tục danh Bá hộ Ngọt; Vương Chí Hiền, tự Vương Chí Hiếu; Phan Viết Văn, tự Phan Văn Công đứng ra trông coi và đôn đốc việc xây dựng. Thi công xây dựng đình, miễu là những người thợ được rước từ Thừa Thiên - Huế. Miễu Bà, tục gọi Miễu Nước Nóng, nằm trên đồi núi kề suối nước nóng là nơi phụng thờ Tiên nữ Âu Cơ. Xuôi về cuối vực Đá Ràng, cách mép sông 500m là ngôi miễu Ông, còn gọi là Miễu Chính, nơi thờ Lạc Long Quân. Tục gọi là miễu nhưng thực ra đây là 2 ngôi đền thờ đồ sộ và trang nghiêm, chứ không phải như những miếu nhỏ dân gian - thờ vong âm hồn. Nền móng còn lại cho thấy, mỗi đền rộng hơn 50m2.

Ông Thọ và ông Cát giảng giải: Bà là giống Tiên nên lập đền thờ trên núi, Ông là giống Rồng nên lập đền thờ cạnh bờ sông. Ngày đó, đồi núi vực Lò cạnh suối nước nóng được coi là nơi linh thiêng “hòn cấm”; không ai dám bén mảng, chặt phá cây rừng. Tại miễu Bà có một cây sộp to vài ba người ôm, ai qua đây đều phải cúi đầu van vái. Miễu Ông cách miễu Bà 1.000m, xuôi về phía bến đò Hóc Óng (nơi qua lại giữa 2 thôn Thạnh Đức và Triêm Đức, hồi còn chung xã Xuân Quang) là một ngôi đình, tục gọi là đình Triêm Đức. Đình không chỉ có dân làng Triêm Đức mà cả nhân dân vùng tây bắc Phú Yên (Đồng Xuân 5) tề tựu về đây hoan hỉ, vui chơi trong những ngày cúng tế Âu Cơ và Lạc Long Quân.

Theo hiện trạng nền móng và lời kể của các cụ cao niên, đình Triêm Đức hồi còn nguyên vẹn, được xây dựng trên khuôn đất rộng gần 1ha. Đình có 3 gian, gồm: gian thờ chính điện dùng để ngày đêm dâng hương tưởng niệm, tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước. Phía đông là gian nhà thờ các bậc tiền, hậu hiền, những người đã có công khai cơ, lập nghiệp cho cộng đồng cư dân tây bắc Phú Yên. Phía tây là gian dùng cho việc hội họp của hội đồng chức sắc làng xã để luận bàn những việc liên quan đến việc tổ chức lễ hội, tu tảo đình miễu và chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Phía sau lưng đình là gian nhà kho, tục gọi là lẫm làng dùng để chứa lương thực, thực phẩm phục vụ cho cúng tế.

Đình miễu ngày ấy, được xây cất kiên cố, hoành tráng; cột sơn son thếp vàng; rượng, trính chạm khắc hoa văn, hoành biển, liễn đối, cửa võng trang hoàng rực rỡ. Trước tháng 8/1945, hàng năm, mỗi độ xuân thu nhị kỳ (15/3 và 15/8 âm lịch), Tết Nguyên đán tại miễu Ông, miễu Bà, đình làng được người dân Triêm Đức và nhân dân trong vùng tổ chức cúng rước đình đám.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Tân, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Phú Yên, trong cuốn “Địa danh huyện Đồng Xuân”, khi mô tả về Làng Triêm Đức, ông viết: “Làng có từ xa xưa, vì dân cư đến từ La Hai rồi ngược theo sông mà khai thác ruộng đất lập nên làng xóm Triêm Đức xây dựng đình, chùa, miếu mạo. Từ đó con cháu cứ ngược lên khai thác lập làng Kỳ Lộ, Phú Giang... Triêm Đức trở thành gốc, trung tâm của cư dân vùng tây bắc, bao gồm từ Xuân Lãnh, Xuân Sơn, La Hai cho đến Đồng Xe, Kỳ Lộ”. Chính vì vậy, nơi đây đã hình thành một quần thể đình, miễu thờ tổ tiên Lạc Long Quân và Âu Cơ.

ƯỚC NGUYỆN DÂN LÀNG

Trong bút tích tập diễn ca “Hát về đất tổ, quê cha” của ông Phạm Tung, một cán bộ lão thành, nay đã trên 92 tuổi quê ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, hiện sống ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) có viết về Phú Yên bằng diễn ca toàn thơ lục bát. Trong bài thơ Triêm Đức một di sản văn hóa của Phú Yên, ông Tung viết:

Triêm Đức tây bắc Phú Yên

Núi sông hùng vĩ, thiên nhiên tuyệt vời

Đình Triêm Đức một thời tuyệt đẹp

Tưởng niệm người kiến nghiệp sơ khai

Miễu chính từ lúc ban sơ

Là nơi tưởng niệm tổ sơ Hùng Đàm

Miễu nước nóng bảng vàng đề chữ

Biết ơn bà Tiên nữ Âu Cơ…

Theo lịch sử xã Xuân Quang, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện Chỉ thị của Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu V và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Phú Yên, miễu Ông, miễu Bà và đình làng Triêm Đức được chuyển giao cho Ủy ban kháng chiến dùng làm xưởng Quân giới Liên khu V, đúc lựu đạn và làm kho vũ khí cung cấp cho chiến trường Cực Nam Trung bộ và Tây Nguyên để chống Pháp.

Chín năm quân giới ở Xuân Quang

Đình miễu thành xưởng, lẫm làng thành kho.

Chịu thiệt thòi để chung lo việc nước

Cứu giống nòi để mất trước, được sau... (Phạm Tung)

Vậy nên có câu:

Triêm Đức có núi hòn Chinh,

Cây cao, bóng cả, công binh thay nhà. (Phạm Tung)

Sau bị Việt gian chỉ điểm, nơi đây có các kho vũ khí nên Pháp đã dùng máy bay oanh tạc, ném bom đình miễu bị đánh sập và thành hoang phế từ đó.

Đau lòng người ở vùng quê

Miễu đình là chỗ đi về vui xuân

Giờ đây nơi đó lạnh lùng

Chỉ nghe tiếng dế, thạch sùng oán than… (Phạm Tung)

Ý thức rõ về giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt của một quần thể di tích đã từng tồn tại cách đây hàng trăm năm; nơi duy nhất phát kiến thờ cúng Vua Hùng ở Phú Yên, cũng là nơi thực hiện triệt để hiệu triệu “tiêu thổ kháng chiến”, từ năm 2010, những người cao tuổi ở thôn Triêm Đức đã đệ đơn xin phép được khôi phục, trùng tu các di tích. Thiết nghĩ, đây là ước nguyện chính đáng của dân làng, ngành chức năng và chính quyền cần quan tâm, mong làm sống lại một di tích mà cha ông đã từng nặng lòng với các bậc tiền nhân.

MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek