Thứ Sáu, 19/04/2024 06:30 SA
Cồng chiêng Phú Yên vào hội
Chủ Nhật, 18/08/2013 07:40 SA

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc miền núi Phú Yên luôn coi cồng chiêng là một tài sản vô cùng quý báu, là vật biểu thị sức mạnh trong đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng dân tộc. Cồng chiêng không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa của người dân tộc thiểu số. 

 

cong-chieng130818.jpg

Biểu diễn cồng chiêng tại một lễ hội ở Phú Yên - Ảnh: D.T.X

Cồng chiêng là biểu hiện sự giàu có của từng gia đình, dòng họ, buôn làng. Âm thanh và giai điệu những bộ cồng chiêng có âm sắc chuẩn mà giá trị nghệ thuật được khẳng định là linh hồn bản sắc của từng dân tộc. Cùng với sở hữu chum chóe, trâu bò, ruộng rẫy... cồng chiêng đã chứng tỏ giá trị vật chất là vậy. Từ ngàn xưa, cái vô giá là cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với người dân tộc thiểu số, giữ vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần các dân tộc trường sơn Tây Nguyên nói chung và các dân tộc miền núi Phú Yên nói riêng. Nó có mặt trong mỗi đời người từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh cho đến lễ bỏ mả. Cồng chiêng còn quy tụ nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như: nhảy múa, hát khan, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, điêu khắc... đặc biệt về âm nhạc, cồng chiêng có sức vang xa, có tổ chức hợp âm hoàn chỉnh từ giai điệu, hòa âm đến phức điệu.

 

Cũng có thể tìm ở cồng chiêng những giá trị cao về thẩm mỹ, tính cộng đồng... Khi đi sâu vào nghiên cứu, các nhà chuyên môn còn cho rằng, mọi phong tục, tập quán của các dân tộc trường sơn Tây Nguyên đều thể hiện qua tiếng cồng chiêng. Tiếng chiêng của dân tộc Ê Đê mừng trẻ sơ sinh đầy cữ, có ý nghĩa công nhận chính thức cho đứa trẻ gia nhập cộng đồng và khi trưởng thành nó sẽ như cây mọc thẳng, biết vượt qua mọi khó khăn để tồn tại. Tiếng chiêng trong lễ cầu hôn nhắc nhở đôi trai gái yêu thương bền chặt, thủy chung, tuân thủ truyền thống, giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng. Cồng chiêng xua đuổi khi thú dữ về phá rẫy nương; thúc giục trai tráng trong làng xung trận khi chiến tranh. Khi buôn làng có người qua đời, tiếng chiêng nghe buồn bã, nỉ non; kêu gọi mọi người cùng nhau lo liệu, chia sẻ nỗi buồn này.

 

Đặc biệt trong lễ hội, khi cồng chiêng xuất hiện thì không khí và nghi thức lễ hội mới bộc lộ rõ nét. Nói cách khác, cồng chiêng và lễ hội trong mối liên hệ hữu cơ, không có cồng chiêng thì lễ hội không thành. Bất cứ lễ hội nào của đồng bào, cồng chiêng bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo, thu hút mọi người nô nức vào hội; khấy động không gian lễ hội tràn ngập niềm hân hoan để mọi người tìm về bên nhau bằng những điệu múa dồn dập, say đắm hết mình. Hay khi buôn làng chìm trong đêm tĩnh lặng, mọi người quây quanh bên bếp lửa hồng, đâu đó chợt đong đưa giai điệu cồng chiêng sâu lắng, gợi tình người xích lại gần nhau. Trong đêm ning nơng (tiếng dân tộc Ba Na là nghỉ ngơi) trăng thanh, gió mát cồng chiêng mời gọi trai gái quây quần múa hát bên nhau.

 

Tất cả ý nghĩa đó cho thấy, cồng chiêng có một vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa trong sinh hoạt đời sống mà còn là “tiếng nói” của con người và thần linh - theo quan niệm vạn vật hữu linh.

 

cong-chieng-1130818.jpg

Cồng chiêng Ê Đê, Ba Na Phú Yên chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tổ chức tại Phú Yên - Ảnh: M.M.TÂM

Cũng như các dân tộc trường sơn Tây Nguyên, các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Phú Yên là những người yêu chuộng, gìn giữ và phát huy giá trị âm nhạc cồng chiêng. Già làng Ma Ngoe ở buôn Thồ Lồ, xã Phú Mỡ (Đồng Xuân) có lần đã khẳng định rằng: “Làng có thể dời đi do đất ở không phù hợp hoặc do luật tục quy định. Đời sống dân làng có lúc no, lúc đói do chiến tranh, thiên tai, dịch họa nhưng cồng chiêng không thể rời xa con người, buôn làng không thể thiếu tiếng cồng chiêng”.

 

Hãy lắng nghe tiếng chiêng trong trường ca Ê Đê Phú Yên:

 

Đánh lên! cho khỉ quên ôm chặt cây, cho ma quỷ quên hại người...

Đánh lên! cho thỏ phải giật mình, cho nai quên ăn cỏ...

 

Cồng chiêng của dân tộc Ba Na, Chăm HRoi đệm lời bài hát trong lễ hội Đâm trâu:

 

Ơ thần núi thần sông

Ơ ma ông, ma bà

Cho chúng tôi nhiều heo gà bò trâu

Cho chúng tôi mạnh khỏe đẹp giàu

Lúa đầy bồ, nồi gang nâu to nhỏ

Có đi xa không lạc ngõ, lầm đường...

 

Các dân tộc miền núi ở Phú Yên thường sử dụng các loại cồng chiêng: Giàn chiêng Arap của người Ê Đê, Ba Na thường sử dụng bộ bình thường có 3 cồng núm và 8 chiêng bằng. Bộ Arap đầy đủ có từ 18 đến 20 chiếc - đây là loại chiêng hai đầu có người khiêng và một người nhạc công theo đệm, được các dân tộc miền núi Phú Yên yêu thích và sử dụng rộng rãi. Nhưng đối với dân tộc Chăm Hroi, Ba Na ở huyện miền núi Đồng Xuân dàn nhạc cụ được sử dụng phổ biến nhất vẫn là bộ cồng 3, chinh 5, trống đôi. Đều là nhạc khí thuộc bộ gõ nhưng khi hòa thanh cồng 3, chinh 5, trống đôi đã tạo ra âm sắc có nét đặc trưng để nhận diện bản sắc dân tộc. Cồng 3 giữ bè trầm tạo âm thanh nền vang rền, sâu lắng; chinh 5 vang giai điệu khoan nhặt, thanh thoát; trống đôi tiết tấu dồn dập tạo không khí tưng bừng không gian lễ hội. Với đặc trưng ấy, cồng chiêng dân tộc Chăm Hroi, Ba Na, Ê Đê thường được chọn đại diện tham dự các ngày hội lớn của dân tộc và tham gia giao lưu liên hoan văn hóa các dân tộc khu vực và toàn quốc.

 

Ngày nay, khi “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã trở thành kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đóng vai trò và khẳng định giá trị bản sắc cộng đồng văn hóa các dân tộc trường sơn Tây Nguyên thì nhạc cụ cồng chiêng các dân tộc miền núi Phú Yên cũng là một bộ phận góp phần làm phong phú, đa sắc, đa hình và độc đáo, làm giàu vốn văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc Phú Yên nói riêng. Hôm nay, cồng chiêng Phú Yên lại được dịp rộn ràng thổn thức trong Ngày hội Văn hóa - thể thao - du lịch các dân tộc lần thứ VIII - 2013.

 

MẠNH MINH TÂM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek